Đề xuất đầu tư 78 tỷ đồng cho Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường

(VOH) - Ban Đô thị HĐND TP đã có buổi làm việc về tình hình quy hoạch, quản lý và đầu tư mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường trên địa bàn thành phố vào chiều 17/8.

Ông Hoàng Ánh Dương – Phó chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết, từ năm 1995-2000 Sở đã thiết lập hệ thống quan trắc thủ công. Sau năm 2000, TP đã tiếp nhận hệ thống của Na Uy thiết lập các trạm quan trắc tự động.

Tuy nhiên, thời hạn sử dụng của các trạm tự động này chỉ được 10-12 năm, đến nay đã bị hư hỏng, một số thiết bị không còn phù hợp để thay thế. Sở kiến nghị thành phố cho phép đầu tư 9 trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí với kinh phí dự kiến 110 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường (đứng) báo cáo đề án

Cùng với đề xuất này, sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng “Đề án tổng thể phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” để phục vụ cho công tác xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường, dự báo, cảnh báo, phòng, tránh các sự cố môi trường. 

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường dự kiến sẽ triển khai 2 dự án, trong đó, dự án “Đầu tư Trung tâm quan trắc và Phân tích môi trường” với tổng mức đầu tư là 78 tỷ đồng. Dự án này đã được HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 08 và Dự án “Nâng cao năng lực quan trắc môi trường tại TPHCM giai đoạn 2016 – 2020” với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng cũng được HĐND thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 07.

Phó Chủ tịch HĐND TP Trương Thị Ánh (giữa, áo xanh) làm việc về tình hình quy hoạch, quản lý và đầu tư mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường trên địa bàn thành phố vào chiều 17/8.

Theo đó, TP sẽ thiết lập các trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường đối với nước mặt, không khí theo nguyên tắc tự động. Các số liệu quan trắc cập nhật liên lục về trung tâm điều hành, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hoàn thiện mạng lưới quan trắc chất lượng nước dưới đất, quan trắc lún mặt đất nhằm đánh giá hiện trạng, xu hướng lún của thành phố, đồng thời, thiết lập công cụ giám sát các nguồn thải có lưu lượng nước trên 1.000m3

/ngày đêm.

Hiện Sở Tài Nguyện và Môi trường đã khảo sát 72 vị trí trên phần đất công và đất tư nhân, tùy theo công năng của từng trạm. Dự kiến trạm quan trắc không khí chiếm diện tích 28m2, quan trắc nước mặt 36m2, quan trắc nước dưới đất 40m2, lún 80m2.

Ông Trương Trung Kiên – Trưởng ban Đô thị HĐND TP cho rằng, quy hoạch mạng lưới các trạm quan trắc môi trường là cơ sở xác định vị trí, khoanh ranh giới các khu đất. Điểm nào cần thu hồi đất thì nên có quy hoạch.

Về chi phí vận hành các trạm, trong đề án cần dự kiến thời hạn sử dụng các thiết bị, tính luôn chi phí bảo dưỡng, thay thế.