Phân bón giả - “nhân tai”, cần phải loại trừ

(VOH) - Nhiều đại lý hám lợi, đã mua sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất phân bón kém chất lượng với giá thấp về bán với giá cao để kiếm lợi, bất chấp thiệt hại của nông dân. Chỉ đến khi sử dụng không hiệu quả, người nông dân mới biết đã mua nhầm hàng giả và đành cắn răng gánh chịu những thiệt hại nặng nề.

Nghe nội dung bài viết

Phân bón giả vẫn tràn lan ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: thitruongphanbon

Thực trạng làm giả, làm nhái các loại vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu… những năm qua luôn là nỗi ám ảnh và bức xúc với nhà nông, gây thiệt hại nặng nề. Thậm chí, tác hại, hậu quả của vấn nạn này được đánh giá là không thua gì thiên tai, bão, lũ. Trong khi mà các cấp, các ngành vẫn còn loay hoay với bài toán quản lý, thì nông dân tiếp tục hoang mang và lo ngại trước ma trận thị trường phân bón thật, giả lẫn lộn. Mọi thiệt hại lại đổ lên đầu nhà nông trong cay đắng và bức xúc.

Theo thống kê, hàng năm, các cơ quan quản lý nhà nước phát hiện khoảng 3.000 vụ vi phạm về phân bón giả, kém chất lượng với khối lượng trên dưới 10.000 tấn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, khi còn rất nhiều vụ việc vi phạm khác không được phát hiện.

Số liệu từ Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho thấy, trong 8 tháng đầu năm nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra 1.800 hộ kinh doanh phân bón, phát hiện hơn 400 hộ kinh doanh vi phạm. Đặc biệt, trong hàng trăm mẫu phân bón được đưa đi kiểm nghiệm, có đến 1/3 không đạt chất lượng. Tỷ lệ vi phạm cao bất thường và hậu quả là nông dân lãnh đủ. Theo Hiệp hội Phân bón VN, ước tính ngành nông nghiệp Việt Nam mỗi năm mất khoảng 2 tỷ đô la, tương đương 44.000 tỷ đồng bởi nạn phân bón giả. Con số ngỡ ngàng đến đau lòng. Vì tiền, những kẻ trục lợi đã bất chấp tất cả.

Làm một phép so sánh giản đơn, trong đợt hạn mặn lịch sử hồi đầu năm, toàn vùng ĐBSCL đã có hơn 200.000 hécta lúa và hoa màu bị thiệt hại nặng, nhiều vùng mất trắng. Bao nhiêu gia đình nông dân điêu đứng. Ước tính tổng thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Nhưng thiệt hại từ vấn nạn phân bón giả lại còn lớn hơn con số này gấp nhiều lần, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nông nghiệp nước nhà. Khốn đốn chống chọi thiên tai, nhà nông lại đơn độc trong sự bủa vây của nạn phân bón giả - tai họa do con người mang đến.

Với người nông dân, khoảnh ruộng, mảnh vườn chờ thu hoạch chất chứa bao mồ hôi, công sức, là cuộc sống, là hi vọng. Thế nhưng, khó có thể thống kê hết bao nhiêu nông dân, những nạn nhân chỉ vì chọn nhầm phân bón giả, tất cả công sức xem như đổ sông, đổ biển. Mùa màng thất bát, hoa màu úa rũ, nhà nông chỉ còn biết khóc ròng. Nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần, bi kịch và điêu đứng.  Kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy…

Phân bón giả, kém chất lượng ngày càng thủ đoạn, tinh vi. Ảnh: congnghieptieudung

Chỉ vì lợi nhuận, không ít doanh nghiệp vẫn sẵn sàng lao vào làm ăn gian dối, đưa ra các sản phẩm giả, kém chất lượng, lừa dối nông dân, phá hoại nền sản xuất nông nghiệp của nước nhà. Không chỉ gây hại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp, nạn phân bón giả còn tác động đến môi trường, làm hoang hóa đồng ruộng, ảnh hưởng uy tín của các doanh nghiệp chân chính. Nguy hại hơn, nạn phân bón giả nếu không trị tận gốc sẽ đẩy ngành nông sản Việt Nam vào thế khó trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Rõ ràng việc sản xuất và kinh doanh phân bón giả chính là tội ác, mà nếu không ngăn chặn và chấm dứt tình trạng này, nền nông nghiệp nước nhà sẽ còn phải gánh chịu những hệ lụy ghê gớm và người nông dân không chóng thì chầy sẽ bị đẩy tới bờ vực phá sản.

Vậy nhưng nhiều năm qua, việc quản lý, kiểm tra, cấp phép sản xuất và kinh doanh phân bón của các cơ quan chức năng còn rất lỏng lẻo. Chế tài xử lý việc sản xuất - kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng chưa đủ sức răn đe các đối tượng làm ăn bất chính. Bên cạnh đó, sự dung túng, bao che cho hành vi sản xuất - kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng từ các cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm khiến nạn phân bón giả vẫn ung dung tồn tại.  

Còn nhớ, cách đây vài tháng, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố, 11 đơn vị được Cục Trồng trọt, thuộc Bộ này chịu trách nhiệm thử nghiệm, cấp chứng nhận hợp quy sản phẩm phân bón, thì cả 11 đơn vị đều sai phạm. Chính sự tiếp tay đáng xấu hổ này càng đẩy vận mệnh người nông dân vào bế tắc và bất lực trong cuộc chiến chống phân bón giả.

Dù thời gian qua các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, nhưng tình trạng phân bón giả, kém chất lượng vẫn tồn tại dai dẳng như thách thức. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón giả vẫn tìm đủ cách để đưa hàng giả đến tay nông dân yếu thế, bằng cách đưa ra mức khuyến mãi “khủng” và phí hoa hồng hậu hĩnh cho các đại lý phân phối. Chưa kể, khi phát hiện vụ việc, nhiều nơi xử lý qua loa, nên các đối tượng dần coi thường pháp luật...  Cơ quan nhà nước, cơ quan quản lý chưa có những cải cách triệt để, quy định còn chung chung, thiếu thống nhất trong việc xử phạt, chế tài.

Từ những tác hại nghiêm trọng do nạn phân bón giả, không quá lời khi gọi đó là “nhân tai” cần kiên quyết ngăn chặn và xóa bỏ. Trong danh sách nhiều loại hàng gian hàng giả thì phải liệt phân bón giả vào loại nguy hại hàng đầu, tác động trực tiếp tới nền nông nghiệp và chất lượng xuất khẩu của nước nhà. Với khối lượng hơn chục ngàn tấn tung ra thị trường mỗi năm, sản xuất phân bón giả không thể thực hiện với quy mô nhỏ, lẻ. Nếu sâu sát và quyết liệt hơn, không khó để các ngành chức năng chỉ mặt, đặt tên những doanh nghiệp sai phạm, làm ăn gian dối. Vấn đề là cần những chế tài nghiêm khắc và đích đáng hơn nữa để chặn đứng “nhân tai” phân bón giả. Phải kiên quyết loại trừ vấn nạn này ra khỏi đời sống kinh tế xã hội. Có vậy, nhà nông mới thôi ám ảnh và bức xúc trước thực trạng tồi tệ này.