5 loại "thần dược” dân gian cho người mắc bệnh viêm loét dạ dày

(VOH) – Trong tự nhiên, có nhiều phương thuốc dễ tìm, dễ sử dụng và giúp hỗ trợ điều trị cho người mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Sau đây là 5 bài thuốc có thể tham khảo.

Chữa viêm loét dạ dày tá tràng bằng nghệ

Một trong những "thần dược" được tin là dược phẩm tốt đối với bệnh nhân viêm loét dạ dày, tá tràng là nghệ.

Lý do là curcumin trong nghệ hỗ trợ tiêu hóa tốt do nó thúc đẩy túi mật co bóp nhưng điều "thần kỳ" là không tăng tiết axit trong bao tử.

Chất Curcumin cũng góp phần ức chế được các khối u ở dạ dày, tá tràng. 

Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng có thể dùng nghệ từ 1-6 gram/ngày (bột hoặc thuốc sắc) để chữa đau bao tử, vàng da, đau bụng sau sinh. Ngoài ra, một bài thuốc thường được nhiều người sử dụng là trộn nghệ với mật ong.

5 loại thần dược trị viêm loét dạ dày

Hình minh họa: Internet

Chữa viêm loét dạ dày bằng nha đam

Nhựa của cây nha đam (lô hội) có tác dụng kích thích tiêu hóa, nhuận tràng, tẩy xổ. Do vậy được dùng chữa chứng táo bón. Ngoài ra, nó còn giúp ức chế men pepsin và acid hydrochloric không tiết ra nhiều gây viêm loét dạ dày.

Cách dùng nha đam để chữa viêm loét dạ dày: mỗi ngày dùng khoảng 10g lá tươi, gọt vỏ, lấy lớp nhựa trong đun sôi trong nước rồi uống.

Nước ép bắp cải chữa viêm loét dạ dày

Một loại thuốc dễ tìm, dễ sử dụng khác là bắp cải sống ép lấy nước uống. Mỗi ngày uống 1/2 ly nước bắp cải ép vào buổi sáng sớm và tối trước khi đi ngủ, bệnh sẽ giảm rõ rệt vì trong bắp cải có chứa vitamin U (ulcer) có tác dụng chống loét dạ dày. 

Cách làm: bắp cải bóc từng lá, rửa sạch, chần qua nước sôi, sau đó ép lấy nước.

Theo Đông y, tbắp cải tươi có chất chống loét (antipeptic ulcer diatary -vitamin U) có khả năng chữa lành khá mau chóng các ổ loét, do đó bắp cải được dùng làm thuốc chữa loét, viêm dạ dày và ruột.

5 loại thần dược trị viêm loét dạ dày 2

Hình minh họa:internet

Chuối xanh chữa viêm loét dạ dày

Chuối xanh có nhiều tinh bột, là thành phần rất tốt cho sức khỏe dạ dày.

Theo Đông y, bột chuối tiêu xanh có khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày do nó làm giảm việc tiết dịch vị. Ngoài ra, nó còn kích thích phát triển màng nhầy bên trong bao tử bằng cách tạo thêm tế bào sản xuất chất nhầy này, chống lại khả năng gây loét và làm lành các vết loét đã có. 

Cách dùng:

Chuối xanh phơi khô (không cần phơi dưới nắng gắt), tán thành bột. Phần bột này có thể dùng chuối chín chấm vào bột rồi ăn. Ngoài ra cũng có thể pha nước uống.

Liều dùng từ 1-2 lần/ngày có giúp cải thiện tình trạng viêm dạ dày, tá tràng. 

Hạt bưởi chữa viêm loét dạ dày

Bài thuốc hạt bưởi khá đơn giản và dễ áp dụng vì trong hạt bưởi tiết ra chất nhầy, uống vào có tác dụng điều trị hiệu quả bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng.

Cách dùng:

Hạt bưởi tươi, rửa sạch vào ly, cho vào khoảng 200ml nước sôi, đậy kín nắp và ủ nóng trong 2-3 giờ.

Lúc  này chất nhầy trong hạt bưởi được tiết ra, tạo thành dung dịch nhầy, sệt. 

Bỏ hạt bưởi ra, chỉ lấy nước.

Sau bữa ăn khoảng hai giờ đồng hồ, người bệnh viêm loét dạ dày có thể uống nước hạt bưởi để cải thiện sức khỏe. Có thể dùng với tần suất 1 lần/ngày để giúp giảm cơn đau dạ dày, tá tràng do bị viêm loét. 

Lưu ý: bệnh nhân đang điều trị viêm loét dạ dày, cần được bác sĩ tư vấn trước khi sử dụng kèm các loại thuốc dân gian.

Đọc thêm Chuyên đề về Bệnh viêm loét dạ dày do VOH online thực hiện.