Khám phá tiềm năng, trí tuệ cả đời qua dấu vân tay?

(VOH) - Các dịch vụ liên quan đến “Sinh trắc vân tay” để nhận biết điểm mạnh, điểm yếu ở trẻ được biết đến ở Việt Nam vài năm trở lại đây.

Hình minh hoạ. Nguồn: internet

Chi phí cho dịch vụ “sinh trắc vân tay” từ 2 – 3 triệu đồng. Các phụ huynh thường được tư vấn đây là phương pháp khoa học để nắm được tính cách, chỉ số thông minh, năng khiếu, khả năng nghề nghiệp trong tương lai... của con. Nhiều phụ huynh hưởng ứng, cũng không ít người hoài nghi. 

Không thể chính xác

GS.TS Lê Đình Lương, chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam cho rằng “cơ chế hoạt động hoàn toàn dựa trên kết quả xác suất thống kê nên không thể đưa ra kết luận chính xác được. Xác suất đối với đặc điểm như trí thông minh, khả năng thích ứng vấn đề xã hội là rất thấp.

Nếu nói đến gen và nhiễm sắc thể, hiện chưa có công trình nghiên cứu nào cho thấy gen nào xác định được đặc điểm gì về trí tuệ, chiều cao, khả năng làm việc. Do vậy căn cứ vào vân tay để xác định trí tuệ và những khả năng về các lĩnh vực khác nhau trong đời sống khó có thể ứng dụng được”.

Ý kiến của GS.TS Lê Đình Lương:

 

Nặng tính chủ quan

Nhiều quảng cáo về dịch vụ này cho thấy việc phân tích dấu vân tay có thể đánh giá tính cách của con, chức năng lãnh đạo, quản lý, ngôn ngữ...

Chuyên gia Phan Thiệu Xuân Giang – Giảng viên môn tâm lý học thần kinh, khoa Tâm lý, trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, TPHCM cho biết: “Các đánh giá tâm lý và khoa học thần kinh đều không đề cập đến việc xem dấu vân tay rồi đưa ra phương pháp giáo dục cho trẻ nhỏ. Về mặt hình thái thì có liên quan nhưng dấu vân tay cũng ảnh hưởng bởi môi trường ngay từ khi bé còn nằm trong tử cung.

Những trẻ sinh đôi, dấu vân tay cũng khác nhau và bộ não phát triển khác nhau. Vậy nên nếu dựa đơn thuần vào vân tay để đánh giá về các kiểu hình hành vi thì hơi chủ quan, không có tính thuyết phục khoa học cao. Chúng tôi thường kiểm tra qua các hành vi tâm lý, thao tác để đánh giá tiềm năng và các đặc điểm khác”. 

Ý kiến của giảng viên Phan Thiệu Xuân Giang

Ngành tâm lý học và giáo dục học hiện đại đều chỉ ra rằng sự phát triển nhận thức của con người phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bên cạnh yếu tố di truyền thì còn phụ thuộc vào môi trường xã hội, văn hoá, phương pháp giáo dục...

Dấu vân tay được tạo ra bởi lớp da trong bào thai khi tiếp xúc bên trong túi nhau thai được 10 tuần tuổi. Đó là lý do vì sao hai dấu vân tay không giống nhau, thậm chí là hai trẻ sinh đôi, dấu vân tay cũng không giống nhau.

Phương pháp sinh trắc vân tay đoán vận mệnh từng được áp dụng ở một số nước, lãnh thổ như Indonesia, Hồng Kông, Ấn Độ… Tuy nhiên, cho đến nay giới khoa học đang tranh luận về tính chính xác của phương pháp này

Các chuyên gia về di truyền học thừa nhận dấu vân tay cung cấp thông tin di truyền song cho rằng ít người biết về cơ chế di truyền hình thành dấu vân bàn tay hoặc bàn chân. Nhiều chuyên gia thần kinh học bác bỏ mối liên hệ giữa các dấu vân tay và não.