Lấy nước mắm đo lợi ích

(VOH) - Trước những tranh cãi và phản ứng gay gắt của dư luận xã hội về dự thảo này, Bộ KH&CN đã xác nhận tạm dừng thẩm định dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm.

Sau “khủng hoảng truyền thông” liên quan đến câu chuyện đánh tráo khái niệm nước mắm truyền thống nhiễm asen vào năm 2016, gây bất lợi cho ngành sản xuất nước mắm truyền thống trước nước mắm công nghiệp, giờ đây vấn đề lại tiếp tục “nóng” lên với một câu chuyện tương tự khi dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN-12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra mới đây. 

nước mắm, dự thảo tiêu chuẩn nước mắm

Ảnh minh họa: TTO

Như chúng tôi đã thông tin, trước những tranh cãi và phản ứng gay gắt của dư luận xã hội về dự thảo này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xác nhận tạm dừng thẩm định dự thảo nói trên. Vậy sự việc lần này gợi cho chúng ta những suy nghĩ gì qua mục đích của câu chuyện? 

Còn nhớ thời điểm cuối tháng 10/2016, dư luận dậy sóng với thông tin nước mắm truyền thống nhiễm asen. Những nhà sản xuất nước mắm truyền thống thất thần vì hàng loạt sản phẩm nước mắm có tên tuổi, có thương hiệu tồn tại hàng chục năm trên thị trường bỗng chốc bị các nhà phân phối, cửa hàng, siêu thị... từ chối. Thị phần nước mắm truyền thống rớt không phanh và không ít nhà sản xuất nước mắm truyền thống đang yên, đang lành thì lại gặp một “cơn đại hạn” chỉ vì thông tin mập mờ mà Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng - Vinastas đưa ra trước đó.

Nước mắm truyền thống - một đặc sản tồn tại hàng ngàn năm ở đất nước hình chữ S, mà có lúc còn được gọi là “quốc hồn, quốc túy”của dân tộc đã bị người ta bôi bẩn một cách không thương tiếc chỉ vì muốn đạt được lợi ích không lành mạnh. Ngoài ra, sự việc còn được tiếp tay bởi một “chiến dịch truyền thông bẩn” hay gọi cách khác là “truyền thông bất lương” mà thời điểm đó chính những nhà quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông phải đau lòng thốt lên!

Cuối cùng thì sự thật được phơi bày! Cái chất asen mà người ta cố tình bêu ra để người tiêu dùng “hoang mang” thực chất là asen hữu cơ có sẵn trong nước mắm truyền thống! Đó không phải là thứ độc hại gì cả, mà chỉ là một chất tồn tại tự nhiên trong hải sản làm nước mắm mà thôi. Chỉ có asen vô cơ – hay gọi là thạch tín nếu vượt ngưỡng cho phép mới nguy hiểm đến tính mạng con người.

Sự việc khi ấy khép lại với những hậu quả không hề nhỏ nhưng hình như đến giờ nó chưa được nhận thức một cách đúng mức! Có lẽ, cái lợi từ thị trường tiêu dùng nước mắm quá lớn hay do chỉ biết chăm chăm lợi ích riêng, đến mức khiến người ta đánh mất hết lương tâm để tiếp tục có những bước đi... tắc trách?

Chúng tôi chưa dám khẳng định việc Cục Chế biến thủy sản và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng những cá nhân có liên quan đưa ra dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN-12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm lần này có cố tình gây bất lợi cho các nhà sản xuất nước mắm truyền thống hay không!? Bởi đứng ở góc độ quản lý, công bằng mà nói những “hàng rào kỹ thuật” được tạo ra cũng nhằm mục đích buộc nhà sản xuất nước mắm nói chung hướng đến đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Thế nhưng, những tiêu chí của dự thảo lần này không thể ngăn được sự hoài nghi từ dư luận về câu hỏi: Có hay không một sự tiếp tay cho những nhà sản xuất nước mắm công nghiệp, đối thủ của nước mắm truyền thống?

Gần đây chúng tôi có nghe một câu chuyện liên quan đến quá trình xin thành lập các Hiệp hội nước mắm. Sở dĩ gọi là “các Hiệp hội nước mắm” vì ngay sau khi có đơn của một Bộ ngành nọ gửi về Bộ Nội vụ xin thành lập “Ban vận động thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống” thì không lâu sau, lại có lá đơn nữa thuộc một Bộ khác (không có chức năng) cũng gửi đơn xin thành lập “Hiệp hội nước mắm” nói chung. Cái khác nhau ở đây là một bên có gắn chữ “truyền thống” và một bên thì không. Cuộc giằng co này đến nay chưa có hồi kết dù có nhiều bộ - ngành đã thụ lý giải quyết nhưng vẫn chưa ra được quyết định cuối cùng.

Những tưởng chuyện chữ nghĩa người ta chỉ sử dụng trong các tranh luận về văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí xuất bản... thì qua câu chuyện này, nước mắm cũng rất cần phải được định danh một cách cụ thể!

Trong khi những nhà sản xuất nước mắm truyền thống mạnh dạn dùng chữ “truyền thống” gắn ngay sau đuôi chữ “nước mắm” thì những nhà sản xuất “nước mắm công nghiệp”có vẻ rất ngại hai từ này. Nói một cách dễ hiểu, nước mắm truyền thống là cái gốc. Vì vậy theo chúng tôi, nước mắm chỉ có một. Nếu ai đó sử dụng nước mắm làm nguyên liệu để pha chế, dứt khoát nó phải được gọi là “nước chấm” hay một cái tên nào khác. Nhưng nếu chấp nhận gọi là “nước mắm công nghiệp” thì đương nhiên đó không thể là “nước mắm truyền thống”. Mà đã khác về tên gọi như vậy thì tất yếu phải được quản lý theo tiêu chuẩn – quy chuẩn riêng.

Rõ ràng, cái sự mập mờ trong tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý là điều không thể chấp nhận được!

Nên nhớ rằng, cái gì có xuất phát khác nhau, có đặc thù khác nhau, có quy trình làm ra sản phẩm khác nhau thì càng không thể dùng chung một tiêu chuẩn để đo lường được. Không thể quy cho tất cả là “cá mè một lứa” mà phải phân định rõ ràng tiêu chí riêng cho từng loại.

Chúng ta thử đứng ở góc độ khách quan, cứ tạm cho là các nhà sản xuất “nước mắm truyền thống” hay những nhà sản xuất “nước mắm công nghiệp” ai cũng muốn có lợi cho mình! Vậy ở góc độ nhà quản lý phải tiếp cận vấn đề như thế nào để mọi thứ rõ ràng, minh bạch, tránh mập mờ, hiểu sao cũng đúng mới là cái đáng quan tâm. Về điều này, cách đưa ra tiêu chuẩn về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm mới đây rõ ràng là không ổn chút nào!

Cho nên khi nhìn vào cách ứng xử qua câu chuyện nước mắm hiện nay, dư luận không khó để có thể “đo lường” được lợi ích, thái độ và trách nhiệm của các cơ quan quản lý trực tiếp về nước mắm đang nằm ở đâu trong cán cân này?!