VĐHN: An toàn hàng không đâu phải chuyện đùa

(VOH) - Mới đây, một sự kiện hi hữu đã xảy ra trong ngành hàng không Việt Nam, khi một máy bay ATR-72 của Vietnam Airlines hạ cánh xong thì mới biết rơi mất một bánh từ lúc nào.

Một trong 2 chiếc lốp càng trước (bên trái) của máy bay ATR 72 bị rơi lúc nào.

Theo Vietnam Airlines, sự cố trên xảy ra vào ngày 22/10 trên chuyến bay VN1673, cất cánh từ Hải Phòng và hạ cánh xuống Đà Nẵng. Sau khi đáp xuống an toàn, toàn bộ tổ bay và 41 hành khách đã rời khỏi máy bay bình thường mà không hề hay biết về sự cố nghiêm trọng trên. Chỉ đến khi máy bay này nằm trên bãi đỗ, cài phanh, nhân viên kỹ thuật đóng chèn lốp mới hốt hoảng khi phát hiện một bên trục càng trước bị gãy và không biết một chiếc lốp đã đi đâu mất. Quả là một phen hú vía cho cả hành khách lẫn phi hành đoàn!

Việc một chiếc máy bay rớt bánh, gãy trục vẫn hạ cánh an toàn đã là khó hiểu, nhưng khó hiểu hơn nữa chính là chiếc máy bay đó vẫn qua được hàng loạt những cuộc kiểm tra an toàn bay của Vietnam Airlines. Theo lãnh đạo Hãng hàng không quốc gia, chiếc máy bay xảy ra sự cố xuất xưởng năm 2009 và được đưa vào khai thác cùng năm. Ngày kiểm tra kỹ thuật định kỳ gần nhất là 21/9/2013 không thấy có dấu hiệu bất thường gì. Thậm chí đến trước giờ bay, nhân viên kỹ thuật cũng kiểm tra các bộ phận và báo cáo mọi thứ “bình thường”. Theo lý giải của hãng thì “nhìn bằng mắt thường không nhận biết được trục trặc”, và “do máy bay tiếp xúc mặt đất trước tiên bằng các bánh phía sau, nên ngay cả khi bị mất một trong hai bánh xe phía càng trước, bánh còn lại vẫn lăn bình thường”. Nghe xong chắc hẳn không ít người phải giật mình trước lời giải thích hết sức “vô tư” và cái sự “bình thường” của hãng. Nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành hàng không nhận định, sự cố rơi bánh máy bay nói trên thuộc loại nghiêm trọng, uy hiếp an toàn bay. Nếu không nhờ sự may mắn và kỹ thuật điêu luyện của cơ trưởng, không biết gần 50 con người trên chuyến bay có được bình an trở về nhà hay không.

Thế mới thấy vấn đề an toàn bay của hàng không Việt Nam đã đến mức báo động. Người ta đã không còn lạ gì khi đọc tin về những sự cố của Hãng hàng không quốc gia. Tháng 4/2013, máy bay của hãng cất cánh xong sau đó phát hiện trục trặc kỹ thuật phải quay về sân bay, bắt hàng khách chờ nửa tiếng đồng hồ trong sợ hãi và ngột ngạt. Đầu tháng 8/2013, máy bay của hãng tiếp tục gặp sự cố rơi tự do 122 m ở độ cao gần 11 km làm cả trăm hành khách hoảng loạn. Chưa hết, lại còn điều hòa hỏng, động vật lạ xâm nhập đường băng, động cơ bị kẹt . Rõ ràng, đã có đủ các tình huống có thể uy hiếp tính mạng hành khách và làm mất điểm Hãng hàng không quốc gia. Và thiết nghĩ đã tới lúc cần nghiêm túc xem lại an toàn bay của Vietnam Airlines.
Sự cố trên nhắc chúng ta nhớ đến vụ tai nạn máy bay thương tâm tại Lào làm chết 49 người cũng trong tháng 10 này. Đây cũng chính là loại máy bay ATR-72 vừa gặp trục trặc của Vietnam Airlines. Vụ tai nạn ở Lào đã làm dấy lên những lo ngại về an toàn hàng không tại khu vực Đông Nam Á. Theo đó, sự bùng nổ về giao thông hàng không ở những nước đang phát triển do du lịch tăng trưởng mạnh, đồng nghĩa với việc cơ quan quản lý hàng không ở những nước này phải đối mặt với bao rủi ro tiềm ẩn do cơ sở hạ tầng ọp ẹp và thiếu kinh nghiệm trong việc duy trì các tiêu chuẩn cơ bản được quốc tế công nhận. Ở Việt Nam, dù chưa xảy ra sự cố nghiêm trọng nào làm ảnh hưởng đến tính mạng con người, thế nhưng qua sự việc hy hữu lần này của Vietnam Airlines, có thể thấy vấn đề đảm bảo an toàn hàng không ở nước ta vẫn còn nhiều kẽ hở. Thậm chí đến giờ người ta cũng không biết chiếc bánh máy bay bị rơi mất ở đâu, lúc nào và như thế nào. Bây giờ là rớt một bánh, liệu rằng sẽ còn sự cố ghê gớm nào nữa sẽ xảy ra từ sự khinh suất và bất cẩn?

Thông thường, khi hành khách có hành động uy hiếp an toàn bay thì sẽ phải chịu phạt rất nặng. Nhưng khi xảy ra những sự cố nguy hiểm do lỗi của hãng hàng không thì trách nhiệm của hãng đến đâu? Chấp nhận trả một chi phí cao để sử dụng dịch vụ hàng không, hành khách hoàn toàn có quyền nhận được sự phục vụ chu đáo và chuyến bay an toàn. Vậy nhưng với cách kinh doanh và quản lý hàng không ở nước ta như hiện nay, có lẽ, hành khách chỉ còn biết cầu mong sự may mắn và một chuyến bay bình yên vô sự đã là hạnh phúc lắm rồi. Mong là không có thảm họa xảy ra./.