Bình luận: Tin vào ý chí và sức trẻ Việt Nam

(VOH) - Đại hội thể thao Đông Nam Á 2013 - SEA Games 27 đã khép lại sau lễ bế mạc đầy màu sắc và đậm nét văn hóa truyền thống của chủ nhà Myanmar. Nếu không kể những lời ca thán, sự than phiền về việc trọng tài thiên vị quá đáng, có lẽ chủ nhà Myanmar đã có một kỳ SEA Games thành công trọn vẹn, cả về công tác tổ chức lẫn thành tích.
Trong điều kiện có thể, đất nước chỉ vừa trở mình như Myanmar đã có một kỳ Đại hội mà bất kỳ quốc gia nào từng đăng cai đều ngưỡng mộ. Nước chủ nhà đã không tiếc kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, nhà thi đấu hiện đại, tổ chức đón tiếp chu đáo hàng ngàn VĐV và quan khách đến tham tranh tài cùng du khách tham quan. Đặc biệt là người dân Myanmar luôn nhiệt tình, mến khách và thân thiện, để lại nhiều hình ảnh đẹp với bạn bè quốc tế.
 
Đoàn thể thao Việt Nam đã hoàn thành tốt mục tiêu đề ra.

Với đoàn thể thao Việt Nam, thành tích 73 HCV, 85 HCB, 86 HCĐ, xếp hạng ba chung cuộc có thể nói là đã hoàn thành tốt những mục tiêu đề ra trước Đại hội. Tuy nhiên, nhìn vào bảng xếp hạng chung cuộc, trừ chủ nhà Myanmar mà thành tích chưa phản ánh đúng thực lực, có thể thấy, khoảng cách trình độ giữa Việt Nam và cường quốc thể thao số 1 khu vực - Thái Lan, dường như không có thay đổi đáng kể. Nhiều năm qua, những nỗ lực bám đuổi từ chất lượng đến số lượng của thể thao Việt Nam vẫn chưa thu hẹp được bao nhiêu so với Thái Lan. Kể cả khi bị chủ nhà o ép, người Thái vẫn thể hiện tiềm lực thể thao nước họ là hình mẫu của Đông Nam Á, khi năng lực thi đấu trong đa số môn có thông số rõ ràng đều vượt xa đối thủ, muốn thiên vị cũng không được.

Trong khi đó, chất lượng thi đấu cũng như sự đồng đều trong sự phát triển ở các môn của thể thao VN còn khập khiễng. “Mỏ vàng” huy chương vẫn là các môn võ, trong khi nhóm môn thuộc hệ thống Olympic vẫn chưa đạt đến sự ổn định thành tích cũng như chiều sâu lực lượng. Chính vì thế, không khó hiểu khi thể thao Việt Nam dù luôn nằm trong tốp dẫn đầu SEA Games, hơn hẳn  những Malaysia, Singapore hay Philippines nhưng đến lúc bước ra đấu trường Asiad hay Olympic, lại mãi chỉ là cái bóng  của những quốc gia  trên.

Hơn nữa, dù hoàn thành vượt chỉ tiêu HCV, song nhiều niềm hy vọng của thể thao Việt Nam đã không đáp ứng được sự mong đợi. Thất bại cay đắng của đội tuyển bóng đá U23 VN, Rowing không hoàn thành chỉ tiêu, thất bại của cầu lông hay một số nội dung của điền kinh đã để vuột mất vàng một cách đáng tiếc…

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, có thể thấy rất nhiều điểm sáng đầy lạc quan cho thể thao nước nhà, khi ý chí Việt Nam, sức trẻ Việt Nam thể hiện qua những cuộc tranh tài quyết liệt, gay cấn, khiến các đối thủ cũng phải ngả nón bái phục. Đó chính là chiếc HCV thứ 5 của nữ hoàng kata Nguyễn Hoàng Ngân qua các kỳ SEA Games - một chiến công đầy ý nghĩa khi cô đã vượt qua chính mình, vượt qua nỗi ám ảnh chấn thương dai dẳng để mang vinh quang về cho Tổ quốc. Đó chính là chiếc HCV của Phạm Thị Bình ở nội dung marathon nữ - nội dung gian khổ nhất của điền kinh. Vậy mà bằng đôi chân trần, Bình đã xuất sắc vượt quãng đường hơn 42 km bằng sự dẻo dai, bền bỉ đáng kinh ngạc.

Đặc biệt hơn, cô gái Quảng Ngãi này từng mắc bệnh tim bẩm sinh, nhưng đã nỗ lực chiến thắng bệnh tật để chinh phục bộ môn marathon bằng một ý chí đáng khâm phục. Đó là chiến công của Nguyễn Văn Lai khi mang về chiếc HCV 10.000m nam đầu tiên trong lịch sử các kỳ SEA Games của thể thao VN, là cú nhảy thần kỳ phá kỷ lục SEA Games của Nguyễn Văn Hùng, nội dung nhảy ba bước. Đó là sự trở lại đầy ấn tượng của “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương trên đường chạy cự ly ngắn 100m và 200m nữ, những cự ly danh giá nhất của điền kinh, để đập tan những ngờ vực, trở lại đầy mạnh mẽ sau chấn thương. Ý chí Việt Nam mạnh mẽ, mãnh liệt và đầy kiêu hãnh thể hiện rõ nét trên những chiếc HCV vừa kể.

Và sức trẻ Việt Nam còn  nằm trên đôi vai của chàng lực sĩ 19 tuổi Thạch Kim Tuấn 2 lần phá kỷ lục SEA Games, không có đối thủ ở hạng cân 56 kg môn cử tạ. Là những sải tay làm dậy sóng đường đua xanh của cô gái 17 tuổi Nguyễn Thị Ánh Viên, VĐV bơi lội nữ đầu tiên mang về HCV SEA Games trong lịch sử, không những một mà tới 3 chiếc, cùng 2 kỷ lục Đại hội. Đó chính là bản lĩnh và sự chuẩn xác trong từng viên đạn của các xạ thủ trẻ Nguyễn Thành Đạt, Nguyễn Minh Châu, góp công lớn giúp bắn súng VN thống trị đấu trường khu vực.

Hơn 70 HCV giành được ở SEA Games 27, mỗi chiếc đều là thành quả xứng đáng của sự đầu tư đúng mức, của những tháng ngày các VĐV miệt mài đổ mồ hôi tập luyện, thậm chí cả máu và nước mắt. Đặc biệt, trong số này, nhóm môn Olympic cơ bản có đến 10 HCV điền kinh, 7 HCV bắn súng, 5 HCV bơi lội, 1 HCV cử tạ, xấp xỉ 1/3 tổng số HCV của đoàn thể thao VN. Những tấm huy chương danh giá  bằng vàng mười hẳn hoi.

Rõ ràng, với những gì thể thao Việt Nam thể hiện qua kỳ SEA Games này, vẫn còn nhiều vấn đề cần mổ xẻ một cách nghiêm túc - để có chiến lược dài hơi, đúng đắn, đầu tư tương xứng cho thể thao Việt Nam hướng tới những đấu trường lớn hơn. Chúng ta hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu tự hào về ý chí, sức trẻ, bản lĩnh Việt Nam trong cuộc tranh tài cùng các nước. Tin rằng, một khi được phát huy đúng mức, ý chí Việt Nam, sức trẻ Việt Nam như đã thể hiện qua kỳ SEA Games 27 - hoàn toàn đủ sức đưa thể thao nước nhà vươn cao, vươn xa.