Cách nhận biết trẻ chậm phát triển hoặc khiếm khuyết

(VOH) - Trong thai kỳ có ba thời điểm quan trọng để siêu âm phát hiện dị tật thai nhi là: thai từ 11-13 tuần, 17-18 tuần và 22-23 tuần, tuy nhiên, không phải lúc nào siêu âm cũng phát hiện tất cả dị tật thai nhi. Và vì vậy, không ít bậc cha mẹ phải đối mặt với sự thật đau lòng là con bị khiếm khuyết khi sinh ra.

Siêu âm chỉ phát hiện được một phần khiếm khuyết

Hiện nay siêu âm chỉ có thể phát hiện được 70-75% các bất thường ở đầu, mặt, cổ, chân, tay; những bất thường của não, tim, dạ dày, thận, hệ thống thần kinh, tủy sống hoặc những khối u của em bé trong bụng hoặc vấn đề khiếm khuyết một vài cơ quan.

Ngay cả chụp MRI cũng không phát hiện hết những bất thường của thai nhi và MRI chỉ có giá trị nhiều trong việc phát hiện những bất thường của hệ thống thần kinh như não, cột sống hoặc những bệnh lý sâu trong nội tạng.

Do đó, một số ít những dị tật về hình thể cũng có thể siêu âm không thấy như tai đóng thấp, tay chân bị khoèo hay những dị tật bất thường do rối loạn nhiễm sắc thể, rối loạn về gen, rối loạn về chuyển hóa... khi em bé còn nằm trong bụng mẹ. Các rối loạn chức năng khác chỉ có thể phát hiện sau khi em bé ra đời.

Siêu âm giúp phát hiện những bất thường về hình thể của trẻ từ khi còn trong bụng mẹ

Hiện có 3 thời điểm siêu âm được coi là bắt buộc để xác định thai nhi có bình thường hay không, đó là:

Từ 12-14 tuần: Ở thời điểm này, siêu âm giúp tính tuổi thai cực kỳ chính xác. Đây cũng là thời điểm duy nhất có thể đo độ mờ gáy nhằm dự đoán một số bất thường nhiễm sắc thể nguy hiểm (gây bệnh down, dị dạng tim, chi, thoát vị cơ hoành...). Ngoài 14 tuần, việc đo này sẽ không còn chính xác nữa.

21-24 tuần: Siêu âm giai đoạn này có thể giúp phát hiện hầu hết các bất thường về hình thái của thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan, nội tạng.

30-32 tuần: Lần siêu âm này giúp phát hiện một số vấn đề hình thái xảy ra muộn như bất thường ở động mạch, tim và một vùng cấu trúc của não. Ngoài ra, siêu âm lúc 30-32 tuần cũng giúp nhận biết tình trạng phát triển chậm trong tử cung - một nguyên nhân gây suy thai và ngạt sau đẻ.

Một trong những hình thức phát hiện dị tật thai nhi đó là xét nghiệm sàng lọc Triple test vào tuần thai 14-17, để dự đoán nguy cơ dị dạng nhiễm sắc thể của thai. Xét nghiệm này chính xác đến 95,5%

Nguy cơ thai dị tật tăng nếu:

- Mẹ trên 35, bố trên 55 tuổi.

- Mẹ từng mang thai dị dạng.

- Mẹ nhiễm virus trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

- Bố hoặc mẹ tiếp xúc với tia xạ, dioxin, hóa chất độc.

- Mẹ có tiền sử sảy thai hay gia đình có người tâm thần, dị tật.

- Bố/mẹ bị dị tật bẩm sinh hay tiền sử tiểu đường, cao huyết áp, thủy đậu.

