Siêu âm 4D là gì? Thời gian nào có thể thực hiện siêu âm 4D?

(VOH) – Siêu âm 4D không phải là một thủ tục y tế bắt buộc, tuy nhiên hiện nay có nhiều cặp vợ chồng chọn hình thức siêu âm này vì có thể giúp nhìn rõ hơn về hình dáng và những cử động của con yêu.

Khi đã được xác định đang mang thai, mẹ bầu có thể sẽ cần phải thực hiện nhiều xét nghiệm trong quá trình thai kỳ để đảm bảo bé yêu đang phát triển khỏe mạnh. Đôi khi, bác sĩ có thể đưa ra chỉ định thực hiện siêu âm thai 4D cho bạn nhưng cũng có những trường hợp, mẹ bầu chủ động yêu cầu được thực hiện hình thức siêu âm này.

1. Siêu âm 4D là gì?

Siêu âm 4D hay siêu âm 4 chiều được xây dựng trên cơ sở công nghệ quét 3D, sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh chuyển động. Một chiều thêm ở đây chính là thời gian.

Thực chất, siêu âm 4D chính là hình ảnh chuyển động của thai nhi trong thời gian thực. Khi máy quét trên bụng người mẹ, những hoạt động đang xảy ra của bé như nhúc nhích, đạp, mở mắt... đều sẽ được hiển thị trên màn hình siêu âm.

1.1 Siêu âm 4D được thực hiện như thế nào?

Siêu âm 4D được thực hiện theo cách thức tương tự như các quy trình siêu âm thai thông thường khác trong thời kỳ mang thai. Để thực hiện siêu âm 4D bác sĩ có thể sẽ thực hiện các bước sau:

  • Mẹ bầu được yêu cầu nằm ngửa trên một chiếc giường và kéo áo để lộ bụng.
  • Bác sĩ sẽ bôi một loại gel đặc biệt lên vùng bụng của mẹ.
  • Kỹ thuật viên sẽ để một chiếc máy dò lên trên bụng thai phụ và di chuyển nó theo hình vòng tròn để có được những hình ảnh tốt nhất.

sieu-am-4d-la-gi-thoi-gian-nao-co-the-thuc-hien-sieu-am-4d-voh

Siêu âm 4D không phải là một thủ tục y tế bắt buộc trong thai kỳ (Nguồn: Internet)

1.2 Cách thức hoạt động của công nghệ siêu âm 4D

Siêu âm 4D giúp tạo ra hình ảnh em bé từ bên trong tử cung bằng cách:

  • Sử dụng thiết bị đầu dò di chuyển theo vòng tròn dọc theo bụng mẹ bầu để truyền sóng âm qua bụng và qua tử cung.
  • Những sóng âm này sẽ phản xạ lại cơ thể bé dưới dạng âm vang.
  • Máy chủ sẽ nhận những tín hiệu này và dịch chúng sang màn hình.
  • Khi em bé cử động hoặc chuẩn bị đá vào bụng, mẹ bầu sẽ có thể nhìn thấy những hình ảnh trên màn hình siêu âm.

2. Lợi ích của siêu âm 4D là gì?

Từ hình thức siêu âm 4D mẹ bầu có thể nhìn thấy khuôn mặt, tay chân cùng những chuyển động của thai nhi trong bụng, giống như em bé đang ở trước mặt mẹ vậy. Ngoài ra, việc siêu âm 4D còn cho phép mẹ bầu có thể ghi lại vào đĩa CD và đem về nhà cho mọi người cùng xem.

Phương thức siêu âm 4D cũng giúp bác sĩ có thể quan sát rõ được những bộ phận bên trong cơ thể của thai nhi. Từ đó, bác sĩ sẽ dễ dàng phát hiện và chẩn đoán chính xác những dị tật di truyền hay phân tích chuyển động của bào thai.

Ngoài ra, siêu âm 4D có thể giúp xác định tuổi thai, phân tích sự phát triển của bào thai, vị trí thai, bất thường nhau thai hay các vấn đề về cấu trúc tử cung, chảy máu bất thường, phát hiện khối u buồng trứng, u xơ tử cung ở mẹ bầu.

3. Có thể thực hiện siêu âm 4D ở tuần thứ mấy?

Sẽ có một số sự khác biệt giữa các bệnh viện về yêu cầu thời gian thực hiện siêu âm 4D ở mỗi thai phụ, vì thế bác sĩ sản khoa của mẹ sẽ là người biết rõ và tư vấn cho mẹ về việc khi nào thì có thể tiến hành siêu âm 4D.

sieu-am-4d-la-gi-thoi-gian-nao-co-the-thuc-hien-sieu-am-4d-1voh

Siêu âm 4D thường được thực hiện trong khoảng từ tuần 20 - 25 của thai kỳ (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, thông thường siêu âm 4D có thể được thực hiện từ tuần thứ 20 – 25 của thai kỳ để đánh giá hình thái của thai nhi, tuổi thai, sự phát triển thai, nhau thai, nước ối. Vì sau giai đoạn này sẽ rất khó đánh giá hình ảnh học của thai vì thai lớn khó khảo sát.

4. Siêu âm 4D liên tục có an toàn không?

Việc hào hứng được nhìn thấy bé yêu lần đầu tiên khi bé vẫn còn ở trong bụng mẹ là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, thực hiện siêu âm 4D liên tục chưa hẳn là điều tốt.

Mặc dù siêu âm thai 4D khá an toàn và không gây nguy hiểm cho thai kỳ của mẹ nhưng có thể khiến bà bầu tốn kém về kinh tế và thời gian bởi mỗi lần siêu âm, thai phụ thường phải chờ đợi khá lâu, không cần thiết.

Vì thế, thông thường số lần siêu âm 4D thường bị bác sĩ hạn chế, khoảng 3 lần trong một thai kỳ. Trong trường hợp những thai kỳ bất thường, cao huyết áp… số lần khám thai và siêu âm có thể sẽ nhiều hơn.

Trên đây là một số thông tin về siêu âm 4D cũng như thời gian có thể thực hiện được. Hi vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp mẹ bầu có thể hiểu rõ hơn về phương thức siêu âm này để có thể bảo vệ sức khỏe và sự phát triển của bé yêu từ trong bụng.