“Hậu” chiến thắng IS tại Mosul -Thách thức bộn bề, âu lo còn đó!

Một trong những sự kiện quốc tế nổi bật được dư luận đặc biệt quan tâm là việc chính phủ Iraq và đồng minh đánh bại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và giành quyền kiểm soát thành phố Mô-sun (Mosul). Sự kiện này mang ý nghĩa rất lớn trong nỗ lực tiêu diệt hoàn toàn IS và cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Tuy nhiên, chiến thắng ở Mosul mới chỉ là bước đầu bởi nó đã và đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với chính phủ Iraq, các chính phủ ở Trung Đông cũng như sự cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị khu vực.

Không thể phủ nhận rằng chiến thắng ở Mosul có ý nghĩa rất lớn đối với tất cả các bên. Thứ nhất, nó đánh dấu sự sụp đổ của một thành trì lớn của IS khi Mosul là thành phố lớn thứ 2 của Iraq bị IS chiếm đóng. Thứ hai, chiến thắng này được cho là một đòn giáng mạnh vào tinh thần và ý chí của IS khi chúng đã dồn toàn lực để chống trả nhưng không đạt kết quả. Thứ ba, chiến thắng Mosul là nguồn cổ vũ khích lệ đối với Iraq, giúp chính phủ Iraq cùng Mỹ và liên quân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận và giải phóng các khu vực khác ở Iraq cũng như Syri đang nằm trong tay IS. Thứ tư, chiến thắng Mosul đã cắt đứt hoàn toàn nguồn tài chính của IS khi nguồn thu của chúng dựa phần lớn vào việc bán dầu lậu trung chuyển qua Mosul. Và thứ năm, thắng lợi tại Mosul cũng sẽ đặt ra nhiều bài học kinh nghiệm về cách thức, quy mô và sự phối hợp trong các chiến lược chống khủng bố toàn cầu.

Chính vì thế, đầu tuần này Tổng thống Iraq Haider al-Abadi đã không giấu nổi niềm vui khi nhấn mạnh rằng “đây là một chiến thắng lịch sử đối với người dân Iraq”.

Lính Iraq ăn mừng chiến thắng Mosul. Hình: internet

Nghe nội dung bài viết:

Lật lại lịch sử, chiến dịch giải phóng Mosul đã được chính phủ Iraq, Mỹ và liên quân phát động từ tháng 10 năm ngoái. Sau gần 9 tháng triển khai, các tay súng IS đã bị dồn vào đường cùng. Không còn lối thoát, IS đã kháng cự quyết liệt trong những ngày gần đây nhằm cản bước tiến công của liên quân. Mặc dù Tổng thống Iraq đã tuyên bố giải phóng hoàn toàn Mosul hôm thứ 2 đầu tuần,  nhưng theo ước tính, vẫn còn hàng trăm chiến binh IS đang tử thủ ở Thành cổ Mosul. Trước đó, lực lượng an ninh Iraq đã phải sơ tán hằng trăm dân thường khỏi vùng chiến sự.

 Trên thực tế, Mosul-thủ phủ của tỉnh Nineveh là thành phố lớn thứ 2 ở Iraq chỉ sau thủ đô Bát-đa. Nằm sát biên giới, Mosul có vị trí địa chiến lược, là ngã ba đường chi phối các tuyến đường huyết mạch từ Iraq nối sang Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Cách đây tròn 3 năm, tháng 6/2014, IS đã đánh chiếm Mosul và thủ lĩnh của IS Abu Bakr al-Baghdadi lần đầu tiên tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo tự xưng, đồng thời đề ra những luật lệ Hồi giáo hà khắc, đàn áp, hành quyết hay xử tử người dân vô tội.

Với chiến thắng Mosul lần này, người ta có quyền hy vọng vào một tương lai mới của Iraq, một quốc gia sạch bóng IS và chủ nghĩa khủng bố.

Thế nhưng, dường như niềm vui chiến thắng chưa thể trọn vẹn. Ngay sau tuyên bố giải phóng Mosul hôm thứ 2, giới phân tích đã chỉ ra hàng loạt thách thức mới chờ đợi chính phủ Iraqvà các bên ở phía trước. Hãng tin Anh BBC dẫn lời Trung tướng Stephen Townsend,  chỉ huy lực lượng Mỹ tại Iraq và Syri cho rằng “chiến thắng Mosul chưa phải là sự kết thúc mà thực chất mới là sự khởi đầu”.

