Cánh đồng mẫu lớn: Nâng tầm giá trị hạt gạo nước nhà

(VOH) - Lúa là cây quan trọng nhất của Việt Nam, diện tích đất lúa chiếm 44% đất nông nghiệp, 80% nông dân là những người trồng lúa; 100% người dân trong cả nước từ thành thị đến nông thôn, từ người thu nhập thấp đến thu nhập cao cũng đều ăn gạo hàng ngày. Chính vì tầm quan trọng trên, thời gian qua Chính phủ luôn xem lúa gạo là nhiệm vụ trung tâm của phát triển nông nghiệp nông thôn, từ đó có những chính sách đầu tư đáng kể cho lúa gạo. Trong đó có mô hình Cánh đồng mẫu lớn.


Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn- Ảnh: Internet.

Năm qua, ngành nông nghiệp đánh dấu một bước phát triển mới với nhiều thành công trên cả mong đợi. Đáng chú ý là cây lúa đã đánh dấu một bước nhảy vọt với thành tích xuất khẩu vượt trên 8 triệu tấn gạo, vươn lên dẫn đầu thế giới. Một điểm đáng ghi nhận là không chỉ nâng cao năng suất, số lượng xuất khẩu mà hạt gạo nước ta đã không ngừng nâng cao chất lượng để chinh phục những thị trường khó tính chẳng hạn như Nhật Bản. Kết quả trên có được mỹ mãn chính là nhờ vào việc thực hiện tốt chủ trương của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn về xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Sau 2 năm phát động, cánh đồng mẫu lớn không ngừng tăng lên về diện tích, riêng ĐBSCL đã đạt gần 100.000 hécta qua 4 vụ sản xuất. Phó giáo sư- Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt khẳng định hướng đi tất yếu của mô hình này: Hiện nay thì sản xuất đòi hỏi chúng ta phát triển cánh đồng mẫu lớn như là hướng đi tất yếu. Qua cánh đồng mẫu lớn tất cả bà con sẽ được liên kết lại và sẽ được hỗ trợ và thu nhập của bà con được cao hơn. Qua 4 vụ, riêng ĐBSCL đã đạt 76.000 hécta cho thấy hướng đi của cánh đồng mẫu lớn là hướng đi tốt và người nông dân tham gia tích cực, cơ giới hóa nông nghiệp và nâng cao giá trị lúa gạo ngày càng tốt hơn, đặc biệt là xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo nếu có cánh đồng mẫu lớn 1 giống như ST, Jasmin,...thì từng bước các vùng nguyên liệu phát triển mạnh mẽ, sẽ đáp ứng nhu cầu của xuất khẩu".

Điển hình và tiên phong mà chúng ta ai cũng biết đến, đó là mô hình cánh đồng mẫu lớn ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Những ngày đầu xuân, cùng ngồi nhâm nhi bên ly trà nóng với nhà nông ở đây, chúng tôi cảm nhận họ đã thật sự đổi đời. Nhà nông Nguyễn Văn Tắc ở xã Vĩnh Bình phấn khởi nói: "Được tham gia cánh đồng mẫu lớn có thể những nông dân cùng cánh đồng mẫu cùng suy nghĩ và phải nói cánh đồng mẫu thật tuyệt vời , bước đột phá để nâng cao giá trị lúa gạo Việt Nam. Và cũng là chiến lược để nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo bền vững. Cái bước kế tiếp nữa là công nghệ sau thu hoạch, công ty hỗ trợ bao bì bốc xếp, vận chuyển về nhà máy, rồi sấy miễn phí với công nghệ sấy hiện đại để bảo vệ lúa được lâu dài".
Đồng tình với lợi ích này, anh Trần Văn Hoàng ở xã Thạnh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh vui vẻ nói: "Cánh đồng mẫu rất thuận lợi, được nhà nước quan tâm hỗ trợ lúa giống 40%, cái thứ hai được phối hợp công ty hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, cán bộ nông nghiệp xuống trực tiếp hướng dẫn bà con chăm sóc ruộng lúa đạt hiệu quả. Qua chăm sóc lúa đạt hiệu quả thì năng suất đạt vượt trội hơn những năm chưa tham gia cánh đồng mẫu".

