Cần giải pháp đồng bộ cho hạ tầng của sân bay Tân Sơn Nhất

(VOH) - Chiều ngày 11/9, mưa to, gió lớn, dông giật mạnh tại TPHCM, khiến máy bay không thể cất và hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất. 4 chuyến đi Cam Ranh, Đà Lạt, Cần Thơ phải chuyến hướng, 22 chuyến bay khác phải thay đổi giờ khởi hành do ảnh hưởng dây chuyền. Trước đó, cơn mưa lịch sử ngày 26/8 cũng khiến gần 70 chuyến bay đến Tân Sơn Nhất bị ảnh hưởng. Trong đó, có 2 chuyến bị hủy; 4 chuyến bay quốc tế không hạ cánh được phải đáp xuống sân bay của Campuchia, Thái Lan; 14 chuyến phải hạ cánh xuống các sân bay lân cận như Liên Khương, Cam Ranh…

Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất bì bõm nước (Ảnh: Facebook M.T)

Có thể thấy, việc sân bay ngập nặng rõ ràng gây thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế lẫn an toàn bay của ngành hàng không và ảnh hưởng tới lịch trình cũng như công việc của khách hàng. Khi sân bay bị ngập, việc cất, hạ cánh của tàu bay không theo đúng lịch trình, bị hủy hoặc chậm chuyến. Mặt khác, điều đáng lo nhất lúc này là thời tiết ngày càng diễn biến bất thường qua từng năm, mưa bão kéo dài có thể ập đến bất kỳ lúc nào. Do vậy, vấn đề đặt ra lúc này là làm sao giải quyết hiệu quả tình trạng ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất trước mắt lẫn lâu dài.

Theo Bộ Giao thông – Vận tải, giải quyết ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất khi có mưa lớn không chỉ là việc của riêng TPHCM hay Bộ Giao thông Vận tải, mà vấn đề này cần có trách nhiệm và sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan. Từ đầu năm đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức 4 cuộc họp với TP và 8 cuộc họp với bên quân đội để bàn về vấn đề trên.

Thực tế cho thấy sân bay Tân Sơn Nhất đang tồn tại nhiều bất cập như: Quá tải cả trong nhà ga và ngoài sân đỗ, tình trạng ngập lụt mỗi khi có mưa to, đường giao thông kết nối cũng thường xuyên tắc nghẽn. Theo quy hoạch thì sân bay có công suất tối đa 25 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2020. Tuy nhiên, năm 2015, sân bay Tân Sơn Nhất đã tiếp đón hơn 26 triệu lượt hành khách. Dự kiến năm nay, sân bay sẽ tiếp đón tới 32 triệu lượt hành khách.

Trước thực trạng sân bay Tân Sơn Nhất có thể ngập gần 20cm uy hiếp trạm điện và an toàn bay, quận Tân Bình đã đề xuất với UBND TP làm 745m kênh chống ngập với chi phí 360 tỷ đồng. Trong số tiền đầu tư 360 tỷ, thì chi phí xây dựng là 110 tỷ đồng, còn 250 là đền bù giải phóng mặt bằng.

Sân bay Tân Sơn Nhất ngập nặng sau mưa. Ảnh: PetroTimes

UBND TP cũng vừa phê duyệt đề án chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất nói riêng và cả vùng xung quanh sân bay nói chung. Hiện Trung tâm Chống ngập TP đang phụ trách dự án này, đồng phối hợp với sân bay trong triển khai các giải pháp chống ngập tạm thời lắp đặt máy bơm nước công suất hơn 1.000  m3/h, khai thông hệ thống kênh rạch xung quanh… Tuy vậy, đây là dự án lớn phải xây dựng một cách tổng thể bao gồm việc chống ngập cả vùng chứ không chỉ riêng sân bay Tân Sơn Nhất. Bởi hiện nay TPHCM cứ có mưa to là ngập, vì vậy, sân bay Tân Sơn Nhất cũng bị ảnh hưởng.

Song song đó, để giải quyết hệ thống giao thông bên ngoài kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất, TP đã quyết định đầu tư trên 30.000 tỷ đồng cho việc xây dựng các tuyến cao tốc trên cao dẫn vào sân bay. Mục tiêu sau khi hoàn thành các dự án này sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông hướng ra vào sân bay trong khung giờ cao điểm hoặc khi có mưa bão.

Những động thái nói trên cho thấy chính quyền TP đang quyết tâm xử lý vấn đề sân bay Tân Sơn Nhất ngập nước một cách đồng bộ, đảm bảo an toàn và thuận lợi tối đa cho hoạt động hàng không tại đây. Tuy vậy, như Bộ Giao thông – Vận tải đã nhận định, quá trình này đòi hỏi sự vào cuộc, phối hợp giữa nhiều bên, nhằm không chỉ cải thiện mà còn mở rộng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, công suất hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất.

Tại một đô thị năng động, phát triển như TPHCM, nhu cầu đi lại, thông thương bằng hàng không đang ngày càng lớn và đóng một vai trò quan trọng trong tổng thể quá trình phát triển kinh tế xã hội của TP và cả nước. Do vậy, hơn lúc nào hết, việc cải tạo cơ sở vật chất, nâng cao công suất của sân bay Tân Sơn Nhất được cộng đồng, đặc biệt là người dân TP rất quan tâm và chờ đợi vào những chuyến biến rõ nét và hiệu quả.