Đổi mới giáo dục là mệnh lệnh của dân tộc

(VOH) - Sáng nay 5/9, tiếng trống khai trường vang lên khắp nơi trên cả nước đánh dấu năm học mới 2013- 2014 và ngày toàn dân đưa trẻ đến trường đã chính thức bắt đầu. Đây là năm học tiếp tục kế thừa thành quả 5 năm thực hiện chủ trương xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” và đặc biệt hơn hết là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Đây cũng là năm học mà thực tế báo trước nhiều thử thách lớn lao về trường lớp, về đội ngũ giáo viên đối với ngành giáo dục - đào tạo khi các trường tiểu học phải đón nhận số lượng học sinh vào lớp một tăng đột biến, hệ quả của tư tưởng sinh con năm “heo vàng” 2007.

Một năm học đòi hỏi sự nỗ lực lớn lao không chỉ riêng ngành giáo dục đào tạo mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị xã hội, sự chung sức của toàn thể phụ huynh học sinh và cả ý thức học tốt của học sinh. “Đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục và đào tạo” đã là mệnh lệnh của dân tộc.

Không chỉ với một số quốc gia tiên tiến mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng đều xem Giáo dục - Đào tạo là nền tảng, là quốc sách để đưa đất nước đi lên bởi đó là chân lý. Ở nước ta, ngành Giáo dục - Đào tạo cũng nhiều lần thực hiện cải cách nhưng chưa thật sự sâu sắc, chưa toàn diện và rộng khắp. Lần này, đổi mới căn bản và toàn diện được xem là yêu cầu bức thiết dù biết trước sẽ gặp không ít khó khăn. Điều đáng tự hào là dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống bất khuất và tinh thần vượt khó, nên thời gian qua, trước hoàn cảnh khó khăn - kể cả sự trì trệ của ngành, nhưng vẫn có không ít nhân tài làm rạng danh đất nước ở các cuộc thi quốc tế và khu vực, rất nhiều thủ khoa xuất thân trong gia đình lao động nghèo. Tinh thần hiếu học, vượt khó kể trên sẽ là nền tảng, là chỗ dựa căn bản để ngành Giáo dục - Đào tạo vững tin bước vào cuộc đổi mới nhiều thử thách và cam go. “Vạn sự khởi đầu nan” nhưng với niềm tin, ý chí, quyết tâm cùng những bước đi phù hợp, thì nhất định chúng ta sẽ vượt qua.

Phát biểu với thầy trò trường THPT Bùi Thị Xuân (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) nhân ngày khai giảng năm học mới, với niềm tin tưởng lạc quan chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước ta xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là đột phá chiến lược để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo trở thành đòi hỏi cấp bách. Đây là nhiệm vụ nặng nề, nhưng hết sức vẻ vang mà ngành Giáo dục và Đào tạo cả nước phải quán triệt và thực hiện thắng lợi.”


Đồng chí Trương Tấn Sang đánh trống khai giảng năm học mới tại trường Bùi Thị Xuân (Đà Lạt) - Ảnh: TNO.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo có rất nhiều việc phải làm và cần thời gian trải nghiệm. Trước mắt là khắc phục ngay những bất cập của hôm qua như tình trạng thiếu trường lớp; thiếu nhưng vẫn thừa giáo viên theo cấp học và theo vùng miền; ngăn chặn triệt để việc dạy thêm học thêm tràn lan; hạn chế đến mức thấp nhất những tiêu cực trong thi cử, tuyển sinh và thương mại hóa giáo dục…Về chiến lược đổi mới thì nhất thiết phải chuẩn hóa một cách khoa học các giáo trình đào tạo; đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính sáng tạo của học sinh- sinh viên, biến quá trình “đào tạo” thành “tự đào tạo” thay cho học tủ, học vẹt; quy hoạch lại hệ thống các trường lớp; phân luồng phân tuyến học sinh cho phù hợp với nhu cầu nhân lực của xã hội theo từng thời điểm.

Điều quan trọng nhất cho sự nghiệp đổi mới giáo dục là nâng cao năng lực và phát huy phẩm chất đạo đức tốt đẹp của đội ngũ cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý của ngành. Mới đây, ngành Giáo dục- đào tạo quận Hà Đông (Hà Nội) đã tiên phong trong công tác qui hoạch chuẩn hóa cán bộ các trường, mạnh dạn tham mưu cho 5 vị hiệu trưởng thể hiện văn hóa từ chức khi tự thấy mình yếu kém năng lực quản lý. Sư kiện này như thể tiếng kèn xung trận cho sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo mà thiết nghĩ nhiều nơi cần suy ngẫm. Năm học khởi đầu công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện đã bắt đầu. Dù biết rằng thử thách lớn lao vẫn đang ở phía trước nhưng chúng ta cần vững niềm tin theo lời dặn của Bác Hồ “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt.”