Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị tiêu chảy do kháng sinh

(VOH) – Tiêu chảy là bệnh thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, ít ai biết, tiêu chảy không đơn thuần do ăn uống mà có thể do sử dụng thuốc, đặc biệt là kháng sinh. Vậy làm sao để nhận biết tiêu chảy do kháng sinh?

Sử dụng kháng sinh không đúng cách có thể gây tiêu chảy (Ảnh minh họa)

Phó giáo sư, tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Hữu Đức, đại học Y dược TPHCM tư vấn. Đọc giả có thể nghe hoặc đọc chi tiết. 

Tiêu chảy do kháng sinh là gì? 

Khoa học chứng minh rằng trong ruột con người chứa sẵn nhiều vi khuẩn gọi là hệ tạp khuẩn ruột, trong đó gồm 2 nhóm: 1 nhóm vi khuẩn có lợi, giúp tiêu hóa tốt, tổng hợp vitamin; và 1 nhóm vi khuẩn gây bệnh

Việc dùng kháng sinh, trong vài trường hợp sẽ gây rối loạn hệ tạp khẩn, tiêu diệt vi khuẩn có lợi và gây ra tiêu chảy.

Triệu chứng

Các triệu chứng của tiêu chảy do kháng sinh cũng giống với tiêu chảy bình thường là: đau bụng, đi tiêu phân lỏng.

Muốn phân biệt, cần lưu ý nếu tiêu chảy xuất hiện khi đã dùng kháng sinh từ 5 đến 7 ngày hoặc sau khi ngưng 1 đợt kháng sinh thì mới kết luận rằng nguyên nhân tiêu chảy do kháng sinh.

Mặt khác, sử dụng kháng sinh bừa bãi còn gây ra một dạng tiêu chảy nguy hiểm hơn: tiêu chảy do viêm đại tràng giả mạc, do một loại vi khuẩn đặc biệt gây ra. Dạng này ngoài những triệu chứng chung với tiêu chảy bình thường thì còn có sốt, nôn, đi tiêu ra phân lỏng có chất nhầy, đi tiêu ra máu...

Tiêu chảy do kháng sinh có triệu chứng giống với tiêu chảy bình thường (Ảnh minh họa)

Những trường hợp dễ mắc tiêu chảy do kháng sinh:

- Người có tiền sử bị tiêu chảy do kháng sinh

- Người lớn tuổi (trên 65 tuổi)

- Trẻ em: do hệ tạp khuẩn yếu

- Người bị bệnh tiềm ẩn (ví dụ: viêm ruột)

-  Người có sức đề kháng yếu

Biến chứng, tác dụng phụ của việc dùng kháng sinh bừa bãi

Sử dụng kháng sinh không đúng có thể gây ra các tác dụng phụ thậm chí biến chứng như:

- Dị ứng, nổi mề đay, ngứa. Sốc phản vệ là biến chứng nặng, có thể gây tử vong

- Nhiễm độc các cơ quan trong cơ thể. (Ví dụ: Tetracyclin có thể gây tổn hại xương răng của trẻ em)

- Gây hại cho cơ quan thính giác. (Ví dụ: một số thuốc thuộc nhóm Aminoglycoside)

- Gây hại cho gan, thận

- Gây hại cho tế bào máu, thậm chí suy tủy. (Ví dụ: thuốc thuộc nhóm chloramphenicol)

 Biện pháp chữa trị

- Ngừng sử dụng loại kháng sinh đang uống hoặc thay thế bằng một loại thuốc khác theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Bù nước và tiếp điện giải, đặc biệt đối với trẻ em.

- Nếu tiêu chảy vẫn tiếp diễn, có thể sử dụng thuốc trị tiêu chảy không làm liệt ruột như Smecta.

- Sử dụng thêm Probiotic (thuốc trợ sinh), ăn yoghurt để cân bằng lại hệ tạp khuẩn.