Ngoài dùng để nấu ăn thì rau cải bẹ xanh có tác dụng gì?

(VOH) - Cải bẹ xanh là loại rau quen thuộc, dễ trồng và dễ chế biến. Mặc dù ăn cải bẹ xanh mỗi ngày nhưng ít ai hiểu hết về công dụng của nó. Vậy rau cải bẹ xanh có tác dụng gì?

Cải bẹ xanh là một trong những loại rau phổ biến, thường thấy trong các bữa ăn của người Việt. Hơn thế, loại rau này cũng rất giàu trị dinh dưỡng nên có thể mang lại cho cơ thể bạn nhiều lợi ích sức khỏe.

1. Cải bẹ xanh là gì?

Cải bẹ xanh (hay cải xanh, cải canh, cải cay, cải đắng giới tử) có tên khoa học là Brassica juncea (L.), thuộc họ Cải. Cải bẹ xanh có thân to, nhỏ khác nhau, lá có màu xanh đậm hoặc xanh nõn lá chuối. Lá và thân cây có vị cay, đắng nhẹ.

cai-be-xanh-co-tac-dung-gi-voh-0

Cải bẹ xanh là loại rau rất phổ biến, dễ trồng và dễ ăn (Nguồn: Internet)

Ở nước ta, cải bẹ xanh được trồng phổ biến khắp cả nước để phục vụ cho nhu cầu ăn uống, thường dùng để nấu canh, muối dưa hay ăn sống. Bạn có thể mua cải bẹ xanh ở các chợ lớn, nhỏ hay siêu thị.

2. Cải bẹ xanh có tác dụng gì cho sức khỏe?

Các nghiên cứu y học hiện đại đã phát hiện cải bẹ xanh rất giàu dinh dưỡng gồm vitamin A, C, K, vitamin nhóm B, caroten,…nên rất có lợi cho sức khỏe. Dưới đây là một số tác dụng của cải bẹ xanh đối với sức khỏe khi được dùng một cách hợp lý:

2.1 Giàu chất chống oxy hóa

Những thực phẩm có màu xanh đậm như cải bẹ xanh có chứa các hợp chất chống oxy hóa như flavonoid, beta carotene, lutein, vitamin C và vitamin E. Đây là những chất cần thiết giúp cơ thể chống lại stress oxy hóa, từ đó làm giảm nguy cơ mắc phải các bệnh lý nghiêm trọng như bệnh tim, ung thư và bệnh alzheimer. 

2.2 Kiểm soát cholesterol xấu

Một trong những tác dụng của cải bẹ xanh là giúp kiểm soát được lượng cholesterol xấu có chứa các hợp chất giúp liên kết các axit mật trong hệ tiêu hóa. Đồng thời, thường thường xuyên ăn rau bẹ xanh còn làm tăng khả năng bài tiết chất béo này qua phân, điều này rất có lợi cho mạch máu nói riêng và sức khỏe tim mạch nói chung.

Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mỗi tuần nên ăn cải xanh (cải canh) ít nhất 2 – 3 bữa.

2.3 Hỗ trợ tiêu hóa và chống táo bón

Bổ sung chất xơ cho cơ thể là cần thiết bởi nó giúp hỗ trợ nhu động ruột trơn tru và các hoạt động hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. Cải bẹ xanh giầu chất xơ nên loại rau này có tác dụng hỗ trợ nhu động ruột, kích thích tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón hiệu quả.

2.4 Tăng cường khả năng miễn dịch

Nâng cao hệ thống miễn dịch của cơ thể là một trong những công dụng của cải bẹ xanh. Lý do là vì cải bẹ xanh là thực phẩm giàu vitamin C – một loại vitamin có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, chống lại các bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn.

2.5 Kiểm soát cân nặng

Thành phần chất xơ trong cải bẹ xanh khi được tiêu thụ đúng mức cũng sẽ giúp cơ thể chuyển hóa chất béo tốt. Ngoài ra, nó cũng mang lại cảm giác no lâu, giảm cảm giác thèm ăn nên giảm được lượng calo dung nạp từ các thực phẩm khác.

Vì vậy, cải bẹ xanh chính là lựa chọn tuyệt vời để bạn đưa vào chế độ ăn của mình nhằm chống lại sự tăng cân, béo phì.

Xem thêm: 7 căn bệnh có thể xuất phát từ bệnh béo phì, hầu hết là bệnh mãn tính nguy hiểm

2.6 Cải thiện sức khỏe mắt

Trong cải bẹ xanh có chứa chất oxy hóa là lutein và zeaxanthin, hai chất này có thể giúp bảo vệ võng mạc khỏi các ánh sáng xanh gây hại cho mắt và tác hại từ quá trình oxy hóa. Chính vì thế, ăn cải bẹ xanh có tác dụng rất tốt cho đôi mắt, đồng thời giúp ngăn ngừa nguy cơ như thoái hóa điểm vàng do tuổi tác và mù lòa.

