Mẹ nào có nguy cơ nhiễm độc thai nghén cao?

( VOH ) - Nhiễm độc thai nghén là một bệnh lý có thể gây biến chứng nguy hiểm như sảy thai, sinh non hay tiền sản giật, sản giật.

Nhiễm độc thai nghén thường xảy ra trong 14 tuần đầu và 14 tuần cuối của thai kỳ. Nếu không điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Do đó, các mẹ bầu cần biết được nguyên nhân, triệu chứng nhiễm độc thai nghén là gì để từ đó sớm nhận biết, có cách phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

1. Hiện tượng nhiễm độc thai nghén là như thế nào?

me-nao-co-nguy-co-nhiem-doc-thai-nghen-cao-voh-1

Nhiễm độc thai nghén là gì? (Nguồn: Internet)

Nhiễm độc thai nghén là một chứng bệnh chỉ phát sinh trong thời kỳ thai nghén. Nhiễm độc thai nghén ở 3 tháng đầu, thai phụ có biểu hiện nghén nặng. Ở 3 tháng cuối thai kỳ, thai phụ có triệu chứng phù, tăng huyết áp, protein niệu,…

Nhiễm độc thai nghén nếu không được điều trị có thể dẫn đến tiền sản giật, sản giật. Ở sản phụ nhiễm độc thai nghén, trẻ sơ sinh thường bị ngạt khi đẻ.

2. Nguyên nhân nhiễm độc thai nghén

Hiện nay, nguyên nhân của chứng nhiễm độc thai nghén chưa rõ ràng, song các bác sĩ cho biết một số yếu tố dẫn đến hiện tượng thai này như:

  • Nhiễm độc thai nghén thường xảy ra ở những mẹ bầu trẻ, mẹ bầu mang thai lần đầu.
  • Thời tiết lạnh, chuyển mùa cũng là một yếu tố góp phần gây nhiễm độc thai nghén.
  • Những mẹ bầu phải thường xuyên làm việc mệt mỏi, quá sức cũng rất dễ mắc phải bệnh.
  • Dễ xuất hiện khi mẹ ăn các loại thức ăn lạ, thức ăn dễ gây dị ứng.
  • Mẹ mắc các bệnh nội khoa mãn tính như loét dạ dày, viêm thận mãn tính cũng tạo điều kiện cho căn bệnh này xuất hiện.

3. Triệu chứng nhận biết nhiễm độc thai nghén

Tùy vào giai đoạn mang thai, nhiễm độc thai nghén có những dấu hiệu nhận biết khác nhau:

3.1 Nhiễm độc thai nghén ở 3 tháng đầu

Bắt đầu từ khi thai khoảng 1 tháng tuổi, thường kéo dài 3 tháng, sau đó sẽ giảm dần và mất hẳn.

  • Nhiễm độc thai nghén nhẹ: Mệt mỏi, gầy, xanh xao, buồn nôn và nôn, sợ cơm, thích ăn vặt, đồ chua ngọt.
  • Nhiễm độc thai nghén nặng: Nôn nhiều và không ăn uống được, mất nước, gầy.

3.2 Nhiễm độc thai nghén trong 3 tháng cuối thai kỳ

  • Phù chân

me-nao-co-nguy-co-nhiem-doc-thai-nghen-cao-voh-2

Phù chân là một trong những dấu hiệu nhận biết nhiễm độc thai nghén (Nguồn: Internet)

Thay phụ tự phát hiện bằng cách ấn ngón tay vào mắt cá chân của mình, sẽ thấy xuất hiện dấu lõm của các ngón tay. Với những trường hợp phù nặng có thể xuất hiện ở mặt và cả 2 tay.

Để phân biệt phù do nhiễm độc thai nghén, thai phụ cần chú ý: Nếu gác chân lên cao sau một đêm hiện tượng phù chân biến mất thì nguyên nhân là do thai lớn chèn ép các tĩnh mạch. Còn ngược lại, nếu thực hiện điều trên, sau một đêm nghỉ ngơi mà hiện tượng phù vẫn còn thì có thể đó là dấu hiệu nhiễm độc thai nghén. Lúc này, thai phụ cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên khoa để xác định chính xác.

  • Tăng cân nhanh

Ngoài việc bị phù chân, thai phụ nhiễm độc thai nghén còn thường có hiện tượng tăng cân rất nhanh. Một tuần, mẹ bầu có thể tăng đến 500gr. Nguyên nhân là do cơ thể bị giữ nước. Khi phát hiện những dấu hiệu trên, nhân viên y tế sẽ xét nghiệm đạm niệu để chẩn đoán chính xác. Nếu kết quả cho thấy nồng độ đạm niệu lớn hơn 0,3g/lít, thai phụ sẽ được theo dõi nhiễm độc thai nghén thật cẩn thận để tránh nguy hiểm.

  • Huyết áp tăng

Thai phụ được cho là tăng huyết áp Khi huyết áp lên đến 140/90 mmHg. Hoặc ở những tháng cuối thai kỳ, khi phát hiện dấu hiệu huyết áp tăng từ 15 đến 30mmHg so với trước khi mang thai, thai phụ cần được theo dõi cẩn thận và điều trị nhiễm độc thai nghén để phòng ngừa tiền sản giật và sản giật.

Chế độ ăn uống và thực phẩm dành cho người bệnh cao huyết áp: Mỗi năm thế giới có 17,5 triệu người chết vì các bệnh tim mạch mà cao huyết áp là nguyên nhân hàng đầu. Để giảm nguy cơ cao huyết áp, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống hợp ý.

4. Những mẹ bầu nào có nguy cơ nhiễm độc thai nghén cao?

Những mẹ bầu sau đây có nguy cơ nhiễm độc thai nghén cao hơn so với những mẹ bầu có sức khỏe bình thường:

  • Mẹ bầu bị tăng huyết áp hoặc bị bệnh thận trước khi mang thai.
  • Mẹ mang thai lần đầu tiên hoặc mang thai dưới 18 tuổi.
  • Mẹ mang thai đôi hoặc mang thai trên 40 tuổi.
  • Mẹ bầu bị béo phì hoặc bị huyết áp cao.

5. Nhiễm độc thai nghén nguy hiểm ra sao?

Nhiễm độc thai nghén nếu không điều trị tốt sẽ dẫn đến những biến chứng sau đây:

5.1 Tiền sản giật

Sản phụ choáng váng, có hiện tượng mắt mờ, có khi buồn nôn, nước tiểu có protein tăng đến 0,5g/l, phù không giảm mà nặng hơn và nước tiểu ít hơn nhưng chưa có cơn giật.

Nếu huyết áp trên 160/100mmHg mà điều trị không giảm phải lấy thai ra ngoài nếu không có thể dẫn đến cơn sản giật.

5.2 Sản giật

Thường xảy ra ở thời kỳ cuối thai nghén, trong khi chuyển dạ và sau đẻ. Sản phụ lên cơn giật và hôn mê có kèm theo phù, tăng huyết áp, protein niệu.

Thường xảy ra ở thai phụ mang thai con so nhiều hơn con rạ và thường xảy ra từ tuần thứ 30 trở đi.

Khi bị sản giật, toàn thân co cứng, mắt đảo, đầu ưỡn ra sau, mắt đảo lên trời, rồi ngừng thở, sau đó chuyển rất nhanh sang giật run, co giật ở mặt, giật mạnh ở tay chân. Có thể cắn phải lưỡi và sùi bọt mép, mặt xanh tái rồi chuyển sang xám xịt, sau đo co giật giảm dần, sản phụ bị hôn mê rồi rống lên. Mạch nhanh, cơn co tăng lên khi giật.

Hiện tượng này nếu không được xử lý thì dẫn đến suy tim, phù phổi, chảy máu não thậm chí dẫn đến tử vong.

Đối với sản giật trong khi chuyển dạ, cơn giật sẽ làm cơn co tử cung mạnh. Vì vậy, nếu cổ tử cung sản phụ mở chậm phải xử lý bằng mổ lấy thai ngay.

6. Điều trị và phòng ngừa nhiễm độc thai nghén như thế nào?

me-nao-co-nguy-co-nhiem-doc-thai-nghen-cao-voh-3

Nhiễm độc thai nghén có điều trị được không? (Nguồn: Internet)

Khi có những dấu hiệu nhiễm độc thai nghén, mẹ bầu cần đến bệnh viện thăm khám ngay. Với những mẹ bị bệnh, bác sĩ sẽ giúp ngăn cản sự tiến triển của bệnh, tránh các biến chứng.

Đối với thai nhi, bác sĩ sẽ xem xét và đảm bảo sự phát triển bình thường của thai nhi trong tử cung. Bên cạnh đó, mẹ nên nhớ phải luôn tuân thủ các chỉ định sau:

  • Hạn chế ăn mặn.
  • Lượng nước uống hàng ngày giảm xuống so với bình thường không quá 1 lít.
  • Nằm nghiêng về bên trái để tránh tử cung đè vào cuống thận.
  • Dùng thuốc lợi tiểu và hạ huyết áp theo chỉ dẫn của bác.

Để phòng ngừa nhiễm độc thai nghén mẹ bầu cần chú ý cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng (đường, đạm, vitamin, các chất vi lượng, uống bổ sung viên sắt, axit folic,…). Đồng thời, mẹ cần đi khám thai định kỳ, nếu thấy phù cần đi khám thai ngay dù chưa đến hẹn để được kiểm tra huyết áp, xét nghiệm nước tiểu. Từ đó sớm biết tình trạng nhiễm độc thai nghén để điều trị kịp thời và sinh đẻ an toàn.