Thận trọng khi chia sẻ sữa mẹ

(VOH) – Chia sẻ sữa mẹ là việc làm nhân văn nhưng phải thận trọng vì cần nhiều điều kiện bảo quản, lưu trữ.

Tủ sữa mẹ miễn phí ở thành phố Hồ Chí Minh. Hình: Vietnamnet

Bác sĩ Đào Thị Yến Phi hiện là Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM chia sẻ với VOH về nội dung này.

Sữa mẹ phải "chuẩn"

Mô hình “Ngân hàng sữa mẹ” đã có ở một số nước phát triển. Đây là mô hình đòi hỏi phải do một cơ quan (có thẩm quyền chức năng) quản lý. Trong đó yếu tố quan trọng là sữa cung cấp phải đảm bảo tiêu chuẩn dinh dưỡng mà không gây hại.

Do đó, một Ngân hàng sữa mẹ phải có chức năng và đẩy đủ phương tiện để chẩn đoán bệnh lý, đảm bảo nguồn sữa và bảo quản an toàn và dinh dưỡng đầy đủ.

Sữa mẹ được tiết ra từ một cơ thể sống và đó là môi trường nếu vi khuẩn, nấm phát triển, hoặc nếu mẹ mang bệnh lý mà chưa tầm soát thì có thể lây bệnh cho bé. Do đó, có một số bệnh lý các bà mẹ không được cho con uống sữa như bệnh lý truyền nhiễm: viêm gan siêu vi B, lao, bệnh lý nhiễm trùng mạn tính khác….

3 cách thức đảm bảo chất lượng sữa mẹ

Đầu tiên, sữa phải được lấy từ các bà mẹ được phép cho con bú sữa mẹ. Điều này phải được sự cho phép của bác sĩ chuyên khoa. 

Thứ hai, quá trình lấy sữa, tức là sữa khi vắt ra phải đảm bảo vệ sinh, an toàn. Các dụng cụ chuyên biệt đựng sữa như túi đựng sữa không chứa thành phần phụ gia gây hại và được chứng nhận bởi cơ quan chức năng.

Các dụng cụ chứa sữa cũng phải được tiệt trùng đúng cách để khử mọi loại vi khuẩn, vi rút, nấm.

Thứ ba, công đoạn lấy sữa phải đảm bảo dụng cụ vắt sữa phải được tiệt trùng, bầu vú mẹ phải tiệt trùng kỹ. Sữa mẹ sau khi vắt ra phải được bảo đảm an toàn ở nhiệt độ thích hợp.

Bảo quản sữa mẹ

Nếu sữa dùng trong vòng 2 tiếng sau khi vắt sữa thì có thể để ở ngăn mát tủ lạnh. Thời gian bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh tối đa không quá 6 tiếng.

Nếu sữa mẹ để vào ngăn đông đá tủ lạnh thì phải đảm bảo nhiệt độ – 18oC để đảm bảo không có vi khuẩn và vi nấm phát triển.

Sữa đang ở dạng đông đá chuyển sang dạng lỏng, ấm cho bé uống thì rã đông bịch nào cho uống trước bịch đó.

Quy trình làm ấm sữa không phải là nấu sôi mà nấu sữa ở nhiệt độ 63 – 65OC trong vòng 30 phút. Cách khác là nấu ở nhiệt độ cao (170oC) trong thời gian rất ngắn nhưng việc này chỉ có thể làm được với các máy công nghiệp.

Việc nuôi con bằng sữa mẹ luôn cần khuyến khích để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho bé nhưng nguồn sữa chia sẻ cần đảm bảo chất lượng, tránh nguy cơ cho chính các bé được nhận sữa.