Chọn ngành, chọn trường: Chọn sao cho đúng? Thay đổi tư duy nghề nghiệp - Thời sự 11g ngày 28/3/2018

(VOH) - Đam mê, có tố chất vượt trội ở một lĩnh vực ngành nghề nào đó, mới là tiêu chí tiên quyết giúp chúng ta thành công trong công việc.

Vì vậy, việc lựa chọn các trình độ đào tạo đã không còn quá quan trọng, mà quan trọng hơn chính là thái độ học tập người học, thái độ đối với nghề mình chọn sẽ trao cho chúng ta một cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Đó chính là tư duy mới trong nhận thức về nghề nghiệp mà người học cần hướng đến.

tuyển sinh, chọn ngành, chọn trường,

Ảnh minh họa: LĐ

Học gì để sau bốn năm ra trường không thất nghiệp, có lẽ đó là suy nghĩ chung của hầu hết thí sinh trước khi quyết định chọn học một ngành nào đó. Do đó, việc quan tâm đến tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp của các trường cũng là một yếu tố khiến thí sinh chọn lựa trường đó hay không. Theo Quy chế tuyển sinh 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường phải công khai tỷ lệ việc làm của các ngành, đây là một điểm mới và là thông tin hữu cho thí sinh khi chọn trường chọn ngành. Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Lê Quan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, cho rằng: “Tôi nghĩ thông tin này cũng tốt thôi, để sinh viên hình dung được thí sinh tốt nghiệp của trường đó học xong có việc làm hay không. Những năm rồi trường đều có làm và công bố trên trang web của trường theo yêu cầu 3 công khai của Bộ. Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đảm nhận nhiệm vụ này. Thông tin liên lạc là do Phòng Công tác sinh viên cung cấp và họ liên lạc trực tiếp với các sinh viên bằng email, tham gia trả lời trực tuyến trên trang web của trường”.

Mặc dù đây được xem là kênh quan trọng để đánh giá chất lượng đào tạo ngành của trường đại học đó khi so sánh với các trường đại học khác, tuy nhiên nếu thí sinh chỉ tham khảo thông tin ở một trường để xem xu hướng ngành thì có thể sẽ sai do ở trường đó tỷ lệ có việc làm là thấp nhưng nó thực sự là ngành có nhu cầu cao trong tương lai, cũng như ở các trường khác thì tỷ lệ việc làm là khả quan hơn nhiều.  

Đồng thời, trong quá trình chọn ngành cần lưu ý đây không phải là chọn việc làm vì một ngành đào tạo có thể làm ở nhiều vị trí khác nhau chứ không chỉ là một vị trí việc làm, ví dụ vị trí việc làm công nhân may sẽ có nguy cơ mất việc lớn trong tương lai nhưng không có nghĩa là ngành công nghệ may không có tương lai, vì ngành này không phải đào tạo kỹ năng may của một công nhân mà còn nhiều kiến thức về vật liệu, thiết kế, thiết bị, quản trị, kinh doanh, và thực sự nhu cầu này là rất lớn trong tương lai khi công nghệ phát triển.

Trong xu thế hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao phải là những con người năng động và đáp ứng mọi yêu cầu khắc nghiệt của thị trường. Vì vậy, làm trái ngành trái nghề đã không còn là điều quá xa lạ. Theo Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh truyền thông - Trường Đại học Kinh tế tài chính TPHCM, thí sinh học một ngành nhưng có thể ra trường làm được nhiều nghề khác nhau. Đơn cử, một người học về quản trị kinh doanh sẽ được dạy về quản trị tài chính, nhân lực, ngoại thương, marketing, logicstics, khởi nghiệp…. Sinh viên ra trường có thể làm được các công việc như nhân viên quảng cáo, marketing, tổ chức sự kiện, kinh doanh đều phù hợp. Theo Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, yếu tố quan trọng đối với một ứng viên nằm ở giá trị hành nghề: “Trên thực tế học một ngành có thể làm được nhiều nghề. Thất nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới đều có, nếu nhìn rõ trong thị trường lao động thì nó chia rõ ở tất cả ngành nghề. Ngành nghề nào cũng có người thất nghiệp, cho nên theo tôi không có bất cứ ngành nghề nào hot mà chỉ có con người hot trong ngành nghề đó thôi. Cho nên, mình xác định rõ mình có năng lực vượt trội hơn người khác ở lĩnh vực đó thì khi làm việc, mình sẽ có một giá trị hành nghề tốt hơn họ”

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM cũng khẳng định, kiến thức nền tảng của sinh viên mới là điều quan trọng: “Bởi vì ngành nghề nó thay đổi cực kỳ nhanh. Mình dạy một ngành đang hot, thế nhưng sau 4 năm ra trường ngành đó không còn hot nữa, do giáo dục đào tạo chúng ta trễ pha so với xã hội, vậy người ta làm gì? Thế nên, đối với đại học bây giờ là dạy cho sinh viên có nền tảng vững, dạy cho các em có tính linh hoạt, năng động, tự học. Em nào học được như vậy sẽ thành công”.

Trong khi đó, ở góc độ thị trường lao động, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban Đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM đã phác họa bức tranh nhu cầu nhân lực khá dễ hình dung: Cứ 100 lao động thì chỉ cần 12% tỷ lệ cử nhân; 13% bậc cao đẳng, 35% là trung cấp chuyên nghiệp; còn lại là lao động phổ thông và một tỷ lệ rất nhỏ là 2% trình độ sau đại học. Vì vậy, thí sinh có nhất thiết phải vào cho bằng được bậc học đại học hay không là điều rất đáng cân nhắc trong giai đoạn hiện nay:“Nếu mà chúng ta học đại học nhưng khi ra trường làm việc không đúng với khả năng, sở thích của các bạn, chắc chắn sẽ không thành công. Xã hội bây giờ chúng ta trọng người làm được việc. Tôi nghĩ về vấn đề bằng cấp phụ huynh, thí sinh cũng nên cân nhắc để định hướng cho con em mình và bản thân thí sinh cũng lựa chọn công việc cho nó phù hợp”.

Như các chuyên gia đã khẳng định, không có bất cứ ngành nào được gọi là “hot” trong thị trường lao động hiện nay mà chính nhân tố con người mới là “hot” trong chính ngành nghề đó. Vì vậy, ngay từ bây giờ, thí sinh hãy tự xác định cho mình những đam mê, sở thích, năng lực học tập của mình phù hợp với ngành nghề nào trong xã hội và có quyết tâm theo đuổi nó, thì nỗi lo về thất nghiệp trong tương lai sẽ không còn. Bởi, một người học năng động, bên cạnh kiến thức chuyên môn còn có những kỹ năng mềm, khả năng thích ứng với bất cứ môi trường làm việc nào.

Thùy Linh

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo