Giun đũa chó có nguy hiểm không, có lây không?

(VOH) - Bệnh do giun đũa chó xuất hiện khắp nơi, không chỉ ở nông thôn mà dân thành thị cũng có nguy cơ mắc phải. Bệnh giun đũa chó có xu hướng gia tăng do mọi người chủ quan không phòng tránh.

Giun đũa chó là gì?

Giun đũa chó hay giun đũa chó mèo có tên khoa học là Toxocara, gây bệnh ở người do ấu trùng của chúng nhiễm sang người rồi di chuyển đến các cơ quan nội tạng để gây bệnh.

Giun đũa chó ký sinh trong ruột non của chó, gặp ở 80% chó vùng nhiệt đới và 17 - 20% chó ở vùng ôn đới. Giun trưởng thành sống trong ruột non chó con dưới 3 – 6 tháng tuổi, mỗi ngày đẻ khoảng 200.000 trứng, trứng giun theo phân chó ra ngoài và có thể sống ở ngoại cảnh nhiều tháng.

giun-dua-cho-co-nguy-hiem-khong-co-lay-khong-voh-1

Giun đũa chó có thể gây bệnh trên cơ thể người (Nguồn: Internet)

Khi chó lớn, do cơ chế miễn dịch nên giun trong ruột sẽ bị đẩy ra ngoài. Nếu chó con nuốt trứng giun, một số ấu trùng lên phổi và phát triển thành giun trưởng thành ở ruột non, một số khác tiếp tục di chuyển trong các cơ quan nội tạng. Khi chó lớn lên và có thai, ấu trùng chui qua lá nhau, nhiễm vào bào thai, hoặc vào tuyến vú gây nhiễm cho chó con khi chúng bú mẹ.

Người nuốt phải trứng giun đũa chó thường là trẻ em chơi đùa dưới đất nhiều, đùa giỡn với chó hoặc người lớn làm những nghề gần gũi với chó thường xuyên.

Dấu hiệu nhận biết nhiễm giun đũa chó

Giun đũa chó có thể gây bệnh ở mọi cơ quan, mọi nơi mà chúng di chuyển đến và ký sinh, có thể gây ra những tổn thương với những triệu chứng đa dạng và hậu quả khác nhau.

Mọi người thường nhầm lẫn bệnh giun đũa chó với sán chó. Tuy nhiên, giun đũa chó và sán chó là 2 loài ký sinh khác nhau hoàn toàn. Do đó, cần biết cách nhận biết để điều trị và phòng ngừa đúng cách.

Các triệu chứng của bệnh tùy thuộc rất nhiều yếu tố như nơi cư trú, số lượng ấu trùng, thời gian bị nhiễm và khả năng miễn dịch của mỗi người.

  • Ở trẻ em

Đối với trẻ em, bệnh thường khởi phát từ từ. Trẻ có thể sốt nhẹ thoáng qua, ăn ít, gầy yếu, tiêu chảy, buồn nôn và nôn. Trẻ nhiễm giun đũa chó cũng có thể đau cơ và khớp, ho khạc ra đờm, khó thở dạng suyễn, da nổi mảng sẩn đỏ hoặc mề đay, hồng ban đa dạng,...khi thăm khám phát hiện gan to, cứng, bề mặt nhẵn, không đau, đôi khi lách hơi to.

giun-dua-cho-co-nguy-hiem-khong-co-lay-khong-voh-2

Bệnh giun đũa chó thường gây ngứa ngáy và nổi sẩn đỏ (Nguồn: Internet)

  • Ở người lớn

Người lớn nhiễm giun đũa thường ít có triệu chứng, đôi khi chỉ sốt nhẹ, mệt mỏi, nổi mẩn đỏ, ngứa, khó thở dạng suyễn, giảm thị lực một bệnh do viêm hạt ở võng mạc hoặc viêm nội nhãn mạn tính.

Bệnh giun đũa chó có nguy hiểm không?

