Đến lúc nước Mỹ cần một phong cách ngoại giao mới?

VOH – Với vô số bất ổn trên toàn cầu hiện nay, liệu đến lúc nước Mỹ cần 1 chiến lược ngoại giao mới để giải quyết?

Giai đoạn đầu của nền ngoại giao Hoa Kỳ, nổi lên từ thế kỷ 19, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc châu Âu. Tất cả coi đại sứ và đại diện nguyên thủ quốc gia, là chính thức của quan hệ song phương.

Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Trung Đông - Ảnh: Al Jazeera
Một phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Trung Đông - Ảnh: Al Jazeera

Giai đoạn hai bắt đầu sau đệ nhị thế chiến, với việc hình thành các cơ quan đa phương do Hoa Kỳ lãnh đạo. Điều này nghĩa là, mỗi quốc gia phải tiến hành đàm phán giữa họ và thông qua cơ quan mới, được thành lập để thể hiện ý chí tập thể, nhằm duy trì hòa bình - an ninh trên toàn cầu.

Giai đoạn thứ hai cũng ra đời các tổ chức như Liên Hợp Quốc, G7, G20, phong trào không liên kết và BRIC. Tất cả đã khẳng định vai trò mới của các nhóm toàn cầu.

Những tổ chức này chủ yếu hoạt động thông qua các nhà ngoại giao hoặc đại diện chính phủ. Vai trò của các nhà ngoại giao rất cần thiết, cần được đánh giá và cung cấp nguồn lực phù hợp. Nói như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, nếu không có ngoại giao, các nước phải mua thêm đạn dược.

Giai đoạn 3 ngày nay, các vấn đề thế giới gặp phải trải dài trên nhiều lĩnh vực, như khủng hoảng khí hậu, dịch bệnh, chủ nghĩa cực đoan, phân cực về chính trị, cạnh tranh trên không gian - dưới đại dương, rồi hàng loạt thách thức trong thương mại quốc tế. Do đó, tất cả đang chứng kiến những động thái hướng tới một cấu trúc ngoại giao cởi mở hơn. Nếu các nước chọn 1 mình hoặc 1 phe, dù mạnh đến đâu, cũng không giải quyết được.

Trong ngoại giao truyền thống, giai đoạn 1 như bánh xe. Các đại sứ ở trung tâm có đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn, để giải quyết những khó khăn song phương, chủ yếu thông qua đàm phán.

Hiện nay, cách tiếp cận phi tập trung mới đang nổi lên. Các nhà ngoại giao hình dung lại trung tâm bánh xe, với sự tham gia của liên minh và những mạng lưới mới, để tập trung giải quyết thách thức.

Tác nhân chính tham gia vào quá trình này, bao gồm khu vực tư nhân; chủ thể địa phương như thống đốc và thị trưởng; nhà khoa học và chuyên gia công nghệ; thậm chí các lãnh đạo văn hóa, doanh nhân và cá nhân có chung mối quan tâm.

Giới lãnh đạo chính trị ở Washington cần nhận ra rằng, họ phải trao quyền cho những chủ thể mới này, để hỗ trợ nỗ lực và sáng kiến của Hoa Kỳ, đồng thời cho phép họ hành động độc lập, nhằm thúc đẩy nền ngoại giao bền vững và hợp tác quốc tế ổn định.

Cách tiếp cận trên cũng giúp duy trì sự tham gia và vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trên thế giới. Điều này rất quan trọng, không chỉ vì nhiều thách thức mang tính xuyên quốc gia, mà còn vì sự không liên tục về chiến lược của Hoa Kỳ trong đối ngoại. Lần lượt chính quyền đến rồi đi, các đại biểu được bầu rồi xuống. Nhiều người trong số họ chưa có kinh nghiệm quốc tế, nên ủng hộ chủ nghĩa dân tộc hoặc chủ nghĩa bảo hộ.

Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đang bị ảnh hưởng bởi quan điểm đảng phái, đã tác động đến chính sách trong và ngoài nước. Điều này làm xói mòn niềm tin của đối tác và sự tự tin trong việc ra quyết định của các nhà ngoại giao. Đồng minh và đối thủ đang chờ đợi những thay đổi trong chính sách của Mỹ, và khai thác điểm yếu về tầm nhìn cũng như quy trình quản trị nhà nước.

Các lãnh đạo khu vực tư nhân và quan chức địa phương, như thống đốc và thị trưởng, những người được giao nhiệm vụ giải quyết vấn đề kinh tế hoặc phát triển thị trường thương mại, cũng có thể là trụ cột của sự liên tục trong chính sách, khi giông bão chính trị ập tới. Điều này phần nào đúng cả với nhà khoa học và doanh nhân.

Quan trọng, Hoa Kỳ nên duy trì vị thế lãnh đạo của mình trên thế giới, không chỉ vì “American first”, mà bởi lợi ích kinh tế và an ninh trong tương lai.

Sẽ sai lầm khi tin rằng, có một quyết định đúng - sai trong việc ưu tiên quyền lợi của nước Mỹ hay bảo vệ luật pháp quốc tế.

Nước Mỹ không hoàn hảo. Tuy nhiên, như Thủ tướng Winston Churchill đã nói về các nền dân chủ, mô hình của nước Mỹ liên tục phát triển bằng cách sửa chữa sai sót, cải thiện công bằng xã hội, tạo ra cơ hội kinh tế, cũng như giảm tình trạng bất bình đẳng.

Trong bối cảnh hiện nay, nước Mỹ nên đẩy nhanh sự phát triển của hình thái ngoại giao cởi mở, bằng cách trang bị kỹ năng và khả năng, để giới ngoại giao hoạt động hiệu quả trên trường quốc tế, nhất là trong việc xử lý các vấn đề gai góc. Ví dụ xung đột tại Trung Đông, nước Mỹ phải làm việc với những tổ chức phi nhà nước, như Houthi ở Yemen, Hezbollah ở Li-băng, PMF ở Iraq hay Hamas ở Palestine. Ngoại giao truyền thống khó giải quyết vấn đề. Ngoại giao bom đạn lại càng khó giải quyết hơn. Thực tế 6 tháng qua đã chứng minh điều đó. Yêu cầu đặt ra, nên có sự linh động, cởi mở và tìm hiểu sâu sắc về đối phương, với sự tham gia của nhiều thành phần vào công tác đối ngoại.

Nếu làm được điều này, nước Mỹ sẽ tạo ra hiệu ứng cộng thêm cho sức mạnh ngoại giao. Quan trọng nhất, xứ cờ hoa nên thực hiện với tư cách một quốc gia đoàn kết.