2.7 Phòng ngừa bệnh Gout

Các chất có trong nước cải bẹ xanh có tác dụng đào thải chất axit uric (nguyên nhân dẫn đến bệnh Gout). Vì thế, uống nước cải bẹ xanh đều đặn sẽ có tác dụng phòng ngừa bệnh Gout hiệu quả.

cai-be-xanh-co-tac-dung-gi-voh-1
Các chất trong cải bẹ xanh thể giúp phòng ngừa bệnh Gout (Nguồn: Internet)

Bạn có thể dùng cải bẹ xanh nấu nước uống mỗi ngày, tuy nhiên bạn không nên nấu nước quá đặc mà nên nấu loãng như canh để dễ uống.

2.8 Phòng ngừa ung thư bàng quang

Với đặc tính lợi tiểu tự nhiên, ăn rau cải bẹ xanh sẽ giúp kích thích hoạt động tiểu tiện nhiều hơn. Nhờ vậy sẽ hạn chế được tình trạng ứ đọng nước tiểu và các chất độc hại trong bàng quang khiến cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển và gây biến đổi tế bào dẫn đến ung thư bàng quang.

2.9 Nguồn cung cấp vitamin K tuyệt vời

Cải bẹ xanh là một nguồn cung cấp vitamin K tuyệt vời. Vitamin K được biết đến nhiều nhất với vai trò quan trọng trong việc giúp đông máu. Ngoài ra, nó cũng được chứng minh là cần thiết cho sức khỏe tim và xương.

2.10 Có thể khả năng chống ung thư

Một số nghiên cứu trong ống nghiệm ghi nhận, trong cải bẹ xanh có chứa chất glucosinolate, đây là chất đã được chứng mình là có thể giúp bảo vệ tế bào chống lại sự phá hủy ADN và ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư. Tuy nhiên, những lợi ích này chưa được nghiên cứu trên người.

3. Cải bẹ xanh chữa bệnh gì trong y học cổ truyền?

Theo Đông y Việt Nam, cải bẹ xanh có vị cay, tính ôn, có tác dụng giải cảm hàn, thông đàm, lợi khí…Riêng hạt cải bẹ xanh, có vị cay, tính nhiệt, không độc, trị được chứng phong hàn, ho đờm, hen, đau họng, mụn nhọt,… Vì thế, một số bài thuốc y học cổ truyền đã sử dụng các bộ phận của cải bẹ xanh như một vị thuốc giúp hỗ trợ phòng và điều trị bệnh như:

3.1 Chữa ho lâu ngày, nhiều đờm

  • Nguyên liệu: 4g hạt cải bẹ xanh sao thơm, 6g hạt cải củ sao thơm, 6g hạt tía tô sao thơm.
  • Cách làm: Tán nhỏ các nguyên liệu rồi cho vào túi vải, thêm 500ml nước, sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.

3.2 Chữa bí tiểu

  • Nguyên liệu: 300g lá cải xanh.
  • Cách làm: Nấu canh ăn hàng ngày sẽ giúp lợi tiểu.

3.3 Chữa đau nhức khớp

  • Nguyên liệu: 4g hạt cải xanh, 12g hạt gấc, 12g một dược, 12 quế tâm, 12g mộc hương. 
  • Cách làm: Chế thành thuốc bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g pha với rượu trắng hâm nóng. 

3.4 Chữa viêm thận

  • Nguyên liệu: 150g rau cải bẹ xanh tươi (cải khô thì dùng 50g), 1 quả trứng gà, muối ăn.
  • Cách làm: Rửa sạch cải xanh, cho vào nồi, đổ ngập nước, đun sôi, giữ lửa nhỏ 25 phút, sau đó đập 1 quả trứng gà vào, trộn đều. Sau khi canh chín thì thêm chút muối. Mỗi ngày ăn một lần sau bữa cơm trưa. Hoặc bạn có thể dùng cải xanh khô sắc nước uống thay trà (theo Thực vật dược dụng chỉ nam).

4. Bà bầu ăn cải bẹ xanh có tốt không?

Vì cải bẹ xanh là thực phẩm giàu dinh dưỡng, vì thế, chúng hoàn toàn phù hợp trong chế độ ăn uống của tất cả mọi người, kể cả phụ nữ mang thai.

cai-be-xanh-co-tac-dung-gi-voh-2
Bà bầu có thể thêm cải bẹ xanh vào chế độ dinh dưỡng khi mang thai (Nguồn: Internet)

Bà bầu ăn cải bẹ xanh với lượng dùng hợp lý sẽ nhận được rất nhiều lợi ích sức khỏe, bao gồm:

  • Hỗ trợ xương chắc khỏe
  • Cải thiện tình trạng táo bón thai kỳ
  • Giúp tăng cường thị lực khi mang thai
  • Bảo vệ hệ tim mạch
  • Nâng cao miễn dịch cơ thể
  • Cải thiện làn da

Xem thêm: 6 lợi ích sức khỏe giúp mẹ thoát khỏi lo lắng 'bà bầu ăn cải bẹ xanh được không?'

