Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 ở Hà Nội: Nhiều tín hiệu tích cực nhưng vẫn cần lạc quan thận trọng

(VOH) - Hơn 8 tháng sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên, vì sao nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên lại tích cực thúc đẩy hội nghị thượng đỉnh lần 2? Đâu là triển vọng của hội nghị lần này ?

Trước hết, cần nhắc lại lịch sử mối quan hệ Mỹ-Triều. Sau kết thúc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), suốt 64 năm, Mỹ và Triều Tiên coi nhau là “kẻ thù không đội trời chung”. Cuối những năm 80 của thế kỷ XX, tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế đã công bố Triều Tiên chế tạo thành công bom nguyên tử.

Kể từ đó, chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên trở thành một điểm nóng của thế giới, đẩy quan hệ Washington - Bình Nhưỡng lâm vào cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng.

hoi-nghi-thuong-dinh

Cái bắt tay sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều lần 1.

Đỉnh điểm cuộc đối đầu Mỹ-Triều là ngày 25/9/2017, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Trump đe dọa hủy diệt 25 triệu người Triều Tiên bằng vũ khí hạt nhân, nếu Triều Tiên không từ bỏ vũ khí hạt nhân và đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Đáp trả lời đe dọa của ông Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng tuyên bố sẽ hủy diệt Mỹ và các đồng minh Đông Á của Mỹ (Hàn Quốc và Nhật Bản) bằng vũ khí hạt nhân.Và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã không nói suông, trong 3 tháng cuối năm 2017, Triều Tiên liên tiếp thử hạt nhân và thử thành công tên lửa đạn đạo có thể bắn tới Mỹ. Tất cả khiến năm 2017 trở thành năm nóng nhất trong quan hệ Mỹ-Triều.Tuy nhiên, năm 2018, thế giới thở phào nhẹ nhõm khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vui vẻ bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore. Sau cuộc gặp lịch sử này, họ ra Tuyên bố chung Mỹ-Triều với cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Tuyên bố ngày 12/6/2018 tại Singapore được cho là một thắng lợi của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nhưng với Tổng thống Trump, theo dư luận Mỹ thì thắng lợi chỉ là 50%, thậm chí nhiều người Mỹ, kể cả các quan chức Chính phủ Mỹ vẫn cho rằng đó là một thất bại của Tổng thống Trump. Ở thời điểm hiện nay, khi chỉ còn 2 năm nữa, Tổng thống Trump bước vào cuộc đua Tổng thống Mỹ, nếu để tuyên bố chung ngày 12/6/2018 chết yểu, thì uy tín của Tổng thống Trump sẽ giảm sút nghiêm trọng và ông ta sẽ ít có cơ hội đắc cử trong cuộc bầu cử vào năm 2020. Do đó, Tổng thống Trump quyết định gặp lại nhà lãnh đạo Kim Jong-un để thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy các bên đang nỗ lực tìm kiếm một kết quả tốt nhất cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2 sắp diễn ra vào cuối tháng này ở Việt Nam. Việc Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun sau chuyến thăm 3 ngày tới Triều Tiên, đưa ra một tuyên bố mọi việc đang tiến triển tích cực; việc Tổng thống Mỹ tuyên bố trên twitter cuộc gặp sẽ diễn ra ở Hà Nội cho thấy một bầu không khí lạc quan bao trùm trước hội nghị thượng đỉnh này.

Hiện,Tổng thống Trump đã quyết định hủy các cuộc tập trận chung thường niên với Hàn Quốc, và đề cập đến việc có thể giảm số quân Mỹ ở Hàn Quốc, nhưng vẫn siết chặt bao vây cấm vận Triều Tiên. Đáp lại động thái tích cực của Mỹ, Triều Tiên đã dừng toàn bộ các cuộc thử tên lửa đạn đạo, đặc biệt cho nổ tung cơ sở thử hạt nhân, đồng thời trao 55 bộ hài cốt binh sỹ Mỹ bị mất tích trong chiến tranh Triều Tiên. Rõ ràng, hai bên đã có những bước đi thận trọng, làm dịu mối quan hệ Mỹ-Triều.  Tuy nhiên, việc hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 không đưa ra được một cam kết cụ thể cũng là một thách thức đặt ra đối với các bên lần này. Trong bối cảnh chỉ còn gần 3 tuần nữa là thượng đỉnh Mỹ-Triều 2 chính thức diễn ra, rõ ràng các bên sẽ còn rất nhiều việc phải làm, để thu hẹp bất đồng và đi đến sự thống nhất.

Hơn 8 tháng sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có nhiều tiến triển. Mặc dù Tổng thống Trump khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, nhưng việc phía Mỹ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên khiến Bình Nhưỡng trở nên cảnh giác. Trong khi đó, điều kiện tiên quyết mà phía Mỹ đưa ra là Triều Tiên phải công bố danh sách các loại vũ khí hạt nhân họ sở hữu và hơn nữa là công bố một lộ trình giải giáp hoàn toàn vũ khí hạt nhân, được cho là thách thức lớn nhất đối với Triều tiên. Liệu Triều Tiên có đáp ứng yêu cầu này hay Triều Tiên cần Mỹ phải “đối ứng” thêm các điều kiện nào khác? Đó là bài toán khiến cho hội nghị thường đỉnh Mỹ-Triều lần 1 “giậm chân tại chỗ”. Vì thế, cả Mỹ và Triều Tiên phải đối mặt với một sức ép rất lớn: cả hai bên phải đạt được một kết quả cụ thể tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 sắp tới. Nếu không sẽ rất khó nói về tương lai của bán đảo Triều Tiên.

hoi -nghi- thuong-dinh

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều lần 2 sẽ diễn ra ở Hà Nội vào cuối tháng 2/2019

Trước thềm chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 1, trong bài phát biểu chào Năm mới 2019, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un đã tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, song kèm theo những lập trường hết sức cứng rắn với Mỹ. Thậm chí, nhà lãnh đạo Triều Tiên còn cảnh báo nếu tình hình không cải thiện, cụ thể là nếu các đề xuất nới lỏng trừng phạt và bảo đảm an ninh không được đưa ra, Bình Nhưỡng có thể sẽ phải tìm “hướng đi mới”.  Vì thế, suốt 8 tháng qua, tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là dù thời gian và địa điểm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 đã được phía Mỹ ấn định, nhưng liệu cuộc gặp này có mang lại những kết quả tích cực hơn cuộc gặp lần trước hay không? Tất cả mọi người đều nhận thấy, để hội nghị thượng đỉnh lần 2 sắp tới sẽ đạt được kết quả, cả Mỹ và Triều Tiên cần đưa ra một tiến trình, một cam kết cụ thể. Thứ hai, Mỹ và Triều Tiên cũng cần có sự nhượng bộ nhất định trong các điều khoản đàm phán để tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” rồi cả hai bên cùng ra về tay trắng. Tiến trình này đòi hỏi thời gian và nỗ lực của cả hai bên. Nhưng liệu thời gian 3 tuần có đủ để hai bên giải quyết những bất đồng này?

Rõ ràng, các bên sẽ còn rất nhiều việc phải làm.