Có nên cho con bú khi mẹ bệnh ?

Sữa mẹ là nguồn dưỡng chất tốt nhất cho sự phát triển của trẻ, đặc biệt là trong 6 tháng đầu tiên. Tuy nhiên, nếu chẳng may mẹ bị bệnh trong giai đoạn này thì có nên cho bé bú sữa mẹ hay không?

Có rất nhiều bà mẹ thường hay lo lắng nếu chẳng may trong thời gian cho con bú mà mẹ lại bị bệnh thì có nên tiếp tục cho bé bú sữa mẹ hay không? Vấn đề này sẽ được Tiến sĩ, Bác sĩ Cam Ngọc Phượng, Trưởng khoa sơ sinh, bệnh viện Quốc Tế Hạnh Phúc chia sẻ trong bài viết say đây:

1. Khi mẹ bệnh, có nên cho con bú ?

Thông thường, tâm lý chung của các bà mẹ khi bản thân mắc một số bệnh thông thường như: cảm cúm, đau họng, sốt, tiêu chảy… thường sẽ nghĩ rằng không nên cho con bú vì có thể sẽ lây truyền nguồn bệnh sang cho con.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Cam Ngọc Phượng, các công trình nghiên cứu hiện nay lại chỉ ra rằng, khi mẹ đang bị các bệnh cảm cúm thông thường thì hoàn toàn vẫn có thể tiếp tục cho bé bú sữa mẹ.

Vì thực tế, khi các bà mẹ bị nhiễm các bệnh như sốt, cảm cúm (dù chưa có biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài) thì bé cũng đã bị nhiễm bệnh. Do đó, việc cho bé bú sữa hoạt các hoạt động ẳm, bòng, chăm sóc của mẹ sẽ không thể  lây thêm bệnh cho trẻ.

co-nen-cho-con-bu-khi-me-benh-VOH

Khi mẹ bệnh vẫn có thể vẫn tiếp tục cho bé bú sữa mẹ (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, sữa mẹ còn giúp truyền cho bé những kháng thể đặc hiệu để chống lại các bệnh đó và giúp bé không bị bệnh nặng hơn. Chính vì thế, khi mẹ bị bệnh nếu ngưng cho con bú sẽ làm tăng khả năng trẻ bị bệnh nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc thai phụ ngưng cho con bú đột ngột sẽ gây nên tình trạng căng sữa, dẫn đến các bệnh như viêm tuyến vú và nhiều vấn đề khác.

Trong thời gian mẹ bị bệnh mặc dù vẫn nên cho con tiếp tục bú sữa nhưng cũng cần đi thăm khám để được bác sĩ tư vấn các biện pháp điều trị bệnh an toàn cho sức khỏe của mẹ và bé, đồng thời cũng tránh được tình trạng bệnh càng phát triển nặng thêm.

1.1 Khi mẹ bị các vấn đề về đường ruột như tiêu chảy, đau bụng, ngột độc thức ăn, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa thì có nên cho bé bú sữa mẹ không?

Cũng theo lời chia sẻ của bác sĩ Ngọc Phượng, các loại vi khuẩn ở đường ruột không thể vào sữa mẹ và gây nhiễm khuẩn cho em bé, cho nên với những trường hợp này, thai phụ vẫn có thể cho con bú sữa bình thường. Trừ những trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng thì không nên cho con bú.

Ngoài ra, khi mẹ bị bệnh thì cần phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cho trẻ như:

  •  Rửa tay sạch sẽ.
  • Tránh hắt hơi trực tiếp vào em bé.
  • Nhờ người khác chăm sóc bé hộ, để mẹ có thời gian nghỉ ngơi.
  • Tránh tiếp xúc thường xuyên với bé.
  • Mẹ cần tránh việc mất sữa bằng cách uống nhiều nước và tiếp tục cho bé bú thường xuyên.

Bên cạnh đó, các bà mẹ bị bệnh khi cho con bú cần lưu ý:

  • Tránh sử dụng các loại thuốc có thể làm giảm tuyến sữa khi điều trị bệnh.
  • Đối với các bệnh lây nhiễm, có san thương ngoài da thì trong quá trình cho bé bú không nên cho bé chạm vào những vết thương.
  • Với những trường hợp mẹ bị mắc các bệnh đặc biệt như bệnh tiểu đường thường sẽ dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm. Do đó, nếu thấy có những dấu hiệu bị viêm ở đầu vú thì các mẹ cần nên để bác sĩ đánh giá chính xác.
  • Trường hợp mẹ bị động kinh thì cần lưu ý đến việc sử dụng thuốc động kinh như thế nào là hợp lý khi cho con bú, cũng như xem xét đến các vấn đề về sức khỏe bản thân.
  • Nếu mẹ bị cường giáp và đang sử dụng thuốc kháng giáp, khi cho con bú cũng cần theo dõi tình hình sức khỏe bé. Vì thuốc kháng giáp có thể làm ức chế tuyến giáp của trẻ thông qua sữa mẹ.

co-nen-cho-con-bu-khi-me-benh-1-VOH

Khị mẹ bị bệnh cần chú ý đến quá trình chăm sóc và cho bé bú (Nguồn: Internet)

1.2 Ngoài bệnh cảm, ho thông thường thì những căn bệnh nào vẫn có thể cho con bú sữa mẹ ?

Một bệnh lý thường  hay gặp ở phụ nữ Việt Nam chính là bệnh viêm gan siêu vi B. Căn bệnh này có thể lây truyền qua đường máu, đường nước bọt, đường tình dục.

