Trẻ bị co giật trong lúc ngủ và thức có sao không?

( VOH ) - Một số trường hợp trẻ em vừa sinh ra gặp phải tình trạng co giật xuất hiện liên tục hoặc thỉnh thoảng khiến cho nhiều mẹ rất lo lắng và không biết nên làm gì để bé thoát khỏi tình trạng này.

1. Trẻ bị co giật trong lúc ngủ và thức có sao không ?

1.1 Câu hỏi

Em vừa sinh em bé được 2 tháng, khi cháu vừa mới sinh ra đã có hiện tượng co giật tay chân. Em có đưa cháu đi đo điện não đồ tại BV Nhi Đồng TP thì kết quả đều bình thường nhưng khi về nhà cháu vẫn còn hiện tượng co giật. Khi thức hay khi ngủ cháu đều có hiện tượng này và thường thì cháu chỉ giật 2 tay và 1 chân, kéo dài lên tới bả vai.

Trong lúc mang thai và sinh nở em không gặp phải vấn đề nào bất thường. Vậy bác sĩ cho em hỏi, tình trạng bé co giật như thế thì có sao không và có cần phải làm gì không ạ?

1.2 Bác sĩ Đào Thị Yến Phi (Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng, Trường đại học Phạm Ngọc Thạch) tư vấn tình trạng trẻ co giật khi ngủ

Qua những thông tin chị vừa chia sẻ, tình trạng trẻ co giật khi ngủ và trong lúc thức như thế này thì không phải là hiện tượng co giật do hệ thần kinh bé chưa phát triển.

Thông thường, trẻ em khi vừa mới sinh ra thì mặc dù đã có hình dáng bên ngoài nhưng thực tế các cơ quan bên trong vẫn chưa được phát triển hoàn thiện. Đặc biệt là hệ thần kinh, các cơ quan thần kinh sẽ còn tiếp tục phát triển trong vòng từ 2 – 3 năm và khi bé được 6 tuổi mới được xem là hoàn tất.

Chính vì thế, ở giai đoạn sơ sinh, trẻ thường rất dễ xảy ra hiện tượng co giật cục bộ ở những vị trí như các bắp tay ở lòng bàn tay, bàn chân, cánh tay... và những triệu chứng này thường xuất hiện rõ nhất vào lúc trẻ đang ngủ, nhưng khi trẻ thức thì ít xuất hiện hơn.

Với trường hợp bé nhà chị thì tình trạng co giật lớn hơn, đã lan rộng lên vùng vai, đùi và xuất hiện nhiều lần ngay cả lúc bé thức thì có thể đây là một dấu hiệu cho thấy có điều gì đó bất thường ở trẻ.

tre-bi-co-giat-trong-luc-ngu-va-thuc-co-sao-khong-voh-0

Trẻ sơ sinh bị co giật thường xuyên liệu có sao không? (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, như chị có chia sẻ, chị đã đưa bé đi đo điện não đồ ở bệnh viện và kết quả là bình thường, thì tạm thời chị cần quan sát thêm những biểu hiện của con. Nếu như bé vẫn đang bú tốt bình thường, tăng cân bình thường, tiếp xúc bình thường với người lớn (biết cười, biết nghe tiếng động, biết nhìn ánh sáng) thì chị không cần phải can thiệp bất cứ biện pháp nào.

Trong thời gian theo dõi bé, chị cần đưa bé đi đo điện não đồ vài lần. Bởi vì, có những lúc bé ngủ sâu điện não đồ đo được là bình thường. Tuy nhiên, trong lần đo tiếp theo ở một giấc ngủ khác của trẻ điện não đồ lại phát hiện ra được những sóng bất thường.

Cuối cùng, qua những gì chị vừa chia sẻ và cung cấp thông tin thì hiện chúng ta vẫn chưa nhận thấy được bệnh lý nào có thể gây ra tình trạng trẻ co giật đáng nguy hiểm.

2. Nguyên nhân trẻ bị co giật trong lúc ngủ

Những nguyên nhân khiến trẻ em bị co giật trong lúc ngủ mà phụ huynh nên biết rõ:

2.1 Sốt cao co giật ở trẻ em

Khi cơ thể trẻ em có dấu hiệu sốt cao hơn 39 độ hoặc lên đến 40 độ thì sẽ xuất hiện các cơn co giật toàn thân ở trẻ. Tình trạng này rất nguy hiểm vì khi sốt cao sẽ làm cơ thể tăng huyết áp, nhịp tim, mặt mũi tím tái, sủi bọt mẹt và có thể mất ý thức. Trường hợp này nên dẫn đi khám bác sĩ và điều trị ngay lập tức nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

tre-bi-co-giat-trong-luc-ngu-va-thuc-co-sao-khong-voh-1
Trẻ bị sốt cao co giật

2.2 Co giật trong lúc ngủ và thức do động kinh

Động kinh là 1 căn bệnh phổ biển ở những trẻ dưới 10 tuổi, thường những bé trai sẽ bị nhiều hơn là bé gái. Nếu phát hiện sớm thì cần phải dẫn trẻ đi khám và điều trị ngay để không ảnh hưởng đến sức khỏe bé sau này.

2.3 Chấn thương vùng đầu

Tình trạng trẻ bị co giật tay chân trong lúc ngủ có thể là do vùng đầu bị chấn thương nên ảnh hưởng đến não bộ. Thường các chấn thương này có thể thể xảy ra trong lúc mang thai hoặc sau khi sinh, tùy vào mức độ chấn thương thì bé co giật nặng hay nhẹ.

Ngoài ra còn do các yếu tố bên ngoài như nhiễm virus các bệnh viêm màng não, viêm não.

2.4 Tăng động

Một trong những nguyên nhân khiến trẻ bi co giật có thể do chứng tăng động, vì khi bị tăng động thì trong lúc ngủ hoặc thức thì chân và tay thường run giật làm cho bé ngủ không yên giấc, khó ngủ.

2.5 Rối loạn huyết áp

Việt huyết áp không ổn định, tụt huyết áp nhanh sẽ làm thiếu hụt oxy trong cơ thể bé, làm trẻ bị co giật và có thể dẫn đến đột quỵ

2.6 Ngộ độc thực phẩm

Ở từng mức độ của ngộ độc thực phẩm thì bé sẽ xuất hiện các triệu chứng như sủi bọt mét, trợn mắt, co giật, rối loạn hoạt động thần kinh.

2.7 Đường huyết thấp

Đối với trẻ bị gầy, suy dinh dưỡng thì dễ có tình trạng đường huyết trong máu thấp và làm gia tăng nguy cơ cao mắc chứng co giật trong lúc ngủ.

3. Những tình trạng trẻ bị co giật trong lúc ngủ

Để hiểu rõ hơn tình trạng trẻ bị co giật trong lúc ngủ thì phụ huynh cần chú ý những biểu hiện co giật sau để có thể biết được tình trạng của bé hay nguyên nhân trẻ bị co giật:

  • Co giật toàn thân: Đây được xem là 1 trong những triệu chứng co giật nguy hiểm nhất ở trẻ vì nó xuất hiện ở toàn cơ thể. Những cơn co giật toàn thân thường có mức độ co giật mạnh, có thể sủi bọt mét, trợn mắt và bị mất ý thức, không thể kiểm soát hành vi của bản thân.
  • Co giật nửa người: nguyên nhân trẻ bị co giật nửa bên người có thể là do chấn thương vùng não. Tình trạng co giật nửa người chỉ là các cơn cơ thắt nhẹ nên không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động thường ngày của bé. Nhưng khi bị lên cơn co giật thì bé sẽ có biểu hiện không thể cầm nắm được đồ vật và đi lại loạng choạng.
  • Co giật một phần hay nhóm cơ: khác với những biểu hiện trên thì tình trạng khá nhẹ chỉ có giật vài nhóm cơ trên cơ thể như mí mắt, tay, chân, miệng, mặt,....Khi bị tình trạng này thì sẽ không ảnh hưởng gì đến giấc ngủ của bé.
tre-bi-co-giat-trong-luc-ngu-va-thuc-co-sao-khong-voh-2
Tình trạng trẻ bị co giật trong lúc ngủ

4. Co giật trong lúc ngủ có nguy hiểm không?

Đa phần tình trạng trẻ bị co giật là khi bé dưới 6 tháng tuổi và thường ở mức độ bị co giật nhóm cơ hoặc 1 phần của cơ thể là lành tính. Còn nếu bị co giật toàn thân thì sẽ phần nào gây nguy hiểm đối với sức khỏe của bé và lúc này cần phải đi khám, chữa trị kịp thời.

Nhưng cho dù ở mức độ nào thì khi bé có biểu hiện co giật trong lúc ngủ thì phụ huynh cũng nên dẫn bé đi khám để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Chính vì thế, lời khuyên dành cho chị là nên tiếp tục theo dõi con và tiếp tục nuôi bé như bình thường. Nếu có phát hiện thêm bất cứ một điểm bất thường nào khác hãy đưa bé đi gặp bác sĩ để được thăm khám rõ hơn chị nhé!

Bạn có thể nghe lại toàn bộ chia sẻ của bác sĩ  Đào Thị Yến Phi tại audio bên dưới:

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-1
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái