Điểm sáng lập lại trật tự lòng, lề đường (Bài 1)

(VOH) - Từ năm 2016, UBND thành phố đã ra Chỉ thị 22 về thực hiện công tác, quản lý sử dụng lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố.

Đây là tiền đề để các quận - huyện chấn chỉnh lại trật tự vỉa hè, lòng đường. Tiếp đó, năm 2017, Thành ủy ban hành Chỉ thị số 11 về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn thành phố.

Dù các địa phương cũng đã nỗ lực rất nhiều cho công tác này, song việc lập lại trật tự vỉa hè vẫn trong tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”. Nạn buôn bán, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè trên nhiều tuyến đường, khu vực còn phức tạp.

Chính vì thế, tháng 5 năm 2018 vừa qua, UBND TP.HCM có công văn số 2202 về tăng cường đảm bảo trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố. Đồng thời, dựa trên giao ước thi đua giữa UBND 24 quận - huyện với Ban An toàn giao thông thành phố, các đơn vị chức năng đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên ra quân tổng kiểm tra lập lại trật tự lòng đường vỉa hè.

trật tự lòng đường, vỉa hè

Đường Bạch Đằng, phường 15, Bình Thạnh có chuyển biến trong lập lại trật tự vỉa hè. Ảnh: Bích Ngọc

Chuyện dài nhiều tập

Nói đến vấn đề lấn chiếm vỉa hè ở TP.HCM là một câu chuyện dài, nhiều tập. Để lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè là một bài toán nan giải. Có địa phương giải quyết quá nóng vội khiến cho người dân bức xúc. Có nơi lại buông lỏng, làm qua loa nên không có tác dụng. Cho nên, để công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè đạt hiệu quả đòi hỏi sự quyết tâm của chính quyền các cấp.

Theo cam kết của 24 quận - huyện, trong năm 2018 sẽ lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè ở 157 tuyến đường, 43 khu vực cần xóa và chấn chỉnh lập lại trật tự ở 101 khu vực. Nội dung của giao ước thi đua là tăng cường tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức, ý thức người tham gia giao thông. Phấn đấu kéo giảm 5 - 10% tai nạn giao thông trên 3 mặt, có giải pháp hiệu quả không để xảy ra ùn tắc giao thông; tập trung ra quân tuyên truyền, vận động làm chuyển biến tình hình, tái lập trật tự vỉa hè, lòng lề đường. Từng xã - phường, quận - huyện sẽ có giải pháp cụ thể, phù hợp với địa phương mình.

Một trong những điểm sáng của công tác này, phải kể đến sự nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền UBND quận Bình Thạnh. Là quận nội ô và mật độ giao thông đông đúc, tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, ở khu vực quanh các chợ như: Bà Chiểu, Thị Nghè, Cây Quéo, Cây Thị, Thanh Đa… tình trạng mua bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè rất lộn xộn.

Đứng trước thực trạng trên, năm 2017 UBND quận Bình Thạnh đưa vào sử dụng phần mềm “Bình Thạnh trực tuyến”. Với phần mềm này, người dân đã đồng hành cùng chính quyền trong phát hiện, xử lý vi phạm trật tự lòng lề đường. Những hình ảnh vi phạm mà người dân cung cấp thông qua phần mềm này được UBND quận tiếp nhận và giải quyết nhanh chóng. Tính từ tháng 4/2017 đến nay, đã có hơn 13.000 lượt người dân tải ứng dụng về sử dụng, gần 10.000 tin báo, trong đó, hơn 8.000 tin về vi phạm trật tự lòng lề đường. Quận cũng đã xử lý hơn 9.700 tin báo đạt tỷ lệ trên 99%.

Phó Bí thư trường trực quận Bình Thạnh Vũ Ngọc Tuất cho biết, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quận Bình Thành còn có triển khai nhiều hoạt động để công tác lập lại trật tự an toàn vỉa hè, lòng lề đường trên địa bàn quận hiệu quả hơn.

Theo phương châm của quận xác định là không thực hiện nôn nóng, làm quyết tâm, kiên trì vận động và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Vì thực tế liên quan đến trật tự lòng lề đường là liên quan đến cuộc sống của người dân. Do đó phải sắp xếp sao cho người dân có chỗ buôn bán, vừa đảm bảo vấn đề trật tự. Trong giải pháp lãnh đạo, giao trách nhiệm cho cấp ủy Đảng. Thứ hai, tăng cường tiếp xúc đối thoại. Ban Thường vụ Quận ủy giao trách nhiệm cho từng đồng chí thường vụ phụ trách các phường cùng với cấp ủy Đảng các phường tổ chức tiếp xúc lắng nghe, kiến nghị của người dân và trực tiếp giải quyết những kiến nghị đó", ông Tuấn cho hay.

Nói về công tác lập lại trật tự vỉa hè, lòng, lề đường trên địa bàn quận Bình Thạnh thời gian qua, một người dân sống tại chợ Bà Chiểu, khu vực trước đây tình trạng buôn bán lấn chiếm diễn ra rất phức tạp nhìn nhận chợ Bà Chiểu chuyển biến tốt, trật tự; không còn tình trạng kẹt xe hay lấn chiếm do Ban quản lý chợ làm rất quyết liệt.

