Khó nuốt báo hiệu bệnh gì?

(VOH) - Khó nuốt không đơn thuần là do ăn nhanh, nuốt vội, nó có thể là dấu hiệu cơ quan bên trong đang gặp vấn đề, đặc biệt là tình trạng ‘tắt đường’. Vậy nguyên nhân gây khó nuốt là do đâu?

Khó nuốt là tình trạng cơ thể phải mất nhiều thời gian và sức lực hơn để vận chuyển thức ăn hoặc chất lỏng từ miệng xuống dạ dày. Chứng khó nuốt cũng có thể đi kèm triệu chứng đau.

1. Khó nuốt là bệnh gì?

Nếu thỉnh thoảng bị khó nuốt thì bạn không cần quá lo lắng vì có thể nguyên nhân là do bạn ăn quá nhanh hoặc nhai thức ăn không kỹ.

kho-nuot-bao-hieu-benh-gi-voh

Khó nuốt có thể do bạn ăn quá nhanh, không nhai kĩ (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, nếu tình trạng khó nuốt diễn ra thường xuyên, bạn cảm thấy đau khi nuốt, có cảm giác mắc kẹt thứ gì đó ở cổ họng hay thậm chí khó nuốt nước bọt,…thì có thể cảnh báo các bệnh lý từ thực quản như:

1.1 Viêm thực quản

Đây là nguyên nhân thường gặp gây ra hiện tượng khó nuốt. Viêm thực quản có thể do vệ sinh răng miệng không tốt, dinh dưỡng kém, dịch dạ dày chảy ngược lên,…

Ngoài triệu chứng nuốt khó, người bệnh còn thấy đau khi nuốt, khi khạc nhổ.

1.2 Sa thực quản

Biểu hiện của tình trạng này thường là khó nuốt kèm theo đau từ phần bụng trên sang vùng lưng, vai sau khi ăn. Khi nằm xuống, triệu chứng sẽ nặng thêm, nó chỉ giảm khi bạn đứng.

1.3 Ung thư thực quản

Khó nuốt là một trong những triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư thực quản. Đây là loại bệnh ung thư thường gặp ở nước ta. Thời kỳ đầu, bệnh có biểu hiện tức sau xương ức hoặc có cảm giác nuốt khó hoặc nghẹn. Sau đó, bệnh nhân nuốt khó liên tục, ban đầu nuốt chất rắn khó, khi bệnh nặng hơn, việc nuốt chất lỏng cũng gặp khó khăn.

1.4 Túi thừa thực quản

Túi thừa thực quản là hiện tượng thực quản phát triển không bình thường, mọc các túi nhỏ lồi vào lòng thực quản. Khi ăn, thức ăn sẽ lọt vào bên trong làm các túi nhỏ này trương dần, to lên, đè vào thực quản gây nên hiện tượng nuốt không thông.

Thông thường, túi thừa chỉ có ở thực quản trên, gây ra tình trạng khó nuốt, người bệnh thở rít, hôi miệng hoặc hay ho.

1.5 Các nguyên nhân khác

kho-nuot-bao-hieu-benh-gi-voh

Nuốt khó cũng có thể liên quan đến các bệnh ở thực quản (Nguồn: Internet)

Ngoài các nguyên nhân trên, nuốt khó còn gặp trong trường hợp khối u lành tính ở thực quản, hẹp thực quản, biến đổi sinh lý ở cơ thần kinh như không co giãn cơ trơn, lão hóa do tuổi tác, co thắt lan tỏa, bệnh teo thực quản, trào ngược dạ dày thực quản.

Như vậy, hiện tượng khó nuốt có thể là bình thường khi nguyên nhân là do thức ăn cứng, to, bạn chưa nhai kỹ, bạn nuốt quá nhanh vội. Tuy nhiên, nếu bạn thấy đau rát họng khó nuốt, khó nuốt khó thở,…thì có thể nghi ngờ đến các bệnh lý kể trên.

2. Khó nuốt nên làm gì?

Nếu hiện tượng khó nuốt do thói quen ăn nhanh, nuốt vội thì bạn có thể khắc phục bằng cách ăn chậm, nhai kỹ. Ăn nhanh và nuốt vội là thói quen không chỉ gây hại cho thực quản mà còn khiến việc tiêu hóa thức ăn trở nên khó khăn hơn, vì vậy bạn nên từ bỏ thói quen này, hãy dành thời gian cho bữa ăn và ăn một cách chậm rãi nhất.

Nếu khó nuốt kèm theo nhiều triệu chứng bất thường thì bạn hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám. Bác sĩ có thể chẩn đoán thông qua các xét nghiệm, nội soi thực quản. Sau khi chẩn đoán, tùy vào nguyên nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng khắc phục khác nhau.

Lưu ý: Trong quá trình điều trị các bệnh lý liên quan đến thực quản, bạn nên ăn chậm, nhai kỹ, chọn những thức ăn mềm, dễ nuốt, không nuốt một lượng lớn thức ăn cùng lúc.