Cách đề phòng bệnh sởi khi dịch sởi lan rộng ra 43 tỉnh thành

(VOH) - Dịch sởi đang hoành hành tại 43 tỉnh thành trên cả nước. Do đó các bậc cha mẹ cần chủ động đề phòng bệnh sởi cho trẻ, nhất là những trẻ chưa được tiêm phòng sởi.

Cẩn thận căn bệnh dễ lây

Sởi là căn bệnh truyền nhiễm gây dịch lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra dịch vào những tháng đông-xuân. Dịch sởi thường xuất hiện theo tính chu kỳ từ 3-5 năm. Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi đều có thể nhiễm với bệnh sởi.

Sởi lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của mũi họng bệnh nhân. Bệnh sởi là loại bệnh lành tính, nhưng có khả năng gây suy giảm miễn dịch rất nhanh nên trẻ mắc bệnh rất dễ mắc các căn bệnh kèm theo như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng... Bệnh sởi có thể diễn biến nặng hoặc tử vong.

đề phòng bệnh sởi, phòng bệnh sởi, bệnh sởi, dịch sởi

Bệnh sởi lành tính nhưng dễ gây biến chứng nguy hiểm

Bệnh sởi xảy ra ở những trẻ chưa được tiêm hoặc đã được tiêm một mũi lúc 9 tháng tuổi, hoặc đã được tiêm mà vì một lý do nào đó trẻ không có đáp ứng miễn dịch tốt, hoặc trẻ nhỏ sinh ra từ những bà mẹ mà trước đó chưa được tiêm vắc xin sởi hay chưa từng mắc sởi. Khi tích lũy đủ lớn số trẻ chưa có miễn dịch thì dịch sẽ xảy ra.

Hiện nay, bệnh sởi đã ghi nhận ở 43 tỉnh, thành phố, đặc biệt tập trung nhiều tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Bộ Y tế đã đưa ra cảnh báo, tại một số nơi vùng sâu, vùng xa và những đô thị có số trẻ di biến động lớn có nhiều trẻ còn chưa được tiêm vắc xin sởi đầy đủ như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La... nên có nguy cơ cao ghi nhận các trường hợp mắc và các ổ dịch sởi tại cộng đồng.

Ngoài việc tiêm chủng, Bộ Y tế cũng đang lo ngại về tình trạng lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế, nếu những nơi này không được kiểm soát hoặc có những khu cách ly riêng.

Cách đề phòng bệnh sởi

Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.

Ngoài việc đưa trẻ đi tiêm phòng theo đúng lịch, các bậc cha mẹ cần chủ động phòng bệnh cho trẻ bằng cách:

- Áp dụng các biện pháp dự phòng chung như đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hoặc bệnh viện (để tránh lây nhiễm chéo).

- Thường xuyên rửa tay bằng các loại thuốc sát trùng nhất là khi vào môi trường bệnh viện.

- Giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ.

- Cho trẻ uống đầy đủ nước mỗi.

- Bổ sung các loại thực phẩm có nhiều Vitamin A như cà rốt, các loại rau xanh thẫm và các loại quả có màu vàng, màu da cam.

Tiêm phòng sởi cho trẻ như thế nào?

Việt Nam triển khai thành công chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1984 đến năm 2012: tỷ lệ mắc bệnh sởi giảm 830 lần. Bệnh sởi xuất hiện trở lại cuối năm 2013 sau 3 năm không có dịch.

Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi.

Không có vắc xin nào có hiệu quả bảo vệ 100%. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc xin sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%.

Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng thì có miễn dịch có thể bền vững suốt đời.

Ngoài ra, bất cứ ai từ 18 tuổi trở lên và sinh sau năm 1956 đều cần tiêm vắc xin phòng sởi, trừ khi đã từng mắc cả ba bệnh (tức là đã có miễn dịch sau khi khỏi bệnh) sởi, quai bị, và rubella.

CẢNH BÁO: Nhận biết các triệu chứng sởi đầu tiên ở trẻ nhỏ để chữa trị tốt hơn - Bệnh sởi ở trẻ nhỏ nếu không được phát hiện có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như mù lòa, nhiễm trùng tái phát, bệnh phổi mạn tính...

Bệnh sởi kiêng gì để rút ngắn thời gian điều trị - Việc kiêng cữ đúng cách khi mắc bệnh sởi sẽ góp phần giúp bệnh nhanh khỏi, đồng thời ngăn chặn những biến chứng xấu có thể xảy ra. Vậy bị sởi cần kiêng gì?

Bệnh sởi ở người lớn nguy hiểm hơn bạn tưởng - Người lớn thường chủ quan với bệnh sởi, thậm chí nhiều người còn nghĩ rằng mình không bao giờ nhiễm sởi. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo bệnh sởi ở người lớn rất nguy hiểm nếu không phát ...