Tạo động lực phát triển cho năm mới

(VOH) - Hôm nay (31/12) là ngày cuối cùng của năm 2013, nhìn lại một năm qua, có thể thấy nền kinh tế nước ta đối diện với không ít khó khăn và thử thách. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong việc chỉ đạo, điều hành đã tạo ra những điểm sáng kinh tế xã hội rất đáng ghi nhận. Đối diện với thách thức, cũng là để chúng ta chuẩn bị cho mình thế chủ động bước vào năm mới 2014 với thật nhiều hy vọng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước nhà.
Với 21,6 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam năm 2013, tăng đến 54,5% so với cùng kỳ phần nào nói lên định hướng đúng đắn trong chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam. (Ảnh minh họa: vietq)

Các số liệu của Bộ Kế hoạch đầu tư cho thấy, kinh tế năm 2013 ước tăng khoảng 5,4%, thấp hơn kế hoạch đề ra là 5,5% nhưng cao hơn năm 2012 (5,25%). Ngay từ đầu mọi diễn biến bất lợi có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam đã được dự báo trước, chính vì vậy mục tiêu tăng trường 5,5% đã được Quốc hội,Chính phủ hết sức cân nhắc. Nhìn lại suốt chặng đường của năm 2013, không ai có thể phủ nhận những diễn biến không thuận lợi đã diễn ra đúng với dự báo. Kinh tế thế giới vẫn hết sức khó khăn do bất ổn về địa chính trị ở nhiều khu vực và do khủng hoảng kéo dài. Thiên tai hoành hành, nội tại nền kinh tế vẫn còn nhiều yếu kém, tăng trưởng tín dụng thiếu bền vững, tồn kho còn cao, nhất là bất động sản. Đó là những yếu tố chính dẫn đến tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu.

Dẫu vậy, cho đến thời điểm này, nếu bình tâm đánh giá thì có thể nhận ra những kết quả tích cực trong suốt một năm qua, nhất là những mảng chính tác động trực tiếp tới đời sống của người dân thì chúng ta đã đạt được, trong đó các tổng công ty, tập đoàn kinh tế Nhà nước hoạt động không hiệu quả được tái cấu trúc triệt để, trách nhiệm của những người điều hành các doanh nghiệp ấy cũng đã được xử lý đến nơi đến chốn. Tình trạng đầu tư dàn trải từng bước được kiểm soát, lãi suất ngân hàng giảm, sức tiêu thụ hàng hóa đã có dấu hiệu khởi sắc, đặc biệt chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả năm chỉ tăng 6,04%, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Hạn chế lạm phát luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu trong các quyết sách của Đảng và Nhà nước và đến nay đã phát huy hiệu quả rõ nhất. Việc quản lý vàng và ngoại hối đã và đang dần đi vào ổn định, cho thấy những dấu hiệu tích cực.



Tăng trưởng trong năm nay một phần là do những nỗ lực của chính phủ trong việc gia tăng hiệu quả đầu tư và đạt được sự ổn định kinh tế cũng như tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Môi trường đầu tư tại Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều trong những năm qua nhờ các văn bản pháp lý xác định rõ cách thức tiến hành cho các nhà đầu tư, các hạ tầng đã được triển khai ngày càng đồng bộ và sự ổn định của chính sách thu hút đầu tư đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài. Chính sách cởi mở cùng với môi trường chính trị, kinh tế ổn định ngày càng tạo được niềm tin cho các doanh nghiệp ngoại đã, đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam. Với 21,6 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam năm 2013, tăng đến 54,5% so với cùng kỳ phần nào nói lên định hướng đúng đắn trong chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam.

Mục tiêu tăng trưởng không đạt được song điều đó có thể được khỏa lấp bằng những điểm sáng của kinh tế xã hội trong năm qua, càng có ý nghĩa hơn khi đặt trong hoàn cảnh có quá nhiều khó khăn thách thức. Có thể nhìn sang một số quốc gia trên thế giới với suy thoái kinh tế, bạo lực, bất ổn chính trị để thấy những cố gắng của Việt Nam trong năm 2013 là rất đáng ghi nhận. Nó không đến một cách ngẫu nhiên mà là sự quyết tâm, sáng tạo của Đảng, Nhà nước trong chỉ đạo, điều hành, tạo cho nền kinh tế sự năng động, nhiều sức sống, một môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh cao thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam, bên cạnh đó là những cố gắng vượt khó của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã góp phần vào thành tích chung của kinh tế Việt Nam năm 2013.


Năm 2014 đã được dự báo tiếp tục là một năm đầy thử thách và còn nhiều khó khăn. Trước mắt rất nhiều công việc vất vả đang đợi phía trước, dẫu kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều những yếu kém bất cập không thể khắc phục và giải quyết ngày một ngày hai. Giải quyết hàng tồn kho, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp chắc chắn sẽ là những công việc khó khăn trong năm tới nhưng với những gì đã đạt được trong năm cũ sẽ là động lực để cả nước bước vào năm mới với niềm tin và hy vọng mới.