Hệ lụy từ sở hữu chéo ngân hàng

(VOH) - Tình trạng sở hữu chéo cổ phần đang đưa tới việc tạo ra những liên minh ngân hàng, khiến cho việc quản lý trở nên phức tạp. Nếu không được kiểm soát đúng mức, rủi ro hệ thống không phải là không có. Một trong những ưu tiên của tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế đó chính là tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng thương mại. Trong đó giải quyết nợ xấu và sâu xa hơn là giải quyết tình trạng sở hữu chéo là vấn đề được nhiều người quan tâm thời điểm này.
Tình trạng sở hữu chéo cổ phần đang đưa tới việc tạo ra những liên minh ngân hàng, khiến cho việc quản lý trở nên phức tạp.ảnh minh họa: VNE

Hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã có quá trình phát triển vượt bậc cả về số lượng các ngân hàng lẫn về tổng mức tín dụng trong những năm qua. Quy mô tín dụng ngân hàng so với GDP đã tăng từ 20% vào cuối những năm 1990 lên đến 136% vào cuối năm 2010. Sự tăng trưởng nhanh chóng của các ngân hàng thương mại cổ phần đã đi kèm với việc hình thành cấu trúc sở hữu chéo. Ông Đinh Tuấn Minh, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng:

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 của Ủy ban kinh tế Quốc hội thì trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay, đang tồn tại 6 hình thức sở hữu chéo. Bao gồm: sở hữu của các ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng thương mại nước ngoài tại các ngân hàng liên doanh; cổ đông nước ngoài chiến lược tại các ngân hàng thương mại cả nhà nước và cổ phần, cổ đông tại các ngân hàng thương mại là các công ty quản lý quỹ, sở hữu của các ngân hàng thương mại nhà nước tại các ngân hàng thương mại cổ phần, sở hữu lẫn nhau giữa các ngân hàng thương mại cổ phần và sở hữu các ngân hàng thương mại cổ phần bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân. Trong đó, nổi bật là việc sở hữu ngân hàng thương mại cổ phần bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân. Về những hệ lụy của việc sở hữu chéo, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích:

Theo quy định của pháp luật, cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn của một tổ chức tín dụng, còn một tổ chức không được sở hữu quá 15% vốn. Cũng theo báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 của Ủy ban kinh tế Quốc hội thì hiện nay, gần 40 doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân sở hữu trên 5% tại các ngân hàng thương mại cổ phần và các doanh nghiệp này lại sở hữu các công ty đầu tư tài chính. Vì vậy, mối quan hệ giữa ngân hàng thương mại cổ phần với các tập đoàn tư nhân ngày càng phức tạp. Nhiều ngân hàng có thể được sở hữu bởi rất nhiều công ty gia đình hoặc các thành viên gia đình vốn đang là lãnh đạo ở các doanh nghiệp khác.

Để giải tỏa bớt sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, theo các chuyên gia kinh tế thì giai đoạn đầu cơ quan quản lý có thể gây sức ép buộc các doanh nghiệp phi tài chính phải thoái vốn ra khỏi ngân hàng nhất là các doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, quá trình sáp nhập ngân hàng yếu với ngân hàng khỏe để nâng cao tính minh bạch trong quản trị ngân hàng, làm rõ minh bạch của nguồn tiền…cũng là một giải pháp ngăn chặn được sở hữu chéo. Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính- tiền tệ quốc gia, đề nghị:

Sự minh bạch về chính sách tiền tệ nói chung và hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành xử lý vấn đề sở hữu chéo theo từng bước. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ thanh tra, đánh giá thực trạng tài chính, sở hữu cổ phần của hơn 30 ngân hàng để làm rõ vấn đề sở hữu. Bước tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành một loạt quy định mới để giải quyết, xử lý những vấn đề bất cập trong hệ thống ngân hàng. Trong năm 2013, khi các hệ thống văn bản này có hiệu lực sẽ góp phần làm cho hệ thống ngân hàng trở nên minh bạch hơn./.