Đảm bảo trật tự lòng, lề đường và vỉa hè - Cần động thái quyết liệt (Bài 2)

(VOH) - Kể từ khi tổ chức ký kết giao ước thi đua trong đảm bảo trật tự lòng lề đường, vỉa hè từ cho đến nay, có địa phương làm tốt nhưng có nơi chưa quyết tâm, nỗ lực chấn chỉnh thực trạng này.

Bảo đảm trật tự lòng lề đường, vỉa hè là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện Chỉ thị 11 của Ban Thường vụ Thành ủy nhằm tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, qua đó góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho TP.HCM.

trật tự lòng đường, vỉa hè

Xe buôn bán hàng rong chiếm dụng lòng đường.

Tuy nhiên, kể từ khi tổ chức ký kết giao ước thi đua trong đảm bảo trật tự lòng lề đường, vỉa hè từ cho đến nay, có địa phương làm tốt nhưng có nơi chưa quyết tâm, nỗ lực chấn chỉnh thực trạng này. Thế nên đâu đó còn những khu vực, những chợ tự phát, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè vẫn ngang nhiên tồn tại như thách thức lực lượng chức năng,…

Theo biên bản ký kết giao ước thi đua của các quận - huyện trong công tác đảm bảo trật tự lòng lề đường, vỉa hè năm 2018, cho thấy: Toàn thành phố có 157 tuyến đường ký đảm bảo trật tự, 43 điểm/khu vực cần xóa và 101 khu vực cần chấn chỉnh trong tái lập trật tự lòng đường, vỉa hè.

Đăng ký đối phó

Và theo khảo sát của Ban An toàn giao thông thành phố mới đây, chỉ riêng ở các tuyến đường ký giao ước đảm bảo trật tự, qua các đợt kiểm tra đánh giá về tình hình triển khai các nội dung cam kết, trên địa bàn 24 quận - huyện có 88 tuyến đường có chuyển biến, 54 tuyến đường thông thoáng hơn và 15 tuyến đường còn diễn biến phức tạp, chủ yếu thuộc địa bàn các quận như: quận 1 có 2 tuyến là đường Cống Quỳnh và Đề Thám; quận Tân Bình có 3 tuyến đường Hoàng Văn Thụ, Lạc Long Quân, Âu Cơ và huyện Bình Chánh có 4 tuyến gồm: Quốc lộ 50, Nguyễn Văn Linh, Trần Văn Giàu, Nguyễn Hữu Trí. Ngay ở địa bàn quận 5, dù các tuyến đường đăng ký đều được đánh là có chuyển biến nhưng các khu vực như: trước Bệnh viện Nhiệt đới; Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thì tình trạng mua bán hàng rong lấn chiếm lòng lề đường diễn ra thường xuyên và đây cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng kẹt xe thường xuyên ở khu vực này.

Bà Nguyễn Thị Lan, một người dân sống ở khu vực này bức xúc: “Tôi là người dân ở đường Võ Văn Kiệt. Lúc nào cũng thấy kẹt xe, ùn tắc giao thông. Mấy năm nay, mỗi lần kẹt xe cũng phải mấy tiếng đồng hồ. Đường đi bộ vốn chỉ để dành cho người đi bộ nhưng xe máy, cứ chiều tới là họ leo lên chạy và xảy ra tai nạn”.

Tại địa bàn huyện Nhà Bè, trong đăng ký giao ước thi đua, huyện này có 2 điểm/khu vực cần xóa để đảm bảo trật tự lòng đường, vỉa hè. Đó là khu chợ tự phát ở 2 phía chân cầu Hiệp Phước thuộc xã Long Thới và Hiệp Phước. Thời gian đăng ký hoàn thành việc dẹp bỏ là vào tháng 9 năm nay. Tuy nhiên, dù đã qua hơn 1 tháng, khi lưu thông qua khu vực này thì tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường không có chuyển biến là mấy. Tình trạng lấn chiếm lòng đường với xe đẩy, hàng rong tụ tập ngày một đông hơn.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tư - Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho rằng mấu chốt của vấn đề là cần phải giải quyết căn cơ việc người dân buôn bán bằng những chiếc xe tự chế, lấn chiếm lòng lề đường. Hiện nay, các xã - thị cũng rất băn khoăn trong việc xử lý các hành vi vi phạm này bằng hình ảnh camera.

