Viêm khớp gối: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Giới trẻ hiện nay thường rất chủ quan với bệnh viêm khớp gối vì cho rằng đây là căn bệnh của người già. Tuy nhiên, bệnh viêm khớp gối là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, chủ yếu là người trưởng thành.

1. Bệnh viêm khớp gối là gì?

Viêm khớp gối hay đau khớp gối chân là tình trạng liên quan đến cơn đau xảy ra ở trong và xung quanh khớp gối. Đó là tình trạng phần xương sụn trơn bị mòn đi, trở nên xù xì và thô ráp. Khi đó, các khớp xương sẽ cọ xát vào nhau chặt hơn, ma sát nhiều, việc hấp thụ các chấn động ở sụn khớp giảm đi, gây đau và vận động khó khăn cho người bệnh.

Viêm khớp gối có thể gây ra bởi những vấn đề ở chính khớp gối hoặc ảnh hưởng từ mô, dây chằng, gân, túi hoạt dịch bao quanh đầu gối.

viem-khop-goi-trieu-chung-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-voh-1

Viêm khớp gối có thể gặp ở nhiều lứa tuổi (Nguồn: Internet)

2. Nguyên nhân gây viêm khớp gối

Nguyên nhân gây đau khớp gối rất đa dạng, có thể do tuổi tác cao, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng gây thoái hóa khớp gối. Hoặc viêm khớp gối do chấn thương như giãn, rách dây chằng, viêm gân bánh chè, rách sụn,…

Bên cạnh đó, tình trạng béo phì làm cho khớp gối luôn bị đè nặng với trọng lực của cơ thể cũng có thể dẫn đến tình trạng viêm khớp gối.

Ngoài ra, nguyên nhân gây viêm đau khớp gối còn do:

  • Viêm bao hoạt dịch.
  • Hội chứng dải chậu chày.
  • Rối loạn mô liên kết như lupus.
  • Nhiễm trùng ở khớp.
  • Căng hoặc bong gân.

Nguyên nhân ít phổ biến hơn là do các khối u xương gây viêm đau khớp gối.

3. Triệu chứng viêm khớp gối

Ngoài cảm giác đau, nhưng triệu chứng của viêm khớp gối còn bao gồm:

3.1 Sưng, nóng khớp

Sự hình thành của các chồi xương và dịch có thể gây viêm theo chu kỳ. Vùng da ở đầu gối có thể sưng đỏ và nóng. Hiện tượng sưng báo hiệu cho việc không hoạt động trong thời gian dài như nghỉ ngơi hay ngủ quá lâu.

3.2 Cứng khớp

Hiện tượng cứng khớp gối có thể kéo dài từ 10 – 30 phút, người bệnh phải dùng tay xoa bóp mới có thể di chuyển được.

3.3 Tiếng rệu rạo trong khớp

Phần sụn và liên kết với các mô khác lỏng lẻo hơn, làm ảnh hưởng tới chuyển động bình thường của khớp. Khi di chuyển, đầu gối có thể tạo ra các tiếng kêu rệu rạo.

3.4 Biến dạng gối

Khi các cơ xung quanh đầu gối bắt đầu biến mất, đầu gối có thể bị biến dạng, hóp vào trong.

Khi phát hiện những triệu chứng này, bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám kiểm tra nhằm có biện pháp điều trị thích hợp và kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

4. Viêm khớp gối nguy hiểm như thế nào?

Viêm khớp gối dù là nguyên nhân gì cũng có thể để lại di chứng như đau dai dẳng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động, sinh hoạt của người bệnh.

Nếu không phát hiện và điều trị sớm, viêm khớp gối có thể gây ra các biến chứng như:

  • Giảm dần hoặc mất chức năng vận động thông thường.
  • Teo cơ, biến dạng khớp, dính khớp.
  • Tàn phế, bại liệt.
  • Thấp khớp cấp, làm tổn thương van tim, gây nên các bệnh về tim.

5. Chữa viêm khớp gối

Khi bị viêm khớp gối, người bệnh có thể điều trị bằng những phương pháp sau đây:

  • Chườm đá để giảm đau, có thể thực hiện 4 lần trong ngày.
  • Nghỉ ngơi và tránh các hoạt động làm cho cơn đau tồi tệ thêm.
  • Nâng chân càng cao càng tốt để giảm sưng.
  • Uống thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs). Loại thuốc này có thể gây ra các vấn đề về dạ dày, do đó người bệnh nên uống sau bữa ăn. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.

Nếu viêm khớp gối tồn tại dai dẳng hoặc tệ hơn dù đã điều trị, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật bao gồm:

  • Nội soi khớp để sửa chữa tổn thương.
  • Thay khớp gối toàn phần.
  • Thay khớp gối bán phần.

Sau khi các triệu chứng đã biến mất, các hoạt động có thể được khởi động lại từ từ, người bệnh bắt đầu với các hoạt động như đi bộ hoặc đi xe đạp.

6. Lời khuyên

Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa khớp, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý như:

viem-khop-goi-trieu-chung-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-voh-2

Người bị viêm khớp gối nên hạn chế ăn nhiều muối (Nguồn: Internet)

  • Tránh ăn quá mặn (bởi muối có thể gây tích nước và phù gây áp lực lên khớp gối).
  • Bia rượu và các chất kích thích thường gây co cứng cơ khớp gối nên cần hạn chế sử dụng.
  • Nên có một chế độ ăn đầy đủ canxi (tôm cua, cá nhỏ để ăn cả xương), ăn nhiều rau xanh nhất là các loại rau có màu xanh đậm, ăn nhiều hoa quả tươi.
  • Không ăn nhiều rau củ họ cà trong giai đoạn bị viêm khớp gối.

Ngoài ra, người bệnh nên thường xuyên vận động cơ thể nhẹ nhàng (tùy theo sức của mình), hạn chế lên xuống cầu thang, chạy, nhảy và tránh ngồi lâu một chỗ, tránh ngồi xổm để hạn chế những tổn thương đến khớp gối.