Tái lập trật tự để đô thị văn minh

(VOH) - Tái lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè sẽ góp phần tích cực thực hiện mục tiêu chỉnh trang và phát triển đô thị. Đây cũng là một trong 7 chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X xác định. Chỉnh trang và phát triển đô thị là chương trình đột phá thứ 7 của thành phố.

Nghe nội dung bài viết:

Các lực lượng chức năng nhanh chóng dọn dẹp phần chiếm dụng vỉa hè của người đi bộ. Ảnh: SGĐT

Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, chợ tự phát… gây cảnh lộn xộn, cản trở giao thông, làm mất mỹ quan đô thị vốn là câu chuyện cũ mà mới. Cũ là thực trạng này kéo dài nhiều năm vì vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi để xe, kinh doanh buôn bán, đẩy người đi bộ xuống lòng đường. Mới là câu chuyện vừa được xới lên với đợt ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ của thành phố mà nơi tiên phong hành động là chính quyền quận 1. 

Thật ra, trước đây chính quyền cơ sở, quận, phường… cũng tổ chức các đợt ra quân lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè nhưng cách làm chẳng khác việc “đánh trống bỏ dùi”. Điều này có rất nhiều nguyên nhân.

Tuy nhiên, đáng quan tâm là thức ăn vỉa hè, thực phẩm đường phố luôn tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, thiếu an toàn. Vỉa hè bị chiếm dụng ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Thực tế đó kéo dài nhiều năm khiến bộ mặt thành phố nhếch nhác, thiếu mỹ quan đô thị và ảnh hưởng xấu du lịch, làm cho du khách ngán ngẫm.   

Trong buổi làm việc mới đây với các bí thư, chủ tịch của 24 quận, huyện về vấn đề tái lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố đã thể hiện sự quyết tâm của chính quyền thành phố. Đó là, nếu để tình trạng lấn chiếm lòng lề đường tái diễn, đề nghị người đứng đầu các phường, quận và công an làm việc khác.

Ngay sau đó, ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã ký Chỉ thị số 11 về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TPHCM. Theo Chỉ thị, UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành chức năng, UBND quận, huyện thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác bảo đảm trật tự đô thị, tăng cường quản lý vận tải hàng hóa, vận tải hành khách trong đô thị; thực hiện quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè…

Thái độ kiên quyết của lãnh đạo Đảng, chính quyền thành phố có thể hiểu là phải quyết liệt thay đổi trật tự, mỹ quan lòng đường, vỉa hè. Hành động lần này không từ tốn, nhân nhượng như trước đây mà là một mệnh lệnh phải quyết liệt thực thi.

Tại hội nghị quán triệt, thực hiện công tác quản lý trật tự đô thị trong thời gian tới, ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: Lãnh đạo địa phương, bí thư, chủ tịch quận huyện, phường xã, công an phải xuống đường. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố cũng yêu cầu: “Chúng ta phải chịu khó ra địa bàn chỉ đạo trong các giờ nhạy cảm, cho các vụ việc nhạy cảm mới được việc, chứ ngồi bàn giấy chỉ đạo thì chẳng ra việc đâu”.

Còn nhớ, từ năm 2010, các loại xe ba, bốn bánh thô sơ, tự chế bị cấm lưu thông; Chính sách hỗ trợ cho người sử dụng cũng đã được áp dụng nhưng cho đến nay các phương tiện này vẫn nhan nhản trên đường, đe dọa đến an toàn giao thông. Đó là hậu quả của việc thực thi pháp luật thiếu kiên quyết, xử lý chưa  nghiêm, thiếu triệt để.

Lần này, 24 quận, huyện buộc phải tăng cường hoạt động, thể hiện thái độ kiên quyết trong lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè theo hướng tiến tới mục tiêu duy trì hiệu quả lâu dài và bền vững. Nghĩa là kiên quyết nhưng phải đúng pháp luật, đúng quy trình như phát biểu của người đứng đầu thành phố. Lãnh đạo các địa phương phải lập lại trật tự cho bằng được nhưng không đẩy đuổi người bán hàng rong, không triệt đường sống của bà con. Vì vậy trong những ngày vừa qua, bên cạnh một bộ phận người dân chưa hiểu hết bản chất của đợt ra quân lần này, một số người còn ngoan cố không thực thi quy định buộc phải bị cưỡng chế tháo dỡ thì đại đa số người dân Thành phố, dư luận, truyền thông rất ủng hộ, đồng tình với chủ trương của Đảng, chính quyền thành phố.

Chỉ đạo của lãnh đạo thành phố lần này thể hiện thái độ quyết liệt! Đó là mệnh lệnh của hành động chứ không nhân nhượng với tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè trong suốt thời gian dài. Chính quyền cơ sở phải hành động thật sự, chứ không phải là những đợt ra quân “đầu voi, đuôi chuột”, “bắt cóc bỏ dĩa”. Tuy nhiên, hành động của chính quyền vẫn phải ẩn chứa tình người, chất nhân văn trong việc chia sẻ và tìm kiếm các giải pháp giúp bà con buôn bán nhỏ, hàng rong, kinh doanh vỉa hè lâu nay được chuyển đổi nghề, được buôn bán tập trung trong trật tự, được sử dụng hạn chế một phần vỉa hè ở những nơi có không gian rộng để mưu sinh, kiếm sống.

Những quy định cụ thể có sức thuyết phục của công tác quản lý sẽ đưa mọi hoạt động của Thành phố đi vào kỷ cương, nề nếp. TPHCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch của cả nước. Do vậy, mỗi công dân của thành phố phải có văn hóa xử sự. Đó là, từng người dân ý thức được trách nhiệm, sự tự giác trong xây dựng và phát triển thành phố, tôn trọng và tuân thủ quy định pháp luật. Mỗi công dân thành phố ý thức hoàn thiện nếp sống văn minh sẽ góp phần tích cực vào việc chỉnh trang và phát triển đô thị, hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Bởi xét cho cùng, mục tiêu xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt cũng nhằm đảm bảo cho người dân có cuộc sống tốt hơn, cả về vật chất lẫn tinh thần.