Vậy, Mosul đã đủ an toàn để người dân Iraq có thể quay trở về ổn định cuộc sống hay chưa? Câu trả lời là chưa. Chỉ huy lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria, Trung tướng Thao-xen đã nhắc lại bài học của 6 năm trước: sau khi lực lượng Mỹ hoàn tất việc rút quân khỏi Iraq năm 2011, lực lượng an ninh Iraq đã nhanh chóng suy yếu. Iraq đã không thể chống đỡ khi IS tấn công nước này năm 2014. Do vậy, để không lặp lại kịch bản vừa nêu, rõ ràng chính phủ Iraq và liên quân cần có một chiến lược bài bản khác. Ngoài ra, vấn đề tái thiết thành phố và cứu nạn dân thường cũng là điều phải tính đến. Theo ước tính của Bộ Nhập cư và Tị nạn Iraq, có khoảng 920 ngàn trong tổng số 2 triệu dân Mosul đã buộc phải đi lánh nạn, trong khi đó theo đánh giá sơ bộ của Liên hợp quốc, kinh phí tái thiết Mosul có thể lên tới hơn 1 tỷ đô la khi gần như tất cả các tòa nhà trong thành phố đều đã bị phá hủy.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng. So với tái thiết đất nước và đối phó với “tàn dư” của IS, một thách thức khác cũng không kém phần nan giải đó là vấn đề hòa giải dân tộc, đoàn kết các phe phái chính trị ở Iraq. Chiến thắng IS ở Mosul có sự tham gia của tất cả các bên, những người ủng hộ dòng Hồi giáo Shite dòng Hồi giáo Sunni, cộng đồng người Kurd Iraq và nhiều lực lượng khác. Do đó, việc phân chia “miếng bánh quyền lực” hậu Mosul ra sao, chắc chắn sẽ là một bài toán không đơn giản đối với chính quyền Iraq.

Thêm vào đó, bản thân mỗi sắc tộc và dòng tôn giáo, đều có những mâu thuẫn lịch sử nội tại không thể hóa giải. Đã từ lâu, người Cuốc ở Iraq nói riêng và cộng đồng người Cuốc ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria… mong muốn thành lập một nhà nước độc lập của người Cuốc. Song, tham vọng này đã khiến các chính phủ Trung Đông lo ngại. Mới đây, Thủ lĩnh cộng đồng người Cuốc tại Iraq Massoud Barzani tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân đòi quyền độc lập cho người Kurd vào ngày 25/9 tới. Nếu cuộc trưng cầu ý dân diễn ra đúng như kế hoạch và đa số người Cuốc tại Iraq bỏ phiếu “đồng ý” tách khỏi chính quyền trung ương nước này, thì một nhà nước dành riêng cho người Kurd tại Iraq sẽ có cơ hội được thành lập. Điều này không chỉ khiến Iraq bị chia rẽ nghiêm trọng mà còn tạo cơ hội cho những phần tử IS cũng như những kẻ cực đoan, bất mãn với xã hội trỗi dậy mạnh mẽ. Vì thế, bài toán “hậu” Mosul không chỉ là niềm vui tiêu diệt IS mà đâu đó, còn cả những tiếng thở dài lo ngại về tương lai chính trị của nơi này.

Một điểm nữa cần tính đến, đó là chiến thắng ở Mosul còn đặt ra nhiều lo ngại về cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn. Ngay lập tức, Mỹ đã ngỏ ý duy trì lực lượng quân sự ở Iraq sau khi quét sạch IS. Vậy còn Nga sẽ tính toán bài toán chiến lược mới nào để duy trì ảnh hưởng tại đây? Dù không bên nào nói ra, song đây quả thực là những câu hỏi không dễ trả lời sau những diễn biến trên thực địa. Vậy nên, “hậu” chiến thắng IS tại Mosul là thách thức bộn bề, âu lo vẫn còn đó./.