Tác dụng của cải bó xôi (rau chân vịt) mà bạn nên biết

(VOH) – Là một ‘gương mặt’ rau xanh khá mới mẻ đối với nhiều gia đình Việt nên tác dụng của cải bó xôi với sức khỏe vẫn chưa được hiểu tường tận. Vì vậy, cùng khám phá thêm về loại rau này nhé!

Bên cạnh những giống rau củ quả “bản địa”, thời gian trở lại đây, người Việt có cơ hội thưởng thức thêm khá nhiều loại xuất xứ từ các quốc gia trên thế giới, trong đó cải bó xôi là một điển hình. Vậy rau cải bó xôi có đặc điểm, thành phần dinh dưỡng ra sao và mang lại những lợi ích sức khỏe nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn!

1. Cải bó xôi là cải gì?

Cải bó xôi còn gọi là rau chân vịt, rau bina, rau bố xôi hoặc rau bắp xôi, thuộc họ Dền, có nguồn gốc từ khu vực Trung và Tây Nam Á. Cải bó xôi thường có cuống nhỏ và lá xanh đậm, tương đối mỏng mềm nên rất dễ bị nhũn nẫu nếu không được bảo quản đúng cách.

Ngày nay, cải bó xôi đã có mặt ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới, và tại Việt Nam ta cũng đang tiến hành canh trồng loại rau này, tập trung ở miền Bắc và Đà Lạt – nơi có mùa đông lạnh.

tac-dung-cua-cai-bo-xoi-rau-chan-vit-ma-ban-nen-biet-voh-0
Cải bó xôi (rau chân vịt) có cuống nhỏ và lá xanh đậm (Nguồn: Internet)

2. Tác dụng của cải bó xôi (rau chân vịt) với sức khỏe

Tuy hình dáng “mỏng manh” nhưng nguồn chất dinh dưỡng cũng như tác dụng của cải bó xôi (rau chân vịt) với sức khỏe có thể sẽ khiến bạn ngỡ ngàng. Theo đó, bổ sung thêm loại rau xanh này trong khẩu phần ăn sẽ đem đến cho bạn những lợi ích tuyệt vời như:

2.1 Kích thích tiêu hóa

Giống như nhiều loại rau xanh khác, cải bó xôi cũng là một thực phẩm cung cấp lượng chất xơ dồi dào cho cơ thể. Chúng ta biết rằng khi hấp thu một lượng chất xơ vừa đủ, hệ thống tiêu hóa sẽ hoạt động “trơn tru” hơn, nhu động ruột co bóp đều đặn để bài tiết chất thải, giảm thiểu tình trạng táo bón.

2.2 Chống loét dạ dày

Không chỉ kích thích tiêu hóa, bổ sung rau chân vịt vào thực đơn còn là cách giúp bạn chủ động phòng chống nguy cơ mắc các bệnh lý như viêm loét dạ dày hay viêm đại tràng. Lượng chất glycoglycerolipid từ rau sẽ trở thành lớp màng bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa, hạn chế tổn thương, viêm sưng hay các vết loét.

Xem thêm: Cảnh báo viêm loét dạ dày tái phát - con đường nhanh nhất dẫn đến ung thư dạ dày

2.3 Hỗ trợ giảm cân

Vừa cung cấp hàm lượng lớn chất xơ giúp bạn cảm thấy no lâu, cắt cơn thèm ăn hiệu quả, rau cải bó xôi còn đem tới lượng protein để bù đắp năng lượng khi đang ăn kiêng giảm cân.

2.4 Phòng chống ung thư

Carotenoid là chất chống oxy hóa mạnh, tham gia tích cực vào việc khống chế sự phân chia của các tế bào gây ung thư. Carotenoid được tìm thấy trong cải bó xôi có khả năng phòng và ngừa ung thư tuyến tiền liệt.

Ngoài ra, một nghiên cứu khác cho thấy, nguy cơ ung thư buồng trứng ở những người ăn nhiều rau có chứa chất kaempferol (thuộc nhóm flavoinoid) giảm đến 40% so với những người hấp thụ chất này ít hơn. Hàm lượng chất này đặc biệt có nhiều trong cải bó xôi, trà xanh, cải xoăn, rau diếp, bông cải xanh.

2.5 Điều trị rối loạn đông máu

Cải bó xôi giàu vitamin K, một chén cải bó xôi luộc chín cung cấp tới hơn 400% nhu cầu vitamin K hàng ngày của một người. Nhóm vitamin này khi vào cơ thể sẽ kích hoạt prothrombin, hỗ trợ hiệu quả điều trị chứng rối loạn đông máu, ngăn ngừa tình trạng chảy máu quá mức.

tac-dung-cua-cai-bo-xoi-rau-chan-vit-ma-ban-nen-biet-voh-1
Cải bó xôi thuộc nhóm rau xanh rất giàu vitamin K (Nguồn: Internet)

2.6 Giúp xương chắc khỏe

Vitamin K cũng đảm nhiệm vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của xương. Lúc này, vitamin K có khả năng thúc đẩy sự tổn hợp osteocalcin, một loại protein cần thiết cho việc duy trì sự chắc khỏe cho xương.

