Thuốc Trung Quốc 'làm từ thịt người’ được làm từ nhau thai

( VOH ) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, 'thuốc Trung Quốc làm từ thịt người’ được dư luận nhắc đến những ngày qua thực chất được làm từ nhau thai.

Theo báo anninhthudo.vn, chủ tịch Hội Đông y Việt Nam – Trần Văn Bản cho biết, "thuốc Trung Quốc làm từ thịt người" làm xôn xao dư luận thời gian qua không phải làm từ thịt người mà thực chất được làm từ nhau thai hay trong Đông y còn còn được gọi là tử hà sa.

Ông Bản phân tích, khi các cơ quan chức năng phát hiện trong thành phần thuốc có chứa ADN, tức có biểu hiện của nhân tế bào thì một số thông tin cho rằng đó ‘thuốc thịt người’. Tuy nhiên, có ADN có trong thuốc chưa có nghĩa là thuốc đó được làm từ thịt người mà có thể là thành phần có trong cơ thể người như lông, tóc, xương, móng…

Ông Bản cho rằng, việc nhiều người nói thuốc được làm từ thịt người như vậy là không chính xác về mặt ngôn ngữ y khoa. Đồng thời cũng khuyến cáo, người dân nên nắm rõ hơn các thông tin thực – hư về câu chuyện ‘thuốc thịt người’ đến tránh việc hoảng sợ, hoang mang và hiểu sai vấn đề.

thuoc-trung-quoc-lam-tu-thit-nguoi-duoc-lam-tu-nhau-thai-VOH

'Thuốc thịt người' thực chất được làm từ nhau thai (Nguồn: Internet)

Thực tế, cả Đông Y lẫn Tây đã từng sử dụng nhau thai để làm nguyên liệu, thành phần của thuốc và bài thuốc. Trong Đông y, nhau thai được gọi với tên tử hà sa, dùng để bồi bổ khí huyết và hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho người bị suy nhược cơ thể.

Còn với  Tây y, nhau thai được sử dụng để sản xuất thuốc Filatop nhưng do nguồn nguyên liệu không đủ đáp ứng nên các nhà khoa học đã chuyển sang sử dụng gan động vật. Nếu nhìn từ góc độ y học hiện đại, trong nhau thai có nhiều protein, carbohydrate, muối khoáng, vitamin, các yếu tố miễn dịch. Ngoài ra, nhau thai có khá nhiều hormone đặc biệt như nội tiết tố nữ, progesterone, steroid, gonadotropins, hormone vỏ thượng thận.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào chứng minh được nhau thai bổ dưỡng hơn các thực phẩm khác. Chưa kể việc sử dụng nhau thai làm thức ăn, làm thuốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là khi nhau thai có chứa bệnh truyền nhiễm. Nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người sử dụng.

Tại Việt Nam, Cục Quản lý Dược, Bộ y tế cũng đã có công văn gửi Sở Y tế 63 tỉnh thành, khẳng định không cho phép đăng ký, sản xuất, nhập khẩu và lưu hành các loại thuốc này tại Việt Nam.

Thuật ngữ 'thuốc thịt người' xuất hiện từ năm 2011, bắt đầu khi những chuyến hàng buôn lậu loại thuốc được cho là làm từ thịt người từ Trung Quốc sang Hàn Quốc bị thu giữ.

Giữa năm 2011, 1 trong 3 kênh truyền hình lớn nhất của Hàn Quốc đã phát một phóng sự có tên “Viên nang thịt người”, trong đó khẳng định những viên thuốc thần dược làm từ thịt người có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Tháng 5 - 2013, báo chí Hàn Quốc lại tiếp tục đưa tin cảnh sát nước này bắt giữ 1 người đàn ông Trung Quốc buôn lậu một loại thuốc có khả năng được làm từ thịt người.

Ngày 12 - 10 - 2018, có một bức thư được cho là của Cơ quan Tình báo Quốc gia Nigeria gửi cho Tổ chức tiêu chuẩn Quốc gia Nigeria, thông báo phía Hàn Quốc vừa thu giữ 2.751 viên thuốc Trung Quốc được sản xuất từ thai nhi, trẻ sơ sinh, thịt người chết.

Thuốc 'Trung Quốc làm từ thịt người’ không được cấp phép lưu hành ở Việt Nam : Thuốc 'Trung Quốc làm từ thịt người’ không được cấp phép lưu hành ở Việt Nam.