Nhịp tim nhanh là bao nhiêu, có nguy hiểm không?

(VOH) - Trong nhiều trường hợp, nhịp tim nhanh có thể là bình thường nhưng cũng có một số trường hợp, tim đập nhanh là dấu hiệu cảnh báo tim đang gặp nguy hiểm.

1. Nhịp tim nhanh là bao nhiêu?

Nhịp tim nhanh là tình trạng tim đập thình thịch, rung hoặc nhịp bất thường trong vài giây hoặc vài phút.

Nhịp tim là một trong những chỉ số quan trọng của sức khỏe chúng ta. Nhịp tim bình thường là số lần tim đập trong 1 phút khi nghỉ ngơi. Nhịp tim trung bình của một người trưởng thành khỏe mạnh nằm trong khoảng 60 – 100 nhịp/phút.

Khi nhịp tim trên 100 nhịp/phút được coi là nhịp tim nhanh.

nhip-tim-nhanh-la-bao-nhieu-co-nguy-hiem-khong-voh-1

Nhịp tim nhanh là tốt hay xấu? (Nguồn: Internet)

2. Nhịp tim nhanh có nguy hiểm không?

Nhịp tim nhanh được định nghĩa là tình trạng tim đập hơn 100 nhịp/phút. Tình trạng này không đồng nghĩa với việc máu tống ra khỏi tim nhiều hơn bình thường, mà nó làm cơn co bóp của các buồng tim diễn ra quá ngắn, khiến máu bị ứ tại tim, dẫn đến lúc đó máu đi nuôi cơ thể quá ít. Quá trình này diễn ra lâu dài có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như huyết khối, đột quỵ, suy tim, trụy tim, thậm chí là ngừng tim.

Tuy nhiên, nhịp tim nhanh có nguy hiểm hay không còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó.

3. Nguyên nhân nhịp tim nhanh

Nhịp tim nhanh có thể liên quan đến các bệnh tim, bao gồm:

Tuy nhiên, nhịp tim nhanh thông thường do các vấn đề không liên quan đến tim như:

  • Hoạt động thể chất nhiều và mạnh, điển hình nhất là chạy marathon khiến tim đập nhanh.
  • Thay đổi nội tiết tố trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, tiền mãn kinh hoặc nhịp tim nhanh khi mang thai.
  • Đối với một số cơ địa, khi sử dụng cafein, uống rượu, bia và các chất kích thích khác cũng có thể khiến tim đập nhanh.
  • Lo âu, sợ hãi hoặc căng thẳng cũng gây nhịp tim nhanh.
  • Sử dụng thuốc giảm cân, thuốc làm thông mũi, thuốc hen suyễn dạng hít,…dễ khiến tim đập nhanh.
  • Mắc bệnh tuyến giáp, đường huyết thấp, thiếu máu, sốt và mất nước,…cũng làm tim đập nhanh hơn bình thường.

4. Nhịp tim nhanh phải làm sao?

Nếu nhịp tim nằm ngoài khoảng giới hạn nhịp tim bình thường kèm theo các triệu chứng như trống ngực, đau ngực, mệt mỏi, thở dốc, chóng mặt, ngất xỉu, đau đầu,…thường xuyên thì bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được thăm khám và điều trị nhịp tim nhanh sớm.

Thông thường, nếu nhịp tim nhanh do các vấn đề không liên quan đến tim thì hiếm khi cần điều trị. Thay vào đó, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn cách để tránh các tình huống gây hồi hộp và kiểm soát nhịp tim tốt hơn.

Nếu nhịp tim nhanh do các vấn đề ở tim như rối loạn nhịp tim thì cần điều trị bằng phương pháp phù hợp.

5. Cách giúp bạn kiểm soát nhịp tim tốt hơn

5.1 Cân bằng điện giải

Tim co bóp được là nhờ vào xung điện tim được tạo ra từ sự chênh lệch điện tích của 4 loại ion quan trọng trong tế bào, gồm: K+, Ca2+, Na+, Mg2+. Vì một lý do nào đó, điện tích của các ion này bị thay đổi có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim. Vì thế, cách tốt nhất để hạn chế nhịp tim nhanh là đảm bảo nồng độ các ion này luôn cân bằng và ổn định.

Muốn ổn định nồng độ các ion trên bạn nên bổ sung:

  • Kali từ các loại trái cây như táo, chuối, cam, sữa, bánh mì.
  • Canxi từ quả hạnh nhân, bột yến mạch, sữa, đậu hũ.
  • Natri có nhiều trong các loại thịt, sản phẩm từ sữa hoặc các loại bánh mì.
  • Magie có nhiều trong các loại hạt hoặc ngũ cốc…

5.2 Uống đủ nước

nhip-tim-nhanh-la-bao-nhieu-co-nguy-hiem-khong-voh-2

Uống đủ nước mỗi ngày để tim đập ổn định hơn (Nguồn: Internet)

Nước chính là dung môi cho các chất hoạt động, cơ thể không đủ nước sẽ dẫn đến tình trạng đánh trống ngực nhẹ, do mất cân bằng điện giải. Chính vì vậy, bổ sung đủ nước mỗi ngày sẽ giúp duy trì được nhịp tim ổn định.

5.3 Ho

Ho là phản ứng tự nhiên của cơ thể, nhằm tạo áp lực đẩy vật lạ ra ngoài qua đường hô hấp. Nhưng bạn có biết ho có thể giúp nhịp tim trở lại bình thường. Trong trường hợp tim đập nhanh do hồi hộp, một cơn ho mạnh sẽ tạo áp lực lên lồng ngực làm bạn dễ chịu hơn.

5.4 Thư giãn

Khi thấy tim đập quá nhanh bạn nên ngồi thư giãn, tập hít thở thường xuyên sẽ có thể giảm được phần nhiều triệu chứng hồi hộp.

5.5 Tập thể dục đều đặn

Tập thể dục đều đặn là giải pháp hàng đầu để phòng ngừa không chỉ bệnh tim mạch mà còn giúp tăng cường sức khỏe phòng chống các bệnh cơ hội khác.