Khi giun đũa chó đi vào cơ thể người, chúng sẽ chu du trong cơ thể người trong vài tháng đến nhiều năm, gây tổn thương ở những phần cơ thể chúng đi qua. Người bệnh thường hay bị ngứa da tái đi tái lại, điều trị không dứt hẳn. Mức độ tổn thương của cơ thể cùng với các triệu chứng tùy thuộc vào số lượng ấu trùng cũng như cơ quan mà chúng xâm lấn, có thể bao gồm gan, phổi, hệ thần kinh trung ương, mắt… Trong đó, hai thể thường gặp nhất là ấu trùng di chuyển nội tạng và ở mắt.

Ở nội tạng, bệnh nhân có các triệu chứng sốt, gan to và bị hoại tử, lách to, triệu chứng hô hấp giống như hen suyễn.

Ở mắt, triệu chứng thường gặp là giảm thị lực một bên mắt hoặc đôi khi bị lé. Mức độ suy giảm thị lực tùy thuộc vào vùng bị thương tổn (võng mạc, điểm vàng), có thể dẫn đến mù lòa. Ngoài ra, bệnh còn có thể biểu hiện ở khớp, cơ, da, tim hoặc tổn thương thần kinh trung ương do ấu trùng xâm nhiễm vào não, có thể có cơn động kinh hoặc với các triệu chứng kèm theo đặc trưng của cơ quan bị bệnh khác.

Chính vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị bệnh giun đũa chó là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, mỗi người cần biết cách phòng tránh đúng đắn cho chính mình và người thân trong gia đình, đặc biệt là trẻ em.

Điều trị bệnh giun đũa chó

Điều trị giun đũa chó mèo có thể dùng thuốc thiabendazole với liều lượng từ 25 - 50mg/kg cân nặng, dùng từ 7 - 10 ngày kèm theo corticoide và thuốc kháng histamine tùy tổn thương và tùy thể bệnh.

Việc xác định nhiễm một mầm bệnh nào đó, đặc biệt là ký sinh trùng có thể gặp khó khăn và việc điều trị đôi khi một hai lần sẽ không dứt điểm. Do đó, những trường hợp nhiễm giun đũa chó cần tích cực thăm khám và tuân theo những chỉ định điều trị của bác sĩ.

Biện pháp phòng tránh nhiễm giun đũa chó

Bệnh không lây từ người sang người nên biện pháp phòng tránh chủ yếu là:

giun-dua-cho-co-nguy-hiem-khong-co-lay-khong-voh-3

Không nên cho trẻ chơi thường xuyên với chó (Nguồn: Internet)

  • Hạn chế tiếp xúc với chó, mèo, đặc biệt là chó mèo con như ôm hôn, bồng, bế.
  • Vệ sinh môi trường sạch sẽ, không để chó mèo phóng uế bừa bãi.
  • Ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống thường xuyên, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
  • Không đi chân đất.

Những biện pháp này hữu ích cho cả trẻ em lẫn người lớn, mặt khác điều quan trọng là phải huấn luyện cho chó không được phóng uế tại bạn thường sinh hoạt, nằm hoặc ngồi nghỉ ngơi, nhất là nơi trẻ em chơi đùa.

Bên cạnh đó, bạn cần tẩy giun định kỳ cho chó mèo nuôi trong nhà và tẩy giun cho cả gia đình để phòng tránh nhiễm các loại giun nói chung và giun đũa chó nói riêng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trang suckhoedoisong.vn, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế
  2. Trang tuoitre.vn
Những thói quen ăn uống dễ nhiễm giun, sán thường bị bỏ qua: Một số thói quen ăn uống, sinh hoạt có thể gây nhiễm giun sán, nhưng thường bị bỏ qua. 
Uống thuốc xổ giun khi nào để đạt hiệu quả nhất?: Ở nước ta, tỷ lệ nhiễm giun rất cao, để loại bỏ giun ra khỏi cơ thể, nhiều người thường uống thuốc tẩy giun. Tuy nhiên, nếu uống thuốc xổ giun không đúng thời điểm thì sẽ không đạt hiệu quả.