 
Nhận biết trẻ bị khuyết tật và can thiệp sớm

Có những bà mẹ quá trình mang thai thăm khám định kỳ rất đều nhưng không phát hiện bất thường. Ngay cả khi sinh, trẻ cũng giống như bao trẻ bình thường khác. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, trẻ mới sẽ xuất hiện những khuyết tật, chẳng hạn như khuyết tật vận động, khuyết tật về nghe nói, nhìn…

Do đó, việc khám sàng lọc cho trẻ sau sinh tại các cơ sở y tế và theo dõi sự vận động của trẻ là vô cùng cần thiết để phát hiện kịp thời khiếm khuyết (vận động tay kém, chân yếu, tư thế và dáng đi bất thường, chậm giao tiếp…) và có cách can thiệp y tế, phục hồi chức năng phù hợp với đặc điểm của trẻ để trẻ có thể bắt kịp nhịp độ phát triển như trẻ bình thường và mang đến cho trẻ một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ảnh minh họa: Bé Lê Châu Hoàng Tiếng bị chậm phát triển vận động đang được hướng dẫn tập võ để luyện các cơ và vận động tốt hơn.

Dưới đây là một số dấu hiệu giúp các bậc phụ huynh nhận biết trẻ bị khuyết tật vận động:

* Dựa vào sự phát triển theo tuổi: thông thường trẻ “3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi” hoặc phát triển các động tác này nhanh hơn hoặc chậm hơn. Tuy nhiên, nếu trẻ không làm được những động tác cơ bản của trẻ ở 2 – 3 tháng tuổi khi bé đã được tròn 1 tuổi, hay nhiều tháng hơn, thì khi đó bố mẹ nên cho bé đến bệnh viện để kiểm tra.

* Không bú sữa mẹ: Trẻ có bản năng tìm đến bầu sữa của mẹ để bú, tuy nhiên khi em bé sinh ra, trong nhiều ngày sau không thể bú sữa mẹ, không có phản ứng khi mẹ cho bú (loại trừ trường hợp bé đã quen bú bình và bỏ bú mẹ). Bé cũng có thể ngậm đầu vú rồi lại từ chối ngay sau đó, hoặc quấy khóc liên tục dữ dội mặc dù đã bú xong đến khoảng 20 phút. mà

* Hoạt động chạy nhảy bất thường: Không phải tất cả các trẻ có khuyết tật vận động bẩm sinh đều bộc lộ ở những năm tháng đầu đời, thậm chí nhiều bé biết đi bình thường nhưng lại không thể chạy nhảy hay leo trèo, đá bóng và hiếu động như các bạn cùng trang lứa. Đây có thể là một trong những dấu hiệu nhận biết trẻ bị khuyết tật vận động.

* Cầm nắm khó khăn: Trẻ khó cầm nắm được những vật có trọng lượng hoặc cầm trong một khoảng thời gian cực ngắn. Nhiều trường hợp trẻ không thể cầm cốc uống nước, xúc ăn, hay cúi xuống nhặt đồ chơi...

* Khó khăn trong sinh hoạt: Trẻ không thể tự làm được vệ sinh thân thể, thay quần áo vì những hoạt động này yêu cầu sự liên kết giữa tay và chân nhiều. Nếu bé không thể hoàn thành hay làm quá chậm, bố mẹ cần tìm hiểu và theo dõi, sớm đưa bé đi khám để có hướng điều trị kịp thời.

* Các phản ứng giao tiếp: như phản ứng với người lạ, thích thú được mẹ bế hay không? Trẻ có thể tự trườn, với đồ chơi hay không? Trẻ có thể hiểu những câu hỏi, câu nói đơn giản của cha mẹ hay không?... Nếu trẻ không thực hiện một số hành động, phản ứng theo sự phát triển của lứa tuổi thì cha mẹ cần cân nhắc cho trẻ đi khám. Điều này không bao giờ là thừa.

Với việc phát hiện sớm khuyết tật ở trẻ, cha mẹ và người thân có thể tìm cách giúp đỡ trẻ, được can thiệp y tế sớm và phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng giữ tâm thế bình tĩnh để chăm lo cho trẻ, tránh trường hợp bị sốc khi phát hiện ra trẻ khiếm khuyết và bỏ rơi trẻ.

Video: Người mẹ nỗ lực chăm sóc con bị chậm phát triển vận động.