"Về cách làm của huyện hiện nay, chúng tôi ghi nhận tất cả các hình ảnh này, sau đó mời người dân đến để họ thấy các hành vi vi phạm của mình. Đồng thời, hướng dẫn người dân vào buôn bán ở trong khu vực chợ truyền thống, để không lấn chiếm lòng lề đường. Tuy nhiên, họ đều là người vãng lai và sử dụng các phương tiện xe lôi, khi chính quyền ra, họ thường bỏ chạy sang địa bàn khác, cho nên việc quản lý có phải có sự phối hợp giữa các bên", ông Tư cho biết thêm. 

Nhìn vào danh sách 157 tuyến đường ký giao ước thi đua lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè của 24 quận - huyện, một vài quận đăng ký theo kiểu đối phó để an toàn, dễ dàng trong công tác quản lý cũng như hoàn thành chỉ tiêu đặt ra.

Điển hình có thể kể đến như khu vực quận 7. Theo giao ước ký kết, quận 7 đưa tuyến đường Nguyễn Văn Linh, đoạn từ cầu Ông Lớn đến Khu chế xuất Tân Thuận; hay như đường Hoàng Quốc Việt, đoạn giao với đường Nguyễn Lương Bằng đến đoạn giao với đường Huỳnh Tấn Phát. Rõ ràng, đây chưa phải là những điểm nóng thường gây ra nạn kẹt xe, do mua bán, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè cần phải xóa như: đường Bùi Văn Ba (thuộc địa bàn phường Tân Thuận Đông), đường Nguyễn Thị Thập, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến Nguyễn Hữu Thọ,…bán hàng tràn lan, hết vỉa hè đến lòng đường khiến đường Bùi Văn Ba thực sự “khó thở” trong những lúc tan tầm.

Tuy nhiên, khi hỏi tại sao địa phương không đề xuất đường Bùi Văn Ba vào danh sách cần phải lập lại trật tự, ông Cao Quốc Bình - Chủ tịch UBND phường Tân Thuận Đông lý giải: “Ban đêm, công nhân đông quá. Lực lượng công an và tổ dân phố vẫn tuần tra để xử lý. Tuy nhiên, Bùi Văn Ba là tuyến đường rất là đông dân cư. Một số cửa hàng lấn chiếm, các xe đẩy vi phạm chúng tôi cũng xử lý quyết liệt. Chúng tôi đã xử lý rất nhiều, kể cả xe đẩy và xử phạt mỗi vụ như vậy lên tới 2 triệu rưỡi và chúng tôi cũng thu gom rất là nhiều xe đẩy, không đủ chỗ để chứa. Bên tuyến đường Bùi Văn Ba chúng tôi đã kẻ vạch sơn và sắp xếp lại. Tuy nhiên, đây là tuyến đường mà vỉa hè không đồng đều, cho nên chúng tôi đã kẻ vạch sơn dành một phần vỉa hè cho người đi bộ. Chúng tôi cố gắng chuyển hóa địa bàn của đường này trong năm nay và đến 6 tháng đầu năm 2019, chúng tôi sẽ đăng ký chuyển hóa khu vực đầu đường Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn, hai là đầu khu chế xuất. Riêng đối với tuyến đường Bùi Văn Ba chúng tôi chưa đăng ký chuyển hóa nhưng vẫn phải làm”.

trật tự lòng đường, vỉa hè

Đường Bùi Văn Ba thường là điểm nóng về kẹt xe do vỉa hè, lòng đường thường xuyên bị chiếm dụng bởi người bán hàng rong và các chủ kinh doanh 2 bên đường.

Đem thắc mắc về việc một số quận -huyện đăng ký theo kiểu “đối phó”, “cho có” trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Trưởng Ban chuyên trách, Ban An toàn giao thông TP.HCM thì được biết: trong năm 2018, thành phố chưa ép buộc, chưa áp đặt đối với các quận - huyện mà đế họ tự giác, xem xét, trên cơ sở đó sẽ khảo sát để đăng ký. Có thể đăng ký tuyến này hoặc trên kia, có những tuyến đã thông thoáng rồi, có những tuyến phức tạp, nhưng có những tuyến tương đối thuận lợi…có thể làm. Làm như thế để làm cơ sở để sau này làm những tuyến khác. Đó là việc của mỗi quận - huyện chứ chưa áp đặt. Bắt đầu từ 2019, tất cả các tuyến trên địa bàn thành phố mình phải xem xét và làm giống như những tuyến đã đăng ký trong năm 2018. Lần này có thể xem là một mô hình để những năm sau chúng ta sẽ thực hiện tốt hơn”.

