Nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm, còn nhiều khó khăn

(VOH) - Ngày 27/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp trực tuyến mở rộng với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2013, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 và số 02 của Chính phủ.
Ảnh: Chinhphu.vn

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự đồng thuận thực hiện của các địa phương nên tình hình kinh tế - xã hội ổn định. Tăng trưởng của hầu hết các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế đều có cải thiện, góp phần đưa mức tăng trưởng GDP quý II lên 5%, cao hơn mức tăng của quý I và đưa tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm lên 4,9%. Diễn biến nền kinh tế quý II cho thấy kinh tế đang dần hồi phục, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các ngành, lĩnh vực khác đều đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng.  Hàng tồn kho được cải thiện đáng kể, cơ bản dần dần trở về trạng thái bình thường. Tuy nhiên, lĩnh vực xây dựng như thép, xi măng... vẫn còn tồn kho cao.

Về chính sách điều hành tiền tệ: lãi suất giảm mạnh, thanh khoản thị trường liên ngân hàng khá ổn định, tăng trưởng tín dụng đã cải thiện. Tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng khoảng 3,31%. Tỷ giá có xu hướng tăng nhẹ, thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định. Tuy nhiên, hiệu quả của chính sách bình ổn thị trường vàng vẫn còn hạn chế, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế vẫn ở mức cao. Lãi suất tuy có giảm nhưng chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn chưa giảm nhiều, việc tiếp cận vốn vay còn nhiều trở ngại. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, đánh giá: "6 tháng đầu năm, các cấp các ngành đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp theo Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ, nhờ vậy kinh tế vĩ mô bước đầu đã có những dấu hiệu tích cực, đúng hướng. Tăng trưởng 6 tháng đạt 4,9%, đây là kết quả của sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực các cấp các ngành và của toàn dân. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm. Các chính sách hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại cho người thu nhập thấp đang được triển khai, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững".

Cùng với cả nước, 6 tháng qua tình hình kinh tế - xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đứng trước những khó khăn, thách thức nhưng vẫn duy trì cơ bản những mục tiêu kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm của thành thành phố đạt 7,9%, tăng thấp hơn so với mức 8,1% của cùng kỳ 2012. Ngược lại, chỉ số CPI 6 tháng đầu năm chỉ tăng 0,78%. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 13 năm qua, góp phần cùng cả nước kiềm chế lạm phát.

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, thành phố đã giải quyết được trên 2.100 căn hộ, giảm 14% căn hộ tồn kho. Trong thời gian tới , địa phương tiếp tục giảm thấp hàng hóa bất động sản, chuyển một số căn hộ thương mại sang nhà xã hội. Từ đây đến cuối năm, thành phố phấn đấu  giải quyết thêm 3.000 căn hộ nữa, đáp ứng nhu  cầu nhà ở xã hội của công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, gia đình chính sách, hộ nghèo,…

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các ngân hàng trên địa bàn thành phố đã đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp với nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt hơn 11.000 tỷ đồng. Đồng thời, các ngân hàng cũng đã cơ cấu lại các khoản vay cho hơn 87.000 khách hàng. Tuy nhiên, hiện các nhà băng vẫn đang dư khá nhiều tiền, vì vậy, giải quyết vốn cho sản xuất kinh doanh là mục tiêu ưu tiên. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân, kiến nghị: "Vấn đề hiện nay là các ngân hàng đang dư tiền, giải quyết vấn đề vốn cho sản xuất kinh doanh là mục tiêu ưu tiên từ đây đến cuối năm. Chúng tôi cũng đề nghị trước nhất là ngân hàng chỉ đạo hệ thống của mình nghiên cứu làm sao để lãi suất cho vay phù hợp hơn, tập trung tiếp thêm vốn cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Có như vậy, tình hình phục hồi kinh tế sẽ diễn ra có hiệu quả hơn".

Về tình hình 6 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tình hình thế giới dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn. Vì thế, điều quan trọng nhất tại phiên họp này là Chính phủ và các địa phương phải bàn trực tiếp các giải pháp để tạo đột phá. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Trong phiên họp với nội dung đánh giá những mặt được và chưa được, từ đó xác định nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo trong 6 tháng cuối năm để các đồng chí có thông tin của cả nước. Bên cạnh đó, lắng nghe các đồng chí góp ý cho Chính phủ, mặt khác cung cấp thông tin để các đồng chí liên hệ với tình hình địa phương để có thể vận dụng phù hợp tình hình thực tế của từng địa phương".

Tán thành cao với báo cáo đánh giá chung về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, các địa phương mong muốn những chính sách điều hành sắp tới đi sâu chiều sâu hơn, giải quyết trúng những vấn đề, thách thức nổi lên của nền kinh tế - xã hội mà trong đó, kích cầu để gián tiếp gỡ khó cho sản xuất là nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu./.