Nếu trong thời gian mang thai, thai phụ bị nhiễm viêm gan siêu vi B thì sau khi sinh bé sẽ được tiêm vắc xin viêm gan B và kháng thể thụ động để bảo vệ cơ thể em bé ngay trong vòng 12 giờ sau khi sinh. Và khi em bé đã được tiêm ngừa căn bệnh này thì em bé vẫn có thể bú sữa mẹ bình thường.

Với những căn bệnh khác như: thủy đậu, sởi, rubella thì ở giai đoạn sau sinh em bé nên được cách ly với mẹ vài ngày để làm giảm nguy cơ lây nhiễm. Trong những trường hợp này, mẹ vẫn có thể cho bé bú bằng cách vắt sữa ra bình cho bé bú.

Lưu ý: Với bệnh thủy đậu sẽ không lây truyền nếu như không nổi thêm bóng nước mới trong vòng 72 giờ. Tất cả các san thương ngoài da đã đóng vảy thì mẹ có thể cho bé bù bình thường.

Bệnh thủy đậu ở trẻ em – Những điều cần phải biết : Là bệnh lành tính nhưng nếu không phát hiện, điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh thủy đậu có thế gây các biến chứng nguy hiểm. Cần cẩn trọng hơn khi đối tượng chính của bệnh là trẻ em.

2. Những bệnh lý cần ngưng hoàn toàn việc cho con bú

Hiện tại, có 3 nhóm bệnh cần phải ngưng cho con bú hoàn toàn:

2.1 Bệnh viêm gan siêu vi C

Bệnh viêm gan siêu vi C hiện nay vẫn chưa có thuốc phòng ngừa. Do đó, nếu mẹ phát hiện bị mắc bệnh viêm gan C ở giai đoạn cấp tính thì nên tạm ngưng việc cho con bú trong giai đoạn này.

2.2 Bệnh HIV/AIDS

Khi mẹ bị nhiễm HIV thì tuyệt đối không được cho trẻ bú sữa mẹ, vì virus HIV có thể lây truyền qua sữa mẹ. Theo ước tính có khoảng 1/3 trẻ bị nhiễm HIV từ nguồn sữa mẹ, do đó các bác sĩ khuyên cáo, khi thai phụ bị nhiễm HIV thì không nên cho trẻ bú bằng sữa mẹ.

2.3 Bệnh ung thư

Khi thai phụ mắc một số bệnh ung thư, cần phải làm một số xét nghiệm để chuẩn đoán bệnh và phải bơm một số loại thuốc cản quang để việc xét nghiệm được chính xác, thì chính các loại thuốc cản quang này có thể gây ảnh hưởng đến bé. Chính vì thế, trong giai đoạn thai phụ cần làm các xét nghiệm liên quan đến bệnh ung thư thì cần tạm thời không cho bé bú sữa mẹ

co-nen-cho-con-bu-khi-me-benh-2-VOH

Có một số bệnh lý bắt buộc bé phải ngưng việc bú sữa mẹ (Nguồn: Internet)

Lưu ý khi lựa chọn các loại sữa không phải sữa mẹ cho bé bú

- Đối với những trường hợp không thể cho bé bú bằng sữa mẹ thì có thể thay thế bằng các loại sữa công thức. Khi lựa chọn các loại sữa công thức (không phải sữa mẹ) cho bé bú các bà mẹ cần nghe theo sự tư vấn của bác sĩ về các loại sữa sử dụng cho bé đủ tháng và bé thiếu tháng.

- Tuyệt đối không được dùng loại sữa đủ tháng cho bé thiếu tháng uống vì không phù hợp và có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

3. Vì sao khi bị bệnh lượng sữa tiết ra cho bé lại giảm?

Khi mẹ bị bệnh lượng sữa cho bé bú thường sẽ bị giảm. Nguyên nhân là do việc ăn uống của thai phụ bị giảm đi, cơ thể mệt mỏi, không được nghỉ ngơi và do các loại thuốc .

Những nguyên nhân này sẽ có thể làm giảm lượng sữa gần như một nửa. Tuy nhiên, dù lượng sữa có bị giảm đi thì các bà mẹ vẫn nên cho bé bú sữa mẹ thường xuyên. Với những trường hợp bác sĩ chỉ định không cho bé bú sữa mẹ thì mẹ cần phải vắt sữa ra ngoài.

Để cải thiện tình trạng này, các mẹ nên lựa chọn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ nguồn năng lượng. Và nên dành thời gian nghỉ ngơi sức khỏe hồi phục nhanh chóng và giúp đảm bảo lượng sữa được tiết ra đầy đủ và bình thường nhất.

4. Làm thế nào để nâng cao sức đề kháng của mẹ trong giai đoạn cho con bú?

Để nâng cao sức để kháng trong giai đoạn cho con bú thì các bà mẹ cần nên nhớ:

+ Hạn chế tiếp xúc với những người đang bị bệnh hoặc những chỗ đông người.

+ Tránh những nơi có nhiều khói bụi.

+ Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho phụ nữ sau sinh.

+ Cần có thời gian nghỉ ngơi, tránh tình trạng căng thẳng, stress, trầm cảm…

Trên đây là những  thông tin về việc có nên cho con bú khi mẹ bệnh hay không? Hi vọng với những chia sẻ vừa rồi sẽ giúp cho các bà mẹ đang trong giai đoạn cho con bú sẽ có được những thông tin cần thiết và hữu ích.