5. Tác hại của rau cải xanh (cải bẹ xanh)

Mặc dù công dụng của cải bẹ xanh tốt cho sức khỏe nhưng nếu dùng sai cách, lạm dụng ăn nhiều quá mức cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây ra vấn đề như:

5.1 Gây trở ngại cho các loại thuốc làm loãng máu

Cải bẹ xanh có thể tương tác với thuốc chống loãng máu, vì trong rau cải xanh có chứa vitamin K. Đây là loại vitamin có khả năng làm đông máu nên sẽ làm tác dụng của thuốc khi uống.

5.2 Tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận

Trong cải bẹ xanh có chứa oxalat, chất là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh sỏi thận. Vì thế nếu ăn nhiều cải bẹ xanh sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận. Ngoài ra những người đã mắc bệnh sỏi thận cần thận trọng khi bổ sung loại rau này vào chế độ ăn uống hàng ngày.

Ngoài ra, một số đối tượng sau đây cũng cần hạn chế ăn cải bẹ xanh:

  • Bệnh nhân bị suy giáp không nên ăn cải bẹ xanh.
  • Người đang bị tiêu chảy, phụ nữ mang thai không nên ăn cải bẹ xanh sống.

6. Rau cải bẹ xanh ăn sống được không?

Rau cải bẹ xanh có thể dùng ăn sống. Thông thường, những cây rau còn non hoặc chưa quá già sẽ được dùng để ăn sống kèm trong bữa cơm hoặc ăn với bánh xèo, thịt nướng, thịt luộc.

Tuy nhiên, khi ăn sống cải bẹ xanh thì bạn nên rửa sạch và ngâm trong nước muối pha loãng để diệt khuẩn và loại bỏ côn trùng, trứng sâu bọ, trứng giun sán (nếu có).

Ngoài ăn sống, bạn có thể ăn cải bẹ xanh luộc, tuy nhiên, không nên luộc rau cải xanh nhiều lần, ăn bao nhiêu thì luộc bấy nhiêu. Vì khi luộc lại quá nhiều thì nitrat trong rau sẽ chuyển hóa thành nitrit, điều này sẽ làm sản sinh thêm nhiều vi khuẩn gây hại cho sức khỏe.

7. Rau cải bẹ xanh nấu món gì ngon?

cai-be-xanh-co-tac-dung-gi-voh-3
Canh cải bẹ xanh ngon khó cưỡng (Nguồn: Internet)

Rau cải xanh là nguyên liệu quen thuộc của rất nhiều món ăn, chủ yếu là các món canh, xào. Vì có vị ngọt tự nhiên, thanh mát nên cải bẹ xanh rất dễ kết hợp với các thực phẩm khác. Dưới đây là một số món ngon từ cải bẹ xanh bạn có thể tham khảo:

  • Canh cải bẹ xanh xào tỏi
  • Canh cải bẹ xanh nấu gừng
  • Canh cải bẹ xanh nấu cá thác lác
  • Canh cải bẹ xanh nấu tôm
  • Canh cải bẹ xanh nấu thịt bằm

Xem thêm: Lưu ngay 5 công thức món ăn từ cải bẹ xanh để khỏi băn khoăn cải bẹ xanh nấu món gì ngon?

8. Giá trị dinh dưỡng của cải bẹ xanh

Theo nghiên cứu của y học hiện đại, cải bẹ xanh có đa dạng thành phần dinh dưỡng, đặc biệt là chất xơ và các loại vitamin. Trong 100g cải bẹ xanh (phần ăn được) có chứa các dưỡng chất với hàm lượng như sau:

  • Nước: 93.8 g
  • Năng lượng: 16 Kcal
  • Chất đạm: 1.7 g
  • Chất béo: 0.2 g
  • Chất đường bột: 1.9 g
  • Chất xơ: 1.8 g
  • Sắt: 1.9 mg
  • Canxi: 89 mg
  • Magie: 23 mg
  • Mangan: 0.32 mg
  • Photpho: 14 mg
  • Kali: 221 mg
  • Natri: 29 mg
  • Kẽm: 0.9 mg
  • Đồng: 120 µg
  • Vitamin C: 51 mg
  • Vitamin B1: 0.07 mg
  • Vitamin B2: 0.1 mg
  • Vitamin PP: 0.8 mg
  • Vitamin B5: 0.21 mg
  • Vitamin B6: 0.18 mg
  • Vitamin E: 2.01 mg
  • Vitamin K: 497.3 µg
  • Beta-caroten: 6300 µg

Như vậy, cải bẹ xanh không chỉ là loại rau ăn thông dụng mà nó còn có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ăn cải bẹ xanh đúng cách với liều lượng hợp lý là điều kiện để bạn duy trì sức khỏe tốt hơn.