Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ

(VOH) - Những năm qua, mối quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ phát triển ngày càng sâu rộng và đa dạng trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất phải kể đến lĩnh vực thương mại. Mới đây Tập đoàn Kroger - chuỗi siêu thị bán lẻ đứng thứ 2 tại Hoa Kỳ tìm kiếm nguồn hàng tại Việt Nam để phục vụ cho chuỗi siêu thị bán lẻ tại Mỹ, cũng như nguyên liệu thô cho các nhà máy của Kroger. Đây là một cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Sản xuất ghế xuất khẩu. (Ảnh: Thanh Long/TTXVN).

Từ sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, ký được những hiệp định thương mại song phương, quan hệ thương mại giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển vượt bậc về quy mô lẫn tốc độ. Hoa Kỳ hiện là thị trường hàng đầu về xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam. Theo thống kê, trong năm 2012 Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ gần 20 tỷ USD (tăng gần 17% so với năm 2011), chiếm tỷ trọng 17,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong quý I/2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng 16,7% so với cùng kỳ. Theo dự báo, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ có thể đạt đến con số 27 tỷ USD.

Tuy nhiên, bên cạnh những con số đã đạt được, trên thực tế, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp một số khó khăn như: chưa thật sự tiếp cận được các kênh bán lẻ tại Hoa Kỳ do thiếu thông tin, không đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng hóa còn thiếu sự cạnh tranh, năng lực còn hạn chế. Ông Nguyễn Hồng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Mỹ cho biết: "Điều cực kỳ khó khăn với doanh nghiệp Việt Nam là năng lực tài chính, để lăng xê một sản phẩm cho người Mỹ biết rộng rãi trên cộng đồng mất hàng trăm triệu đô la Mỹ làm công tác quảng bá. Thế thì liệu doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu đó không, và theo đó liệu các doanh nghiệp Việt Nam có đủ tiềm lực về tài chính để xây dựng một hệ thống siêu thị, thành lập các công ty con, làm tất cả các công việc như một công ty Mỹ hay không. Đấy là một điều khó nữa, và điều khó tiếp theo là năng lực về công nghệ. Đấy là những khó khăn chung".

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa xây dựng được thương hiệu, chủ yếu là xuất nguyên liệu thô thông qua các kênh phân phối trung gian, chưa chính thức tại Hoa Kỳ. Do đó, việc tập đoàn bán lẻ Kroger tìm kiếm nguồn hàng tại Việt Nam để phục vụ cho chuỗi siêu thị bán lẻ tại Mỹ, cũng như nguyên liệu thô cho các nhà máy của Kroger là một cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tập đoàn Kroger đứng thứ 4 trong số 25 tập đoàn bán lẻ hàng đầu trên thế giới. Chỉ tính riêng trong năm 2012, doanh số của tập đoàn Kroger đạt trên 96 tỷ USD, dự kiến trong năm nay sẽ đạt con số trên 100 tỷ USD. Kroger hiện có hơn 2.400 siêu thị và các cửa hàng lớn, có mặt tại 31/50 tiểu bang của Hoa Kỳ, tiềm năng phát triển còn lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam khi hợp tác với Kroger cũng sẽ có được nhiều lợi thế. Ông Tim Kelbel - Phó chủ tịch, phụ trách mảng mua hàng toàn cầu của Tập đoàn Kroger cho biết, một số lĩnh vực mà Kroger đang thực hiện và quan tâm là các mặt hàng café, điều, trái cây, hoa quả, rau tươi/ đóng hộp, hải sản đóng hộp và đông lạnh, sản phẩm từ dừa, sản phẩm dành cho thú nuôi, các loại gia vị. Ngoài ra, tập đoàn Kroger cũng rất quan tâm đến các ngành hàng phi thực phẩm như đồ gỗ, đồ gia dụng, quần áo, găng tay, nguyên liệu làm mỹ phẩm...

Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội đó, doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những bước chuẩn bị thật chu đáo về mặt tài chính, kỹ thuật và tìm hiểu thông tin thị trường cũng như nghiên cứu các chính sách kinh tế - thương mại tại Hoa Kỳ. Ông Hồ Văn Quang - Giám đốc Công ty TNHH Rau quả nhiệt đới, chia sẻ: "Để vào thị trường Mỹ, chúng tôi phải hiểu về luật pháp Mỹ cũng như là những quy định, yêu cầu về an toàn thực phẩm của Mỹ. Điều thứ nhất, chúng tôi phải hoàn tất hồ sơ đăng ký thủ tục FDA, tức là đăng ký với cơ quan Quản lý Dược phẩm và thực phẩm của Hoa Kỳ. Sau khi đăng ký xong phải tự quản lý sản phẩm của chúng tôi, xuất qua thị trường Mỹ một cách an toàn và có thể thông qua nhanh chóng, đưa vào kênh siêu thị bán hàng ngay. Đối với thị trường của Mỹ, yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng như tính an toàn cực kỳ cao, chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể dẫn đến tác động rất lớn, tức là phải thu hồi tất cả sản phẩm đang nằm trên kệ đem về tiêu hủy hoặc tái xuất đi nước thứ 3. Chuyện đó rất là tốn kém, do đó những rủi ro mà doanh nghiệp khi bước vào thị trường Hoa Kỳ phải hiểu vấn đề này".

Bên cạnh đó, để gia tăng độ tín nhiệm của doanh nghiệp, đồng thời tăng cơ hội xuất khẩu thông qua việc tối ưu hóa tính minh bạch và độ tin cậy về hồ sơ doanh nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam nên sử dụng mã số D-U-N-S. Ông Nguyễn Ngọc Hùng - Tổng Giám đốc Công ty D&B Việt Nam cho biết: "Thị trường rất nhiều nhưng mà doanh nghiệp chúng ta thiếu thông tin về thị trường, thiếu thông tin về đối tác. Cho nên là, khi chúng ta ứng dụng mã số DUNS này, chúng ta sẽ chứng minh được năng lực của doanh nghiệp mình thông qua mã số nhận dạng xác thực doanh nghiệp DUNS của D&B mà đã được công nhận toàn cầu. Chúng ta có thể tận dụng mã số này để đẩy mạnh tiềm năng xuất khẩu cũng như hình ảnh doanh nghiệp chúng ta ra toàn cầu".

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể nhờ đến sự hỗ trợ của Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ. Ông Nguyễn Thắng Vượng, đại diện Thương Vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết: “Hiện Thương vụ đang tích cực giúp đỡ các doanh nghiệp của cả Việt Nam và Hoa Kỳ tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, xuất khẩu; cung cấp thông tin về các chính sách kinh tế mới của Hoa kỳ cho các doanh nghiệp; phối hợp cùng các Bộ ngành, Hiệp hội tham gia giải quyết các tranh chấp thương mại liên quan tới Việt Nam”, từ đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận được các kênh phân phối chính thức, các hệ thống siêu thị bán lẻ, tạo vị thế vững chắc hơn cho hàng hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ./.