Đau bụng trên rốn khi mang thai có sao không?

( VOH ) - Rất nhiều mẹ bầu thường gặp phải tình trạng đau bụng trên rốn khi mang thai ở 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Vậy hiện tượng này có nguy hiểm không?

Trong suốt quá trình mang thai, từ tháng đầu tiên cho đến cuối thai kỳ cơ thể người mẹ sẽ phải trải qua rất nhiều những sự thay đổi. Một số phụ nữ sẽ không bị bất kỳ cơn đau nào tại vùng rốn, tuy nhiên, cũng có những trường hợp thai phụ sẽ gặp phải tình trạng đau bụng trên rốn khi mang thai.

1. Những nguyên nhân khiến mẹ bị đau rốn khi mang thai 

Chính những sự thay đổi từ bên trong đến bên ngoài cơ thể người mẹ là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc bị đau vùng rốn khi mang thai.

Một số nguyên nhân cụ thể có thể kể đến là:

1.1 Áp lực tử cung

Khi thai nhi càng phát triển, tử cung sẽ càng nở rộng và gây áp lực lên bụng bao gồm cả rốn tạo thành những cơn đau bụng. Đặc biệt, những cơn đau quanh rốn khi mang thai 3 tháng đầu và và những tháng gần cuối thai kỳ diễn ra khá dữ dội.

1.2 Da bụng và các cơ bắp bị căng

Để thai nhi có đủ không gian phát triển, vùng da và cơ bắp quanh bụng phải được căng ra hết mức và đều này sẽ khiến cho phần rốn bị đẩy ra phía trước, gây khó chịu cho người mẹ.

Ở một số phụ nữ, cảm giác bị khó chịu do căng da, đau bụng trên rốn khi mang thai chỉ xuất hiện trong những tháng đầu thai kỳ.

dau-bung-tren-ron-khi-mang-thai-co-sao-khong-VOH

Khi mang thai rốn mẹ bầu có thể bị lồi ra ngoài cọ sát với quần áo gây đau (Nguồn: Internet)

1.3 Rốn lồi ra ngoài

Một nguyên nhân khác khiến phụ nữ bị đau rốn khi mang thai là do quá trình mang thai, rốn có thể lồi ra ngoài ma sát với lớp quần áo gây ra sự khó chịu, thậm chí nhiều mẹ bầu còn bị đau nhẹ.

1.4 Thoát vị rốn

Thoát vị rốn xảy ra khi có quá nhiều áp lực xuất hiện ở bụngThoát vị rốn thường xảy ra ở sơ sinh và trẻ em nhưng đôi khi cũng xuất hiện ở người lớn, nhất là ở phụ nữ mang thai do tăng áp lực ổ bụng khi tăng cân quá nhiều. Đa số các trường hợp có thể tự khỏi sau khi sinh, nhưng cũng có một số người phải thực hiện tiểu phẫu để giải quyết tình trạng này.

1.5 Khuyên rốn

Một số chị em có sở thích đeo khuyên rốn, tuy nhiên các bác sĩ khuyên rằng nên loại bỏ khuyên rốn trong quá trình mang thai. Vì khi mang thai, vùng da trên bụng, đặc biệt là rốn có thể bị kéo dài ra, khiến da bị rách, từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

dau-bung-tren-ron-khi-mang-thai-co-sao-khong-1-VOH

Phụ nữ mang thai đeo khuyên rốn có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng (Nguồn: Internet)

1.6 Nhiễm trùng đường ruột

Nếu các mẹ bầu thường bị đau nhói ở rốn khi mang thai kết hợp với các triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy, sốt thì cần chú ý vì đây có thể là triệu chứng của tình trạng nhiễm trùng đường ruột rất nguy hiểm.

Nhiễm trùng đường ruột không chỉ gây ra các cơn co thắt tử cung ở người mẹ mà còn có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi. Chị em cần đi gặp bác sĩ ngay nếu xuất hiện tình trạng này.

2. Cách giúp mẹ giảm đau rốn khi mang thai

Để giảm bớt tình trạng đau bụng trên rốn khi mang thai các mẹ có thể áp dụng một vài biện pháp sau đây:

  • Mẹ bầu nên mặc quần áo mềm mại, rộng rãi. Mẹ cũng có thể dùng bông hay vải mềm để băng rốn lại tránh tình trạng quần áo cọ xát vào da gây đau.
  • Các mẹ cũng nên xây dựng cho mình một chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý. Cần chú trọng ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu và hạn chế thức ăn cay nóng trong bữa ăn hàng ngày.
  • Phụ nữ mang thai nên chia các bữa ăn chính thành nhiều bữa nhỏ với lượng thức ăn ít để tránh bị đầy bụng làm cho cơn đau rốn thêm nghiêm trọng.
  • Kiêng quan hệ vợ chồng trong giai đoạn đầu thai kỳ có thể làm giảm tình trạng đau bụng trên rốn hiệu quả.

Đau bụng trên rốn khi mang thai là triệu chứng thường gặp ở mẹ bầu và phần lớn các nguyên nhân gây đau rốn sẽ không dẫn đến biến chứng nào kéo dài (trừ nguyên nhân do nhiễm trùng đường ruột). Tuy nhiên, nếu mẹ bầu thấy da quanh vùng bụng bị viêm đỏ, nứt hoặc bị đau dữ dội thì cần đi gặp bác sĩ để thăm được thăm khám chính xác.