Xem thêm: Top 15 loại thực phẩm ăn vào là khỏi lo đau nhức xương khớp

2.7 Tốt cho đôi mắt

Có thể bạn chưa biết, rau cải bó xôi được đánh giá là một trong những nguồn cung cấp vitamin A cực kì dồi dào, tương đương với hơn 300% nhu cầu hàng ngày mà cơ thể cần. Lượng chất vitamin này sẽ kết hợp với chất chống oxy hóa lutein tham gia hình thành sắc tố võng mạc, tăng điều tiết mắt và làm chậm quá trình thoái hóa điểm vàng, đặc biệt là ở nhóm người cao tuổi.

2.8 Bảo vệ tim mạch

Khi điều trị các bệnh liên quan đến tim mạch như xơ vữa động mạch, suy tim hay đột quỵ luôn cần những dưỡng chất có đặc tính hòa tan chất béo cùng cholesterol xấu tích tụ trong thành mạch máu. Thật may rằng cải bó xôi có thể cung cấp các chất hoạt chất thiết yếu đó, gồm chất xơ, nhóm chất chống oxy hóa mạnh zeaxanthin.

Xem thêm: Nếu muốn có một hệ tim mạch khỏe mạnh hãy làm ngay những điều này

2.9 Tăng trưởng cơ bắp

Để tăng trưởng cơ bắp và thúc đẩy mô cơ phát triển, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích mọi người nên ăn bổ sung cải bó xôi vì lượng protein từ loại rau này dễ phân hủy thành các axit amin mà cơ thể cần.

2.10 Tốt cho hệ thần kinh

Cải bó xôi giúp duy trì các chức năng của não, đặc biệt là ở những bệnh nhân tuổi cao. Hàm lượng lớn các vitamin nhóm B như vitamin B5, vitamin B6 hay vitamin B9 giúp vận hành tốt chức năng của hệ thần kinh, đồng thời giảm căng thẳng và tăng khả năng ghi nhớ.

2.11 Điều hòa huyết áp

Loại rau này chứa nhiều kali nên được khuyến cáo dành cho người bị huyết áp cao sử dụng, vì kali có thể làm giảm tác động natri trong cơ thể. Khi lượng kali trong cơ thể thấp sẽ có thể gây tình trạng huyết áp cao.

Xem thêm: Chế độ ăn uống và thực phẩm dành cho người bệnh cao huyết áp

2.12 Giúp tóc và da khỏe mạnh

Rau bina cũng mang tới lượng vitamin E tương đối lớn (ngang với 14% giá trị hàng ngày), giúp điều hòa việc tiết dầu trong lỗ chân lông trên da và nang lông để dưỡng ẩm cho làn da, mái tóc.

2. Rau cải bó xôi nấu gì ngon?

Có thể nói rằng, những món ngon từ cải bó xôi thì “muôn màu muôn vẻ”, bởi bạn có thể dùng trộn salad, đem pha chế thành sinh tố và cả làm nguyên liệu của nhiều món canh, món xào hấp dẫn.

tac-dung-cua-cai-bo-xoi-rau-chan-vit-ma-ban-nen-biet-voh-2
Cải bó xôi có thể chế biến thành nhiều món ngon độc đáo (Nguồn: Internet)

Cùng tham khảo một vài gợi ý dưới đây và xuống bếp “biến tấu” xem sao nhé:

  • Cháo cải bó xôi
  • Súp cải bó xôi
  • Canh cải bó xôi thịt bằm
  • Miến trộn cải bó xôi Hàn Quốc
  • Trứng chiên cải bó xôi
  • Cơm cải bó xôi

Xem thêm: Cải bó xôi nấu gì ngon? 'Lướt nhanh' 13 gợi ý này và vào bếp nào

3. Bà bầu ăn cải bó xôi được không?

Với nguồn vitamin phong phú cùng nhiều khoáng chất quan trọng, đặc biệt lại có thể dùng để chế biến thành các món ngon độc đáo nên cải bó xôi là loại rau xanh rất phù hợp với thai kì và bà bầu vẫn ăn được cải bó xôi. Nếu bổ sung lượng hợp lý từ 80 – 100g một bữa thì mẹ có thể chủ động phòng ngừa cũng như cải thiện một số vấn đề như:

  • Khắc phục chứng mờ mắt
  • Giảm táo bón
  • Dự phòng xuất huyết sau sinh
  • Phòng ngừa dị tật bẩm sinh ở thai nhi
  • Xoa dịu tình trạng đau nhức xương khớp

Xem thêm: Bà bầu ăn cải bó xôi được không – 8 giải đáp đầy bất ngờ!

4. Ăn nhiều rau chân vịt có tốt không?

Không thể phủ nhận rằng rau chân vịt – cải bó xôi là nguồn “hội tụ” vô vàn dưỡng chất tự nhiên quý giá, song để hấp thu trọn vẹn và hiệu quả nhất, bạn phải chú ý sử dụng đúng lượng bởi thực tế ăn nhiều rau chân vịt hoàn toàn không tốt cho sức khỏe.

Theo khuyến cáo dinh dưỡng, trong tuần chỉ nên ăn từ 1 – 2 lần rau cải bó xôi, mỗi bữa tối đa 150g, để hạn chế tối đa nguy cơ mắc các tác dụng phụ dưới đây:

  • Tương tác thuốc: Khi đang sử dụng thuốc chống đông máu thì không nên ăn rau chân vịt vì loại rau này giàu hàm lượng vitamin K, chất dinh dưỡng sẽ phản ứng với thuốc chống đông máu và ảnh hưởng đáng kể tới các yếu tố đông máu khác có trong máu.
  • Dư thừa canxi: Hấp thu hàm lượng lớn khoáng chất canxi từ rau cải bó xôi sẽ khiến cơ thể rơi vào trạng thái dư thừa canxi, dẫn tới giảm khả năng hấp thu kẽm, thậm chí gây quá tải cho thận và hình thành sỏi thận.
  • Có một vài vấn đề nghiêm trọng như ngộ độc bởi rau bị nhiễm khuẩn E.coli do thuốc trừ sâu, phân bón hữu cơ
  • Các biến chứng khác như huyết áp thấp, run, nôn mửa, co giật và mạch yếu.
tac-dung-cua-cai-bo-xoi-rau-chan-vit-ma-ban-nen-biet-voh-3
Nên ăn cải bó xôi với lượng vừa đủ, không nên lạm dụng (Nguồn: Internet)

5. Cải bó xôi kỵ gì?

Bên cạnh sử dụng cải bó xôi với hàm lượng an toàn, trong quá trình chế biến các món ăn từ cải bó xôi, hãy cẩn trọng và tránh kết hợp với những nguyên liệu mà cải bó xôi kỵ sau:

  • Các thực phẩm có tính hàn mát: Rau cải bó xôi vốn có tính hàn, nên để cân bằng “âm dương” trong ẩm thực, bạn không nên chế biến cùng với các thực phẩm có tính hàn mát khác như cà chua, lá hẹ, bắp cải,…Thay vào đó khi hãy chút tỏi hoặc gừng để điều vị, hạn chế bị tiêu chảy hoặc lạnh bụng khi sử dụng.
  • Sữa và các chế phẩm từ sữa: Như đã chia sẻ, lượng khoáng chất, đặc biệt là canxi trong rau cải bó xôi rất dồi dào. Do đó, lời khuyên là bạn nên sử dụng sữa và các chế phẩm từ sữa – nhóm thực phẩm cũng giàu khoáng chất sau khi ăn các món ăn từ loại rau này khoảng 1 – 2 tiếng, tránh gây ra phản ứng kết tủa và hình thành sỏi thận.

6. Thành phần dinh dưỡng của cải bó xôi (rau chân vịt)

Theo số liệu từ Trang cơ sở dữ liệu của Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ, giá trị dinh dưỡng của cải bó xôi vô cùng dồi dào, một số chất dinh dưỡng điển hình được lấy từ 100g cải bó xôi như sau:

  • Nước: 91.4 g
  • Năng lượng: 23 KCal
  • Carbohydrate (đạm): 2.86 g
  • Chất béo: 0.39 g
  • Chất xơ: 2.2 g
  • Canxi: 99 mg
  • Sắt: 2.71 mg
  • Photpho: 49 mg
  • Kali: 558 mg
  • Vitamin C: 28.1 mg
  • Vitamin K: 482,9 µg
  • Vitamin E: 2.03 mg
  • Vitamin A: 9377 iu
  • Vitamin B1: 0.078 mg 
  • Vitamin B2: 0.189 mg
  • Vitamin B3: 0.724 mg
  • Vitamin B6: 0.195 mg
  • Vitamin B9: 195 µg

Như vậy, việc sử dụng cải bó xôi trong các bữa ăn gia đình giúp tăng cường sức khỏe, bổ sung chất dinh dưỡng là hoàn toàn cần thiết. Mặc dù tác dụng của cải bó xôi tốt cho sức khỏe nhưng cũng nên sử dụng có liều lượng và đúng cách để không gây ra các dụng phụ ngoài ý muốn.