Bệnh thủy đậu khi mang thai có nguy hiểm không?

(VOH) - Bác sĩ khuyến cáo thai phụ nên chủng ngừa văc-xin phòng thủy đậu trước khi mang thai. Nhưng nếu mẹ mắc bệnh trong thời gian có thai và cho con bú thì phải làm sao?

1. Tác hại của việc mắc bệnh thủy đậu khi mang thai

Thủy đậu là một bệnh nhiễm trùng do vi rút varicella gây ra. Tuy nhiên, thủy đậu mắc phải trong khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ biến chứng cho mẹ và trẻ sơ sinh.

1.1 Đối với mẹ

Phụ nữ có thai mắc bệnh phỏng dạ có tỷ lệ tử vong cao nhất trong số những người lớn nhiễm bệnh này. Ngoài ra, phụ nữ mang thai nhiễm bệnh trái rạ còn có nguy cơ viêm phổi do virus varicella 10 – 20%, trong đó nguy cơ tử vong chiếm 40% trường hợp tử vong vì bị viêm phổi do virus varicella. Dấu hiệu và triệu chứng của viêm phổi do bỏng dạ trong thai kỳ bao gồm: ho, khó thở, sốt và thở nhanh. Yếu tố nguy cơ viêm phổi cao hơn với người có hút thuốc lá.

1.2 Đối với con

Nhiễm trái rạ trong thời kỳ này cũng có thể có nguy cơ gây ra các bất thường về thai, đặc biệt là trong 20 tuần đầu của thai kỳ. Cụ thể, những ảnh hưởng với thai nhi ở từng giai đoạn thai kỳ như sau:

Trong 3 tháng đầu thai kỳ: nguy cơ thai nhi bị Hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 0.4%, đặc biệt tuần lễ thứ 8 đến 12 của thai kỳ.

Biểu hiện của hội chứng thủy đậu bẩm sinh thông thường nhất là các vết sẹo ngoài da. Các biểu hiện khác nghiêm trọng hơn như bất thường về thần kinh như (chậm phát triển trí tuệ, tật đầu nhỏ) bất thường về mắt (teo dây thần kinh thị giác, đục thủy tinh thể...), bất thường các chi, bất thường về tiêu hóa, cân nặng lúc sinh thấp....

3 tháng giữa thai kỳ: nguy cơ thai nhi bị hội chứng bỏng dạ bẩm sinh là 2%, đặc biệt khi mẹ mắc bệnh ở tuần 13 – 20 của thai kỳ.

Nếu mẹ bị trái rạ khi thai được hơn 20 tuần tuổi, thai nhi hầu như không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu mẹ bị thủy đậu trong khoảng thời gian 5 ngày trước khi sinh và 2 ngày sau khi sinh, bé sơ sinh có thể bị lây thủy đậu do mẹ chưa đủ thời gian tạo kháng thể truyền cho thai nhi trước sinh và thai nhi chưa thể tự tạo kháng thể sau sinh. Đáng chú ý, tỉ lệ tử vong bé sơ sinh lúc này lên đến 25 - 30% số trường hợp bị nhiễm.

Do vậy, cần chủng ngừa bệnh trái rạ ít nhất 3 tháng trước khi mang thai. Khi mang thai nên tránh tiếp xúc với người bệnh thủy đậu và giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể tốt.

>>>  Bệnh thủy đậu ở trẻ em – Những điều cần phải biết

Bệnh thủy đậu khi mang thai có nguy hiểm không?

Hình minh họa: Shutterstock

2. Có thai bị mắc bệnh thủy đậu nên làm gì?

Phụ nữ có thai cần được nghỉ ngơi thoải mái và uống nhiều nước. Về dinh dưỡng, cần đảm bảo dinh dưỡng cho bản thân và thai nhi, nên ăn thức ăn lỏng dễ tiêu hóa, bổ sung thực phẩm tự nhiên có nhiều VitaminC để tăng cường đề kháng cơ thể. Chú ý giữ vệ sinh thân thể, tránh làm vỡ những bóng nước vì có nguy cơ bội nhiễm.

Nếu bà bầu bị sốt có thể dùng thuốc hạ sốt Paracetamol.

Có thể dùng varicella – zoster immune globulin (VZIG) cho thai phụ bị phỏng dạ để hạn chế các biến chứng của bệnh. Cần lưu ý việc dùng VZIG chỉ phòng ngừa biến chứng nặng ở mẹ chứ không phòng ngừa được nhiễm trùng bào thai, hội chứng thủy đậu bẩm sinh cũng như bệnh thủy đậu sơ sinh. Để dự phòng biến chứng cho trẻ, nên dùng VZIG dành cho bé sơ sinh.

Đối với thai phụ nhiễm bệnh trái rạ diễn tiến nặng có nguy cơ viêm phổi nên được tư vấn dùng Acyclovir đường tĩnh mạch để giảm nguy cơ cho cả mẹ và thai. Acyclovircó vai trò ức chế sự phát triển của virus nên ức chế sự phát triển của bệnh.

Phụ nữ mang thai và bé cần được bác sĩ thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn.

Bệnh thủy đậu khi mang thai có nguy hiểm không?

3. Mẹ khi cho con bú mắc bệnh thủy đậu thì làm sao?

Bệnh bỏng dạ lây bệnh qua những dịch tiết từ đường hô hấp hoặc qua các bóng nước của người bệnh. Do vậy, nếu mẹ bị bệnh thủy đậu, cần cách ly bé để không lây bệnh. Người mẹ mắc bệnh trái rạ nên cách ly với con trong 7 ngày. 

Cần lưu ý mẹ chỉ cách ly tiếp xúc với con chứ không nên ngưng cho bé bú vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính cho trẻ sơ sinh. Đồng thời sữa mẹ có nhiều kháng thể chống lại bệnh tật, mẹ mắc bệnh bỏng dạ thì trong sữa có cả kháng thể chống bệnh thủy đậu. Mẹ vẫn vắt sữa và nhờ người khác cho con bú. Mẹ cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với bé, nếu phải tiếp xúc thì đeo khẩu trang y tế an toàn. Mẹ  không để bé cọ xát vào những nốt đậu làm vỡ và nước dịch này dính vào người bé sẽ khiến bé cho bị lây nhiễm bệnh.

Tuy nhiên khi cả hai mẹ con đều bị thủy đậu thì không cần cách ly, và vẫn cho bé bú mẹ bình thường.

* Bệnh thủy đậu có ủ bệnh không? Bệnh thủy đậu thông thường kéo dài bao lâu? Bệnh thủy đậu như thế nào là khỏi triệt để? Hãy đón xem bài 8 của loạt bài này Mắc bệnh thủy đậu bao lâu thì khỏi hoàn toàn?”.