Phải thực hiện quyết liệt, xuyên suốt

Bên cạnh tình trạng các hộ dân buôn bán lấn chiếm lòng lề đường và vỉa hè, một lực lượng khác gây nhức nhối cho các cơ quan chức năng, đó là các xe đẩy bán hàng rong. Bởi lẽ, đây chính là đối tượng gây ách tắc giao thông và khó kiểm tra xử lý hơn so với các hộ dân. Khi các cơ quan chức năng vừa đi khỏi nơi kiểm tra, thì các lực lượng này tiếp tục đẩy xe quay về “chốn cũ” buôn bán. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là “bó tay”. Việc quản lý xe đẩy của lực lượng bán hàng rong phải cần một động thái quyết liệt từ phía cơ quan quản lý cũng như chính quyền cơ sở và việc này phải tiến hành đồng bộ. Ở các địa bàn giáp ranh, thường có tình trạng người bán hàng rong chạy qua địa bàn khác tránh lực lượng chức năng. Do đó, cần có sự chung tay phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng chức năng các địa bàn này. Có như vậy mới mong tình hình trật tự ở những tuyến đường phức tạp chuyển biến được.

Lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè là một chương trình hành động lớn của Thành ủy, UBND thành phố. Chính vì vậy, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể là giải pháp then chốt để thực thi và từng bước trả vỉa hè thông thoáng lại cho người đi bộ. Đây cũng là cách để bức tranh giao thông thành phố dần thay đổi theo cách tích cực hơn, tránh tình trạng hỗn loạn, kẹt xe như thời gian qua. Tuy nhiên, động thái và sự quyết liệt của chính quyền cơ sở với những lực lượng thực thi mới là yếu tố quan trọng để đạt mục tiêu này.

Ngay tại buổi ký kết giao ước thi đua đảm bảo trật tự lòng đường, vỉa hè, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cũng đã chỉ rõ: cũng phải nói một cách thực chất rằng: công tác này kết quả đạt được chưa đồng bộ. Chưa đồng bộ ngay từ phường, xã. Có tuyến đường làm tốt, có tuyến đường chưa làm tốt. Có phường làm tốt, có phường chưa làm tốt và chưa thường xuyên. Đây là một vấn đề mà chúng tôi thấy cần phải phân tích cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Vấn đề giao thông, vấn đề trật tự lòng lề đường là vấn đề khó. Đó là đặc thù riêng, không chỉ của TP.HCM mà của một vài địa phương khác, đặc biệt là những đô thị lớn. Có nhiều nơi còn để tình trạng diễn biến phức tạp hơn vì chúng ta ngại đụng chạm. Chúng ta thấy rằng, đây là vấn đề đã diễn ra lâu dài cho nên là không muốn có những ảnh hưởng, tác động, va chạm. Mặt khác, một số nơi cách làm vẫn chưa được đồng bộ. Chưa đồng bộ ở giải pháp, công tác tuyên truyền chưa đến nơi đến chốn. Làm một cách nóng vội, buông lỏng nên kết quả không được thường xuyên và lâu dài”.

Rõ ràng, trên nguyên tắc, vỉa hè cũng chính là không gian để phục vụ giao thông. Với một thành phố lớn như TP.HCM, mật độ dân số cao nên việc quản lý, sử dụng vỉa hè hợp lý cũng là yêu cầu đặt ra, không chỉ là trách nhiệm mà cần phải tính toán cụ thể góp phần giải quyết ùn tắc giao thông, trả lại trật tự mỹ quan đô thị. Một động thái kiên quyết được thực hiện xuyên suốt với những bước đi được cân nhắc cụ thể là yêu cầu thiết yếu để từng bước lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè. Ở đó không có sự bao che, cả nể cho hành vi chiếm dụng vỉa hè. Chính quyền địa phương cần cương quyết chấn chỉnh ngay từ khi người dân có hành vi lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè để không cho thói quen xấu ấy nảy sinh. Có như vậy sẽ tạo sự đồng thuận trong mỗi người dân khi thực hiện lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè.