Sau khi trứng rụng sống được bao lâu trong cơ thể?

(VOH) - Tương ứng với chu kỳ kinh nguyệt, mỗi tháng sẽ có một trứng rụng và nếu biết trứng sống được bao lâu trong tử cung phụ nữ sẽ giúp tăng cơ hội mang thai cho những ai mong muốn có con.

Ai cũng biết thời gian dễ đậu thai nhất hàng tháng của mỗi người phụ nữ là vào khoảng thời gian rụng trứng. Đó là lý do vì sao các cặp vợ chồng thường cố gắng thụ thai hoặc sử dụng que thử rụng trứng để biết chính xác ngày trứng rụng nhằm tăng cao cơ hội có thai.

Tuy nhiên, không phải cứ canh đúng ngày rụng trứng là có thể thụ thai thành công. Bởi ngoài thời điểm rụng trứng thì việc biết được sau khi trứng rụng sống được bao lâu cũng rất quan trọng vì có thể quyết định đến khả năng thụ thai của người phụ nữ.

1. Sau khi trứng rụng sống được bao lâu trong cơ thể ?

Ngay từ khi ra đời, phụ nữ đã sở hữu một lượng trứng nhất định. Ước tính trung bình mỗi phụ nữ có khoảng 1 – 2 triệu chứng non hoặc nang trứng nằm trong buồng trứng khi vừa sinh ra đời nhưng đến khi cơ thể bạn xuất hiện kinh nguyệt và bắt đầu vòng kinh thì lúc đó bạn chỉ còn khoảng 400 – 500 nang trứng.

Mỗi tháng, cơ thể sẽ nuôi lớn một nang trứng. Gần đến thời điểm rụng trứng, cơ thể sẽ sản xuất hormone estrogen để làm dày lớp niêm mạc tử cung, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho tinh trùng xâm nhập. Bên cạnh đó, nồng độ estrogen tăng cao cũng giúp gia tăng hormone LH, kích thích trứng chín và rụng trong vòng 24 – 36 giờ sau đó. Chu trình này lặp lại mỗi tháng và được gọi là quá trình rụng trứng.

trung-rung-song-duoc-bao-lau-trong-co-the-voh

Sau khi trứng rụng cần được thụ tinh trong vòng 24 giờ tiếp theo (Nguồn: Internet)

Sau khi được giải phóng trứng cần được thụ tinh ngay trong vòng 24 giờ tiếp theo. Nếu quá trình thụ tinh không xảy ra thì trứng sẽ tự ‘chết’ đi và chu kỳ kinh nguyệt sẽ xuất hiện khoảng 2 tuần sau đó.

Trong hầu hết các trường hợp, khi chu kỳ kinh nguyệt xuất hiện đồng nghĩa với việc phụ nữ không thụ thai. Chỉ một số ít trường hợp đã có thai nhưng vẫn xuất hiện triệu chứng giống hành kinh nhưng lượng máu ít và kéo dài 1 – 2 ngày, gọi là máu báo thai hoặc những trường hợp bị rối loạn hormone, dù quá trình rụng trứng không xảy ra nhưng chị em vẫn có chu kỳ kinh nguyệt.

2. Cách nhận biết dấu hiệu rụng trứng

Phụ nữ có thể nhận thấy được những dấu hiệu của sự rụng trứng thông qua những biểu hiện của cơ thể như:

  • Thay đổi dịch tử cung: Dịch cổ tử cung có thể xuất hiện rõ ràng, ẩm ướt, co giãn, hoặc kéo sợi và có màu giống như lòng trắng trứng.
  • Thay đổi thân nhiệt: Một số chị em phụ nữ sẽ cảm nhận được thân nhiệt của cơ thể tăng nhẹ. Một số khác sẽ thay đổi nhiệt độ sau khi quá trình rụng trứng đi qua 2 – 3 ngày.
  • Nhu cầu ‘chuyện ấy’ tăng lên: Lý do là vì trong khoảng thời gian này lượng estrogen trong cơ thể phụ nữ tăng lên làm chi phối tâm trạng, cảm xúc. Cảm xúc có thể được kéo dài trong khoảng 1 tuần.
  • Ngực hơi căng cứng: Cảm giác ngực hơi to và căng lên, đôi lúc lại thấy hơi đau nhức. Nguyên nhân là do nồng độ hormone progesterone trong cơ thể tăng lên trong quá trình trứng rụng để chuẩn bị cho việc mang thai.

