Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Quốc: Khó có đột phá

VOH - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bắt đầu chuyến công du Trung Quốc đầu tiên trong năm nay, trong bối cảnh quan hệ hai nước vẫn tồn tại nhiều khúc mắc và bất đồng chưa thể giải quyết.

Ngày 24/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Thượng Hải, bắt đầu chuyến công du kéo dài 3 ngày ở Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ hai nước vẫn tồn tại nhiều khúc mắc và bất đồng chưa thể giải quyết.

Đây là chuyến công du Trung Quốc đầu tiên trong năm nay của Ngoại trưởng Mỹ Blinken. Lần gần nhất ông đến thăm Trung Quốc và có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình là vào tháng 6/2023.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, các chủ đề mà Ngoại trưởng Blinken sẽ thảo luận ngoài về quan hệ song phương còn có cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, tình hình chiến sự Nga - Ukraine, các vấn đề liên quan Eo biển Đài Loan (Trung Quốc) và Biển Đông.

Theo đó, ông Blinken sẽ có cuộc họp với lãnh đạo các doanh nghiệp Mỹ ở Thượng Hải, sau đó sẽ đến Bắc Kinh vào ngày 26/4 để hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và hội kiến Chủ tịch Tập Cận Bình. 

Chuyến thăm của ông Blinken là hoạt động trao đổi cấp cao mới nhất giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới. Cùng với việc từng bước giải quyết các khúc mắc ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu và nối lại các kênh liên lạc quân sự, quan hệ giữa hai nước được xem là đã bớt gay gắt hơn kể từ khi bị kéo xuống mức thấp kỷ lục hồi đầu năm ngoái. 

Mặc dù vậy, con đường cải thiện quan hệ Mỹ - Trung vẫn còn nhiều gập ghềnh. Bắc Kinh và Washington vẫn chưa đạt được thỏa thuận trong việc hạn chế nguồn cung sản xuất fentanyl - một loại thuốc giảm đau có thể gây nghiện mạnh gấp 50 lần so với heroin; đảo Đài Loan (Trung Quốc) vẫn là điểm nóng và sự hậu thuẫn của Trung Quốc dành cho Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine vẫn là những khúc mắc chưa được giải quyết trong quan hệ giữa hai nước. 

240424-Antony-Blinken
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vẫy tay chào khi chuẩn bị vào máy bay lên đường sang Trung Quốc. Ảnh chụp tại căn cứ không quân Andrews, bang Maryland, ngày 23/4/2024 - Ảnh: Reuters

Liên quan đến việc Trung Quốc hỗ trợ Nga trong xung đột ở Ukraine, cho đến nay Mỹ vẫn chưa có kế hoạch thực thi các lệnh trừng phạt các ngân hàng lớn của Trung Quốc, dù trước đó đã có các cuộc thảo luận sơ bộ về việc này. Theo các nhà phân tích, động thái này được xem là “lựa chọn mang tính cốt lõi” của Washington khi lường trước những tác động mà nó có thể gây ra đối với nền kinh tế toàn cầu và đối với quan hệ hai nước. 

Trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, ông Blinken cũng sẽ tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc nhằm giảm căng thẳng ở Trung Đông trong bối cảnh các cuộc tấn công đáp trả qua lại giữa Israel và Iran. Ông Blinken cho biết: "Chúng tôi bày tỏ sự quan tâm đến việc Trung Quốc sử dụng bất kỳ kênh ảnh hưởng nào mà nước này có để cố gắng thuyết phục các bên phải kiềm chế, bao gồm cả Iran.”

Ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ thảo luận về các vấn đề chính mà lãnh đạo hai nước đã nhất trí trong cuộc gặp thượng đỉnh năm ngoái, gồm hợp tác chống ma túy, liên lạc giữa quân đội hai nước, trí tuệ nhân tạo, tăng cường quan hệ nhân dân và nhắc lại tầm quan trọng của việc hai nước quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm ngay cả trong các lĩnh vực hai nước còn bất đồng. 

Về phía Trung Quốc, Tân Hoa Xã dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao nước này cho biết quan hệ Mỹ - Trung đang có “xu hướng ổn định, ngừng sụt giảm” kể từ cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 11 năm ngoái ở San Francisco.

Tuy nhiên, quan chức này cũng chỉ trích điều mà họ gọi là chiến lược “ngoan cố” của Washington trong việc kiềm chế sự ảnh hưởng của Bắc Kinh, và “những động thái can thiệp vào công việc nội bộ, làm sụt giảm hình ảnh và suy yếu lợi ích của Trung Quốc”.

Phó Giáo sư Alfred Wu thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) nhận định mặc dù chuyến thăm của ông Blinken khó có thể đạt được tiến triển đáng kể, song cả hai nước đều mong muốn cởi mở trong liên lạc “để tránh những tình huống khó xử”.