VĐHN: “Hữu xạ tự nhiên hương”

(VOH) - Rác thải được xem là vấn đề quan tâm thường xuyên của một đô thị phát triển vì lợi ích và tác hại của nó. Với ý nghĩa đó đứng về gốc độ kinh tế, thời gian qua và hiện nay ở TPHCM đã thu hút đầu tư vào lĩnh vực này nhiều nhưng về vệ sinh môi trường thì không hiệu quả mấy vì chưa giải quyết triệt để hai vấn đề quan trọng đó là xử lý rác tại nguồn và rác dân lập.

Xử lý rác tại nguồn và rác dân lập đã có phương án triển khai thực hiện. Năm 1999 đến năm 2005 TPHCM cho thí điểm phân loại rác tại nguồn ở một số quận huyện không thành công. Đến năm 2006 thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn với giải pháp 3T. Chữ T đầu tiên là giảm thiểu lượng rác thông qua việc thay đổi lối sống, cách tiêu dùng, cải tiến các quy trình sản xuất, kinh doanh sạch. Chữ T thứ hai là tái sử dụng các sản phẩm, hay một phần sản phẩm nào đó. T thứ ba là sử dụng rác thải làm nguyên liệu sản xuất ra các vật chất có ích cho xã hội. Một lần nữa chương trình này lại không mang lại kết quả như mong muốn do triển khai ở mức lý thuyết là chủ yếu nhưng thiếu thông tin tuyên truyền, đầu tư đồng bộ vật chất cho phân loại rác tại nguồn là một nguyên nhân. Nguyên nhân quan trọng khác là nhận thức của người dân chưa cao nên chưa hưởng ứng tích cực chương trình chỉ vì khó thay đổi một thói quen đổ rác trước khi phân loại rác tại nhà rồi đem ra đường phố cho công nhân vệ sinh thu gom và vận chuyển rác.

Ảnh: duancapnuocvavesinh

Các bãi xử lý rác cũng đầu tư theo cách chôn lắp rác là chính. Chỉ có bãi rác Đa Phước ở huyện Bình Chánh là có đầu tư công nghệ xử lý rác hữu cơ để tái chế ra sản phẩm hoặc sản xuất ra điện vẫn không hoạt động được do rác thải ra chưa được phân loại. Bên cạnh đó, những người nhặt ve chai, rác tại chổ ở của các hộ dân không những làm mất vệ sinh đường phố, vỉa hè mà còn gây khó khăn cho công tác quét dọn, thu gom rác của công nhân vệ sinh. Theo Sở Tài nguyên- Môi trường, cuối năm 2012 do lực lượng rác dân lập hoạt động không theo quy trình của ngành vệ sinh TPHCM, chủ yếu dưới sự điều hành của chủ đường rác nên những người lao động làm việc cho chủ này bị thiệt thòi đủ thứ, không được hưởng những chế độ chính sách như công nhân vệ sinh cho nên Sở lên kế hoạch sắp xếp lực lượng rác dân lập theo hướng vào một tổ chức nào đó để chăm lo cho người lao động và thống nhất quản lý ngành vệ sinh đô thị. Nhưng “lực bất tòng tâm” nên cho đến nay việc sắp xếp này vẫn “dậm chân tại chỗ” không thể tái khởi động lại chương trình phân loại rác tại nguồn.



Chúng tôi cho rằng, cần sắp xếp nhanh lực lượng rác dân lập vào 1 tổ chức nghiệp đoàn hay Hợp tác xã. Theo đó có kế hoạch hỗ trợ lực lượng này từng bước chuyển đổi phương tiện thu gom rác hiện đại hơn và điều chỉnh mức phí thu gom rác hộ gia đình đường phố, trong các hẻm thống nhất chung. Ngoài ra, có các chế độ khác dành cho lực lượng này để họ nâng cao đời sống và được hưởng quyền lợi giống như trong toàn ngành vệ sinh thì sẽ có điều kiện khởi động lại các chương trình phân loại rác tại nguồn. Tất nhiên để tái khởi động lại chương trình này đi vào thực chất và có hiệu quả thực sự, TPHCM nên dành 1 phần ngân sách hoặc trích từ ngân sách hàng năm cấp cho ngành vệ sinh đầu tư cơ sở vật chất, cụ thể là đầu tư thêm các loại thùng rác sau đó giao cho các phường xã quản lý để người dân đổ rác vào thùng rác đã được phân loại. Đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư hiểu và cùng thực hiện đúng theo yêu cầu mục đích của chương trình. Rút kinh nghiệm những lần trước, từ bây giờ, chuyên ngành môi trường TPHCM phối hợp với các quận huyện và các nghiệp đoàn, doanh nghiệp làm nghề rác xây dựng chương trình phân loại rác tại nguồn để trước mắt năm 2014 có thể cho thí điểm ở vài tuyến đường trọng điểm trước, sau đó mở rộng dần ở các tuyến đường khác rồi rút kinh nghiệm tổ chức đại trà theo từng cụm dân cư. Được vậy, chắc chắn bước đầu chương trình này sẽ có kết quả nhất định là “hữu xạ tự nhiên hương”, người dân ở các cụm này sẽ truyền miệng cho các khu dân cư khác thấy phân loại rác tại nguồn có lợi cho đô thị và gia đình sẽ làm theo, chứ không nên áp đặt từ trên xuống như trước đây đã làm.