3. Cách tính chu kỳ rụng trứng để dễ thụ thai

Vì thời gian trứng rụng và sống trong tử cung rất ngắn, khoảng 12 – 24 giờ sau khi được phóng noãn nên nhiều người cho rằng, thời điểm dễ thụ thai nhất là vào ngày rụng trứng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cơ hội thụ thai của phụ nữ sẽ cao hơn nếu có quan hệ trước thời điểm rụng trứng 3 – 5 ngày. Nguyên nhân là do tinh trùng có khả năng sống lâu hơn trứng khoảng 3 – 5 ngày, lúc trứng rụng nếu đã có tinh trùng chờ sẵn thì cơ hội đậu thai sẽ cao hơn.

trung-rung-song-duoc-bao-lau-trong-co-the-1-voh

Dựa vào ngày trứng rụng 'quan hệ vợ chồng' để tăng cơ hội mang thai (Nguồn: Internet)

Chu kỳ kinh nguyệt của mỗi người thường kéo dài trong khoảng từ 28 – 32 ngày, một số trường hợp kéo dài 32 – 35 ngày. Với những người có chu kỳ 28 ngày thì ngày rụng trứng sẽ rơi vào ngày 14 của chu kỳ, tuy nhiên, thời gian này không cố định. Sự rụng trứng có thể diễn ra chậm hơn, giao động từ ngày 14 đến ngày 17 của chu kỳ.

Ngay cả với cùng một người, thời gian rụng trứng cũng có thể thay đổi khác nhau theo từng tháng. Đó là lý do vì sao các bác sĩ thường nói phương pháp tránh thai bằng cách tính chu kỳ kinh nguyệt thường có rủi ro cao.

4. Những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng trứng

Nếu muốn mang thai nhanh, ngoài việc biết được thời gian trứng sống được bao nhiêu lâu sau khi rụng thì chị em còn cần phải quan tâm đến chất lượng của trứng. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của trứng như:

  • Tuổi tác: Tuổi càng cao thì chất lượng trứng càng giảm, những phụ nữ có độ tuổi từ 21 - 29 tuổi có chất lượng tốt hơn những người phụ nữ ngoài 35 tuổi.
  • Bệnh phụ khoa: Phụ nữ bị tắc nghẽn ống dẫn trứng, lạc nội mạc tử cung, viêm nhiễm âm đạo... đều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trứng.
  • Thói quen không lành mạnh: Hút thuốc, uống rượu bia... sẽ ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, ngăn không cho trứng rụng bình thường. Thức khuya và ăn uống thiếu chất cũng sẽ ảnh hưởng đến hormone và chất lượng trứng.
  • Nạo, phá thai: Mỗi lần nạo phá thai sẽ làm giảm khả năng thụ thai từ 5 – 10%. Ngoài ra còn gây viêm nhiễm hoặc tắc nghẽn ống dẫn trứng.
  • Yếu tố di truyền: Một số bệnh di truyền làm ảnh hưởng đến nhiễm sắc thể trong trứng từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng của trứng.

Như vậy, ngoài việc tính chu kỳ rụng trứng và thời gian trứng sống trong tử cung thì chị em cũng cần phải quan tâm đến chất lượng trứng để tăng khả năng thụ thai trong tương lai gần.

Còn nếu đang muốn tránh thai thì những thông tin này sẽ giúp chị em có thể tránh ‘quan hệ vợ chồng’ hoặc sử dụng các phương pháp ngừa thai khác trong những ngày này để không phải mang thai ngoài ý muốn.