Đổi mới y tế cơ sở - Hướng đi tất yếu!

(VOH) - Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng kép về bệnh tật, trong đó bệnh không lây nhiễm gia tăng rất đáng ngại.

Khi dịch bệnh xảy ra, người dân ùn ùn vượt lên tuyến trên gây quá tải, do không tin vào năng lực của y tế cơ sở là nỗi lo khác. Y tế cơ sở đã xác định vai trò của mình như thế nào để tạo sự vững chải trong hệ thống y tế? Vì rằng, với tình trạng mong manh như hiện nay, tất yếu chiếc túi điều trị ngày càng phình to. Tại sao tỷ lệ hộ gia đình bị nghèo hóa cho chi phí y tế vẫn cao, 19% các gia đình phải dành hơn 10% thu nhập cho các dịch vụ y tế?

Đổi mới y tế cơ sở - Hướng đi tất yếu!

Ảnh minh họa: baobaohiemxahoi

Các bệnh không lây đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại nước ta. Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, cứ 10 người thì có tử vong thì có đến 7 trường hợp do các bệnh không lây nhiễm. Trong số đó, các bệnh có số mắc và tử vong cao bao gồm tăng huyết áp và các bệnh tim mạch, chiếm khoảng hơn 30%. Đáng nói ở chỗ, các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tiểu đường hoàn toàn có thể được quản lý ở y tế xã phường theo nguyên lí y học gia đình. Tuy nhiên, do không tin vào năng lực ở trạm y tế nên người dân lại vượt tuyến lên trên.

Thống kê cho thấy có hơn 41% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị ở trạm y tế xã. Tuyến đầu trong hệ thống y tế là vô cùng quan trọng, bởi vì nơi đây sẽ giải quyết tất cả các bệnh thông thường, mãn tính trên cơ sở quản lý mô hình bệnh tật khoa học, còn hệ thống y tế của ta hiện đang đi lệch hướng. Trạm là tuyến y tế gần dân nhất kết nối đầu tiên và hiểu được cái người dân cần. Nhưng nghịch lý ở chỗ, các trạm y tế hiện nay chủ yếu thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, còn bệnh nhân đến khám không nhiều. Người dân một phần chưa tin, phần thấy bất tiện khi trạm không thực hiện những xét nghiệm hay cận lâm sàng, thậm chí thuốc men trạm cũng không có. Vì thế, buộc lòng người bệnh thà chịu cực một lần lên thẳng tuyến trên.

Một điều tra mới của Bộ Y tế cho thấy đầu tư mạng lưới y tế cơ sở cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng. Trong tổng số 11.000 trạm y tế xã của cả nước có gần 3200 trạm y tế cần được xây mới và gần 3.600 trạm cần được nâng cấp, sửa chữa. Điều này cũng lý giải một phần nguyên nhân vì sao thời gian qua các trạm y tế chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, chưa quản lý bệnh mạn tính. Số lượng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít, trạm y tế xã chỉ thực hiện được hơn 50 % các dịch vụ kỹ thuật mà thôi. Bệnh nhân một khi không hài lòng, việc họ đặt niềm tin vào bệnh viện tuyến trên cũng dễ lý giải.

Hệ thống y tế cơ sở đóng vai trò tối trọng trong tổng thể hệ thống y tế quốc gia - được coi là trụ cột để đảm bảo tính công bằng, hiệu quả trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cơ bản của người dân. Nhưng khi cầu và cung dịch vụ y tế ngày một thay đổi, thì hệ thống y tế cơ sở vẫn như cũ, không còn phù hợp với tình hình mới. Điều này dẫn đến sự bất cân xứng giữa hệ thống y tế cơ sở và y tế chuyên sâu ngày càng rõ nét. Năng lực cung ứng dịch vụ, chất lượng dịch vụ và tính bền vững của hệ thống y tế tối quan trọng này cũng bị ảnh hưởng. Rõ ràng, đây chính là thời điểm quyết định để Bộ Y tế bắt tay vào việc thiết kế triển khai một chương trình đổi mới sâu rộng hệ thống y tế cơ sở, khắc phục sự khập khiễng bấy lâu. Động thái mới nhất là triển khai nâng cao chất lượng trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. 26 trạm y tế được chọn thí điểm sẽ được trang bị đồng bộ từ giường tủ, tủ quầy thuốc, máy siêu âm, xét nghiệm, X-quang... đảm bảo công tác y tế dự phòng, phòng bệnh từ sớm cho người dân. Đây thực sự là bước đi vô cùng quan trọng để tiếp tục hoàn thiện tổ chức, mạng lưới y tế cơ sở, khắc phục tình trạng lẩn quẩn bế tắc lâu nay.

Bất cập từ hệ thống y tế cơ sở tồn tại trong thời gian dài đã lý giải vì sao quá tải bệnh viên ở nước ta cứ mãi triền miên không hồi kết. Rõ ràng, bài toán hoạch định chiến lược y tế đã không chính xác từ đầu. Cái cần đầu tư là trạm y tế, tuyến gần dân nhất để lấy lại lòng tin, thì chuyển biến rất chậm, thậm chí “dậm chân tại chỗ”. Ai cũng hiểu, quá tải là câu chuyện đang diễn ra một cách trầm trọng ở tuyến trên nhưng một số nhà quản lý y tế cũng chẳng mặn mà giảm tải. Bởi đằng sau đó là câu chuyện nguồn thu, là “nồi cơm” khi thực hiện tự chủ. Trong tình hình mới, đổi mới y tế cơ sở là hướng đi tất yếu và đúng đắn cho sự phát triển bền vững. Muốn vậy, bản thân các nhà quản lý y tế cần phải có tầm nhìn chiến lược, có những cái bắt tay thiện chí san sẻ với Bộ Y tế trong nỗ lực thực hiện đề án đổi mới y tế cơ sở. Vấn đề là không để xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, việc thay đổi cần phải được thực hiện đồng bộ và quyết liệt hơn.