Phần 1: Xông hơi thế nào cho đúng

(VOH) - Xông hơi không chỉ tốt cho sức khỏe khi bạn bị nghẹt mũi, khó chịu hay cảm nhẹ mà còn rất tốt cho tinh thần, cũng như làn da bị mệt mỏi vì "quá tải". Nhưng liệu bạn đã có những hiểu biết đúng đắn về phương pháp này chưa?

Tư vấn từ bác sỹ Lương Lễ Hoàng

Tinh dầu liệu pháp

Aromatherapy (Tinh dầu liệu pháp) là một phương pháp trị liệu hoặc phòng chống bệnh tật bằng tinh dầu thiên nhiên. Thông qua hương thơm hay sử dụng trực tiếp, tinh dầu có thể giảm đau cho cơ thể, giảm sự hồi hộp, stress, hạ huyết áp, chống mất ngủ, giảm rụng tóc và ngứa ngáy do eczema gây ra.

Ngoài ra, một số tinh dầu thiên nhiên còn có thể tăng khả năng ghi nhớ trong một thời gian ngắn, tăng cường sức khỏe và làm cơ thể thư giãn.

Có hai cách để tinh dầu phát huy tác dụng: Một là tác động trực tiếp lên hệ viền của não thông qua khứu giác và làm thay đổi huyết áp, nhịp tim cũng như các hoạt động khác của cơ thể.

Tác động thứ hai là tác động dược lý (giống như thuốc) lên cơ thể nhằm giúp cơ thể tự sản sinh những chất làm giảm đau.

Xông hơi chữa bệnh

Theo quan niệm Đông y, xông hơi là một phương pháp điều trị dựa trên hình thức tự điều tiết thân nhiệt bằng cách ra mồ hôi của cơ thể do hệ thần kinh tự động điều khiển. Việc tăng tiết mồ hôi và giãn nở mạch máu ngoại biên qua xông hơi không những giúp giải cảm, hạ sốt mà còn được vận dụng để làm hạ cao huyết áp và giải độc cho cơ thể trong nhiều trường hợp khác nhau.

Xông hơi thường được kết hợp với các loại thảo dược thiên nhiên, có tác dụng chữa bệnh, hỗ trợ sức khỏe.

Trước đây, dân gian thường dùng cách xông hơi bằng nồi xông. Hơi nước nóng bốc lên từ nồi xông làm giãn nở mạch máu dưới da vừa kích thích lưu thông khí huyết vừa thúc đẩy việc đào thải hàn khí hoặc thấp khí ra khỏi cơ thể theo đường mồ hôi. Do đó xông hơi có thể làm giải cảm hoặc hạ sốt.

Xông hơi thế nào cho đúng ?

Nhiều người có thói quen xông hơi ngay khi nước đang ở nhiệt độ sôi. Đây là quan niệm sai lầm, do ngoài yếu tố nguy cơ bị phỏng, còn có nhiều dược chất bị phá hủy khi ở nhiệt độ cao.

Vì thế chỉ nên xông hơi bằng nước nóng (khoảng 80 độ C).

Khi xông hơi, cần giữ khoảng cách với nồi hơi để tránh tình trạng nóng quá dễ gây phỏng hoặc gây kích ứng da, kích ứng giác mạc sau xông.

Bạn có thể để một số tinh dầu vào nồi hơi để thư giãn thông mũi, tạo cảm giác sảng khoái. Xông hơi làm thoáng lỗ chân lông trong vòng 10 phút với da nhờn và 3 phút cho da khô. Không nên để quá lâu đễ gây phản tác dụng.

Thậm chí khi chưa đến 10 phút nếu bạn cảm thấy da bắt đầu bị đốt nóng hay hơi nước quá nóng hãy dừng lại.

Không nhất thiết phải xông hơi trong một không gian chật hẹp và kín, chỉ cần xông ở nơi kín gió và an toàn

Xông hơi theo kiểu nào

Phương pháp đơn giản, cổ truyền nhất là trùm mền

Phương pháp khác là sử dụng máy xông hơi hay nồi hơi thì các giai đoạn giống nhau. Nếu sử dụng nồi hơi, rót nước bằng bộ phận ống dẫn chức năng.

Cũng có thể một lượng nước vừa phải vào nồi nấu ăn thông thường, đậy nắp kín cho đến khi nước sôi. Hơi sẽ bốc ra từ van của nồi sau khi nước sôi.

Phương pháp cây dù: (dành cho trẻ em) : cho trẻ ngồi dưới cây dù, để lon xông hơi (lưu ý không để đổ ra).