Phơi nhiễm HIV là gì? Cách xử lý khi bị phơi nhiễm HIV

(VOH) - Khi bị phơi nhiễm HIV, nhiều người hoảng hốt vì cho rằng mình đã bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, nếu hiểu biết đúng và xử lý, điều trị kịp thời, ai cũng có thể thoát khỏi căn bệnh thế kỷ này.

Phơi nhiễm HIV là gì?

Phơi nhiễm HIV là thuật ngữ được Bộ Y tế dùng để chỉ sự tiếp xúc niêm mạc hay da không nguyên vẹn với máu, các mô hay dịch cơ thể khác có nguy cơ lây nhiễm HIV. Nói cách khác, bị phơi nhiễm là vô tình bị vật sắc nhọn như kim tiêm, dao mổ dính máu bệnh nhân AIDS đâm vào cơ thể, có nguy cơ bị nhiễm HIV/AIDS.

phoi-nhiem-hiv-la-gi-va-cach-xu-tri-khi-bi-phoi-nhiem-hiv-voh-1

Phơi nhiễm HIV là tình trạng có nguy cơ bị nhiễm HIV do nhiều nguyên nhân (Nguồn: Internet)

Cách xử trí khi có nguy cơ phơi nhiễm HIV

Mới đây, theo tin tức của các cơ quan báo chí,  có khoảng 10 người đã đến bệnh viện điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV do bị kẻ lạ bất ngờ đâm trên đường khiến phần lớn người dân TPHCM lo lắng. Mọi người sợ rằng, đang sống lành mạnh thì trong phút chốc bỗng vô duyên vô cớ bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, mọi người không nên quá lo lắng vì trong trường hợp này nếu đến bệnh viện sớm, được bác sĩ tư vấn uống thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV thì có thể sẽ không bị nhiễm HIV.

Theo TS.BS Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện nhiệt đới TPHCM, trong trường hợp không may bị phơi nhiễm HIV không nên để quá 72 giờ mới điều trị. Nếu vết thương sâu, cần sơ cứu bằng cách để máu ở chỗ vết thương chảy tự nhiên ra ngoài trong thời gian ngắn, không nặn hay ép vết thương. Sau đó, rửa sạch vết thương và dùng thuốc sát trùng rồi nhanh chóng đến bệnh viện để được xử lý tiếp bởi bác sĩ chuyên khoa.

Trong trường hợp bị máu hoặc dịch tiết của người có HIV bắn vào mắt, mũi, cần rửa mắt hoặc nhỏ mũi bằng nước cất hoặc nước NaCl 0.9% liên tục trong 5 phút. Nếu bắn vào miệng thì cần súc miệng bằng dung dịch NaCl 0.9% nhiều lần.

Thuốc phơi nhiễm HIV

Đối với những trường hợp có nguy cơ thấp hoặc nguy cơ cao đều có thể điều trị dự phòng bằng ARV – thuốc kháng virus HIV.

Cần tiến hành điều trị ARV ngay cho người bị phơi nhiễm HIV, đặc biệt là những người có nguy cơ lây nhiễm cao, càng sớm càng tốt. Tốt nhất là điều trị ARV sớm từ 2 – 6 giờ sau khi phơi nhiễm và không nên điều trị muộn sau 72 giờ.

phoi-nhiem-hiv-la-gi-va-cach-xu-tri-khi-bi-phoi-nhiem-hiv-voh-2

Điều trị phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (Nguồn: Internet)

Thời gian điều trị ARV kéo dài trong 4 tuần. Trong thời gian này, cần theo dõi tác dụng phụ của thuốc ARV, đồng thời người bị phơi nhiễm cần xét nghiệm HIV sau 1, 3 và 6 tháng kể từ thời điểm bị phơi nhiễm. Sau 6 tháng xét nghiệm HIV mà cho kết quả âm tính thì người bị phơi nhiễm có thể yên tâm rằng đã không bị nhiễm HIV trong tình huống nghi ngờ nhiễm HIV.

Trường hợp có kết quả HIV dương tính thì người nhiễm sẽ tiếp tục được điều trị ARV tại các phòng khám ngoại trú dành cho người nhiễm HIV.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trang suckhoedoisong.vn, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế
  2. Trang Wikipedia - Bách khoa toàn thư mở
  3. Trang thanhnien.vn
TPHCM: 10 người dân phải điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV do bị người lạ tấn công: Những người này bị đâm trong lúc đang đi trên đường tại nhiều khu vực ở quận 5, TP.HCM, trong đó, số người bị đâm nhiều nhất xảy ra ở khu vực cầu Nguyễn Văn Cừ. 
Người nhiễm HIV/AIDS được nhận thuốc ARV bằng nguồn Bảo hiểm y tế: Những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đầu tiên chính thức nhận thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế tại 63 tỉnh, thành trong cả nước.