Ngoài việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ toàn bộ phân, thuốc cho cả vụ mà không tính lãi, trên những cánh đồng, ngày ngày có kỹ sư nông nghiệp xuống hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh…tất cả quy trình được ghi chép sổ sách rõ ràng thì đến khi thu hoạch, nhà nông còn được hỗ trợ bao đựng lúa, phương tiện vận chuyển, sấy lúa miễn phí, tạm trữ và thu mua sản phẩm theo giá thị trường nên nhiều nhà nông cho rằng vị thế của người nông dân đã thay "đổi kèo". Nhà nông Nguyễn Văn Nhạt ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang hớn hở cho biết: "Bà con nông dân tham gia trong vùng nguyên liệu hiện nay thay "đổi kèo", nông dân đã nằm "kèo trên", quyết định bán lúa, thời điểm bán, quyết định giá. Cái nữa góp phần giảm chi phí phơi, sấy, công lao động, lợi nhuận tăng thêm 2 triệu, tận dụng sân phơi lúa trồng cỏ nuôi bò mang lơi nhuận mỗi năm bốn lăm đến năm chục triệu đồng".

Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, tại xã Vĩnh Bình, mỗi năm, bà con sản xuất 3 vụ lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn và đạt mức lợi nhuận lên gần 80 triệu đồng/hécta. Một số tiền mà theo bà con là trong mơ đối với người làm lúa. Ông Phan Văn Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành, tỉnh An Giang đánh giá: "Chúng tôi khẳng định mô hình này thành công, mang lại nhiều kết quả cho phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân. Giải quyết được bài toán đầu ra cho nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ lúa của nhà nông. Thứ 2 tham gia của mô hình này, lúa của người dân luôn luôn tăng năng suất vì sản xuất đúng qui trình, giảm chi phí, thu nhập tăng lên, kiến thức chăm sóc lúa, canh tác lúa chất lượng cao, lúa đặc sản nâng lên theo xu hướng hiện nay là phát triển nền nông nghiệp chất lượng và bền vững".

Thành công bước đầu của mô hình cánh đồng mẫu lớn đã và đang được nhân rộng ra cả nước. Không dừng lại ở đây, theo ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BVTV An Giang, đơn vị tiên phong thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL hứa quyết tâm gắn bó cùng nhà nông: "Công ty đã làm tốt rồi, cố gắng làm tốt hơn, làm hết sức mình, đã được sự ủng hộ của tỉnh ủy UBND tỉnh An Giang, bây giờ trở về đồng bằng, là đứa con của đồng bằng thì sẽ được nhân dân các tỉnh đồng bằng ủng hộ thì tui nghĩ mình sẽ có điều kiện để làm tốt hơn, có khả năng hỗ trợ cho bà con chứ không phải như thời gian vừa qua".

Mới đây, khi về thăm mô hình này ở tỉnh An Giang, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao vai trò của cánh đồng mẫu lớn với đời sống nông dân, đồng thời nâng cao chất lượng và thương hiệu lúa gạo Việt Nam. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "Mô hình ngoài, mô hình đưa yếu tố đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật, lo đầu ra rồi còn cùng bàn việc bảo hiểm sản phẩm để doanh nghiệp và bà con đều có thu nhập ổn định khi thị trường có biến động. Lúa của VN, lúa năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu được chọn là sản phẩm quốc gia rồi. Khi bàn vấn đề này thì phải làm từ đầu tới đuôi, Viện lúa ĐBSCL, các cơ quan lo nghiên cứu về giống, các địa phương gắn với doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân đưa vào thực tiễn để cuối cùng là đưa tiêu dùng trong nước hoặc xuất khẩu có thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên trường quốc tế. Hiện nay xuất khẩu 7-8 triệu tấn, số lượng tốt mà chất lượng chưa tốt mà muốn chất lượng tốt thì phải chuẩn hóa từ giống đến qui trình xuất khẩu. Như vậy chúng ta cùng chia sẻ để đảm bảo chất lượng và xây dựng thương hiệu. Chính phủ giao cho Viện lúa ĐBSCL, Đại học Cần Thơ cần gì khi tham gia nghiên cứu để giảm chi phí, thì chính phủ sẵn sàng ủng hộ".

Có thể nói, cánh đồng mẫu lớn đã thực sự là mô hình phát triển bền vững trong quá trình sản xuất nông nghiệp nước ta. Đây là cách làm mới và hiệu quả, chắc chắn góp phần nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho hạt gạo nước ta, xóa dần cách làm ăn chụp giựt của các thương lái và doanh nghiệp. Có như vậy thì mới hy vọng thành công trong việc định vị xuất khẩu gạo từ số lượng sang chất lượng, nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo, nâng cao đời sống của nông dân trồng lúa một cách căn cơ. Đây là việc cần phải làm mạnh mẽ hơn nữa trong năm Qúy Tỵ và những năm tiếp theo và tin chắc rằng sẽ là hướng đi bền vững cho lúa gạo nước nhà./.