Đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp liên quan đến các hoạt động thương mại, du lịch

(VOH) - Ngày 14/11, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư và một số Sở ngành trên địa bàn thành phố tổ chức buổi đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp, liên quan đến các hoạt động thương mại, du lịch.

Có hơn 100 doanh nghiệp tham dự buổi đối thoại. Những vấn đề doanh nghiệp trao đổi cùng chính quyền các cấp chủ yếu xoay quanh: hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư; thủ tục lập hồ sơ xin giấy phép, đổi giấy phép đầu tư; các quy định về đăng ký kinh doanh và hoạt động kinh doanh du lịch, an toàn du khách và hoạt động lữ hành. Công ty du lịch Lê Thắng hoạt động trong ngành du lịch đã hơn 16 năm. Tham gia buổi đối thoại, doanh nghiệp cũng đặt ra một số vấn đề liên quan đến vệ sinh công cộng và cảnh sát du lịch. Ông Lê Quốc Thắng, Giám đốc công ty nói: "Những điểm vệ sinh công cộng của chúng ta mặc dù là có nhưng khi sử dụng điểm vệ sinh công cộng là phải chịu phí, mà khi chịu phí rồi cũng không được sạch sẽ, và việc bố trí cũng không được đều, không được đồng bộ và cũng không được gần điểm du khách tham quan nhiều; và thứ 3 là cảnh sát du lịch chúng ta cũng đã có nhưng họ được bố trí ở đâu? Và nhìn như thế nào để nhận ra đó là cảnh sát du lịch, giúp đỡ cho những du khách".

Theo ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TPHCM thì, hiện nay, hệ thống nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố cùng với các quận - huyện quản lý. Thời gian tới, UBND thành phố giao cho Sở Giao thông Vận tải chuẩn bị thực hiện đề án xây dựng thêm 175 điểm mới. Ông Rum cho biết thêm: "Chúng tôi sẽ có tham mưu cho UBND TP phối hợp với các sở chức năng sẽ đi kiểm tra tất cả các hệ thống nhà vệ sinh ở những nơi du khách chúng ta đến, đồng thời cũng động viên, hỗ trợ và tạo điều kiện để những nơi đó có những nhà vệ sinh đúng quy chuẩn. Còn cảnh sát du lịch chúng ta chưa có, chúng tôi chỉ có hợp tác với thanh niên xung phong để hướng dẫn hỗ trợ du khách thôi. Chúng ta cố gắng xây dựng lực lượng này trong tương lai, để đảm bảo cho hoạt động du lịch tốt hơn".

Sài Gòn Co.op là một trong những đơn vị kinh doanh phát triển mạng lưới bán lẻ hiện rất hiệu quả trên địa bàn thành phố. Ảnh: DĐDN

Liên quan đến việc nhận diện các sản phẩm của các doanh nghiệp FDI khi sản xuất, có đủ tiêu chuẩn lưu thông trên thị trường nội địa hay không, Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú ý kiến: "Làm thế nào để mình phân biệt được các doanh nghiệp FDI sau khi đầu tư họ có thể bán sản phẩm đó vào thị trường nội địa và doanh nghiệp nào không được bán vào thị trường nội địa. Thứ hai là sau khi mình phát hiện ra họ không được bán sản phẩm vào thị trường nội địa, đối với trường hợp này, các cơ quan đơn vị nào chúng tôi có thể liên hệ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp VN".

Ông Lại Tuấn Vương, Phó trưởng Phòng Đăng ký Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh giải thích: "Đối với các doanh nghiệp sản xuất thì dĩ nhiên các phẩm do họ sản xuất ra thì họ được tiêu thụ tại thì trường Việt Nam, đối với các doanh nghiệp không sản xuất mà họ đăng ký ngành phân phối bán buôn bán lẻ thì họ được nhập hàng hóa, mua hàng hóa ở thị truờng nội địa, và bán, phân phối lại ở thị trường nội địa. Nếu trường hợp doanh nghiệp phát hiện được những doanh nghiệp không có chức năng nhưng họ lại thực hiện buôn bán thì có thể báo cho Sở KHĐT hoặc là Cục Thuế".

Sài Gòn Co.op là một trong những đơn vị kinh doanh phát triển mạng lưới bán lẻ hiện rất hiệu quả trên địa bàn thành phố. Thực hiện chủ trương của thành phố đưa sản phẩm hàng Việt đến với người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề phát triển cơ sở kinh doanh tại các chung cư, khu công nghiệp, khu chế xuất. Ông Nguyễn Lâm Hồng, Phó tổng giám đốc Sài Gòn Co.op chia sẻ khó khăn: "Theo Nghị định 29/2008, có quy định khu công nghiệp là khu chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay theo chủ trương của UBND TP thì khuyến khích  các doanh nghiệp mở cửa hàng bán lẻ, bán hàng bình ổn tham gia để phục vụ cho công nhân, những người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhưng mà nếu mà theo quy đĩnh này thì rõ ràng chúng tôi đã bị vướng".

 Theo quy định mới, khi hình thành các khu chế xuất, khu công nghiệp, phải song hành việc xây dựng cửa hàng, địa điểm kinh doanh thương mại với một diện tích nhất định và khu lưu trú cho công nhân. Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng có chỉ đạo Sở Công Thương làm việc với các khu chế xuất, khu thương mại bố trí diện tích cho khu thương mại tại đây để phục vụ cho công nhân lao động. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại Sở Công Thương thành phố cho biết thêm: "Do diện tích lớn, nên Ban quản lý KCX - KCN đề nghị là xây dựng siêu thị trong đó. Việc xây dựng một siêu thị lớn đòi hỏi phải có một sức mua đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp, do đó, chúng tôi còn đang cân nhắc. Trong những trường hợp đó, chúng tôi tập trung giải pháp bán hàng lưu động hoặc là tổ chức các phiên chợ công nhân".

Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến của doanh nghiệp liên quan đến các hoạt động khuyến mại, chính sách xuất nhập khẩu. Buổi đối thoại đã giúp các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận với những thay đổi mới về các chính sách đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh sản xuất.