Vấn đề hôm nay: Xem bão – sự hiếu kỳ khó chấp nhận

(VOH) - Mùa mưa bão năm 2013 đã bắt đầu. Một số cơn áp thấp nhiệt đới, bão… hình thành trên Biển Đông với đường đi phức tạp và sức gió giật rất mạnh gây ảnh hưởng trực tiếp cho ngư dân đánh bắt trên biển, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân ở đất liền. Trong khi các ngành chức năng ra sức triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại, nhiều người dân lo lắng, huy động mọi vật dụng trong nhà để phòng chống bão… thì lại có nhiều người thể hiện sự hiếu kỳ thiếu ý thức qua việc đi xem bão. Đây là hành động xem nhẹ tính mạng của mình.

Điển hình là khi cơn bão số 2 vừa qua chuẩn bị đổ bộ vào đất liền thì tại bãi biển Đồ Sơn - thành phố Hải Phòng, nơi được dự báo là tâm bão sẽ đổ bộ có rất đông du khách ra bờ biển vô tư tạo dáng chụp ảnh, quay phim... bất chấp những con sóng cao đến 2, 3 mét đánh vào kè đá, tung bọt trắng xóa. Nhiều cặp vợ chồng chở cả trẻ nhỏ ra bờ biển ngắm bão... với quyết tâm chụp được những bức ảnh độc nhất vô nhị tại thời điểm hiện tượng thiên nhiên nguy hiểm sắp diễn ra.

Nguy hiểm hơn, nhiều chuyến tàu du lịch đưa du khách ra tham quan, du ngoạn đảo Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Cô Tô,… được khuyến cáo hủy nhưng cả đơn vị tổ chức lẫn du khách vẫn cứ ùn ùn vượt sóng ra khơi để đến đảo. Thậm chí, khi có dự báo bão trực tiếp ảnh hưởng đến các điểm du lịch, ngành chức năng đề nghị di dời du khách về đất liền nhưng có hàng ngàn người ký tên tự nguyện xin ở lại trên đảo để vừa trú bão vừa thưởng ngoạn cảm giác mạnh khi bão vào. Nhiều người biện minh rằng, bão là một hiện tượng kỳ thú của thiên nhiên. Họ nghe đài, đọc báo thấy dự báo chán rồi, giờ muốn được tận mắt chứng kiến, ghi lại những hình ảnh đáng nhớ để làm kỷ niệm. Nhiều người chụp ảnh, quay phim xong, sau bão họ còn đưa hình ảnh lên những trang mạng cá nhân, mạng xã hội để "thể hiện" mình.


"Hồn nhiên" chụp bão - Ảnh: TNO.

Đó không chỉ là hình ảnh đáng trách ở Hải Phòng hay các điểm du lịch ở Miền Bắc mà tại TP.HCM cũng từng xảy ra hiện tượng đáng lo này. Còn nhớ, cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 2012 khi cơn bão số 1 (tên gọi quốc tế là Pakhar) hướng vào đất liền, rất đông người ùn ùn đổ về huyện biển Cần Giờ để đón bão. Phà Bình Khánh những ngày đó bỗng dưng chật kín người. Lúc này, nhiều lãnh đạo thành phố xuống Cần Giờ trực tiếp chỉ đạo ứng phó bão số 1 khuyên bà con quay trở lại thành phố. Tuy nhiên, nhiều người vẫn viện lý do này, lý do khác để được qua phà đi về tâm bão. Đến nỗi, ông Nguyễn Văn Đua - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy phải gọi điện chỉ đạo lãnh đạo Đài Tiếng nói Nhân dân, Đài Truyền hình tăng thời lượng tuyên truyền và vận động dân không được đến Cần Giờ xem bão. Nhờ vậy, ngay chiều tối hôm đó, dù xảy ra mưa giông, gió giật mạnh nhưng thiệt hại về người do cơn bão số 1 gây ra được giảm thiểu thấp nhất dù cây xanh đổ ngã, nhà cửa tốc mái nhiều.

Rõ ràng, đi xem bão là sự hiếu kỳ khó có thể chấp nhận được vì như vậy là xem thường tính mạng của chính mình, của người thân và còn làm ảnh hưởng tới những người xung quanh. Đặc biệt, trong tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, tác hại rất khó lường. Vì vậy, mỗi người dân hãy nâng cao ý thức, đừng đem tính mạng ra đùa giỡn với thiên tai, đồng thời chấp hành tuyệt đối sự khuyến cáo của cơ quan chức năng khi có bão xuất hiện.