Quận Bình Thạnh có 6 tuyến đường được đăng ký là tuyến đường kiểu mẫu và sau một thời gian quyết liệt ra quân đảm bảo trật tự an toàn lòng đường, vỉa hè, theo đánh giá của Ban An toàn giao thông thành phố thì hai tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và đường Điện Biên Phủ hiện nay rất thông thoáng, không còn tình trạng buốn bán lấn chiếm tràn lan trên vỉa hè. 4 tuyến đường còn lại là: Bạch Đằng, Nơ Trang Long, Đinh Tiên Hoàng và Trường Sa có sự chuyển biến rõ rệt.

Lực lượng chức năng phường - xã phải quyết liệt

Có thể thấy, kết quả của quá trình thực hiện lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường thì vai trò nòng cốt đi đầu của lực lượng chức năng tại UBND phường, xã đóng góp rất quan trọng. Ông Nguyễn Huy Nghị - Phó Chủ tịch UBND phường 15, quận Bình Thạnh chia sẻ, trước đây, 2 tuyến đường Điện Biên Phủ và đường Bạch Đằng có rất nhiều các hộ dân buôn bán, kinh doanh lấn chiếm vỉa hè. Riêng tuyến đường Điện Biên Phủ việc hàng rong buôn bán thường xuyên vào buổi sáng, nhất là khu vực trước cổng trường đại học quốc tế Hồng Bàng đã gây ra tình trạng mất trật tự an toàn giao thông. Để giải quyết vấn đề này, UBND phường 15 đã thành lập “Nhóm tự quản” nhằm nhắc nhở, vận động người dân chấp hành chủ trương lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường.

Nói thêm về công tác này, Phó Chủ tịch UBND phường 15, quận Bình Thạnh Nguyễn Huy Nghị chia sẻ: “Qua kiểm tra, khảo sát so với năm 2017, số hộ kinh doanh đường Điện Biên Phủ đã có giảm. Ví dụ trước đây là 152 trường hợp kinh doanh vỉa hè, giờ còn 115. Khu phố vận động các mạnh thường quân hỗ trợ các hộ nghèo khó trong kinh doanh chuyển đổi nghề khác để không kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường. Bên cạnh đó, chúng tôi đang làm mô hình, vận động các hộ kinh doanh buổi tối chuyển vào bãi đất trống 181A để buôn bán”.

Chị Nguyễn Thị Lan - một hộ dân buôn bán đồ nội thất trên đường Bạch Đằng cho biết, so với trước đây thì vỉa hè tuyến đường này hiện nay đã thông thoáng hơn, tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp khi không thấy lực lượng chức năng vẫn cố tình lấn chiếm vỉa hè để buôn bán.

Dời sát vô thì tất cả mọi người dễ buôn bán hơn. Vì phía trước cứ đưa hàng ra thì mình phía sau đâu có ai thấy. Bây giờ thì vẫn còn lấn chiếm, nhất là chiều tối. Hễ có công an thì họ mang vô, còn không có thì cứ đem đồ ra bày bán", chị Lan phản ánh.

Theo kết quả kiểm tra của Ban An toàn giao thông thành phố trong công tác lập lại trật tự lòng lề đường và vỉa hè tại các quận - huyện vào tháng 8 vừa qua cho thấy, hiện nay, 54 tuyến đường trên địa bàn đã thông thoáng, 88 tuyến đường có chuyển biến và 15 tuyến đường còn diễn biến phức tạp. Số liệu này phần nào phản ảnh được những cố gắng và quyết tâm của các địa phương trong việc lập lại trật tự lòng, lề đường, vỉa hè.

Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Ban chuyên trách, Ban An toàn giao thông thành phố, đánh giá trong 157 tuyến đường và các khu vực cần xóa, chấn chỉnh, nhiều quận, huyện đề ra chương trình, kế hoạch hết sức chi tiết để lập lại trật tự. Nhiều tuyến đường các quận - huyện sẽ thực hiện trong quí 2, hoặc quí 3. Có những tuyến đường được đề nghị thực hiện trong tháng 12/2018. Công việc này cũng phải kéo dài thời gian. Do đó, việc kết hợp đi kiểm tra theo dõi thường xuyên, thậm chí kiểm tra đột xuất các tuyến đường mà báo đài, người dân phản ảnh.

Tuy nhiên, Ban An toàn giao thông thành phố cũng cho biết một số địa phương đăng ký các tuyến đường thưa thớt dân cư, đường ít có tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, trong khi đó, tình trạng này thường xảy ở các khu vực có đông dân cư sinh sống, buôn bán; nơi tụ họp các khu chợ truyền thống, chợ tự phát. Phải chăng tâm lý sợ ảnh hưởng đến thành tích thi đua mà các địa phương đăng ký đối phó? Với cách làm như vậy, liệu rằng việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường trên địa bàn thành phố sẽ chỉ là cái vòng lẩn quẩn? Giải pháp nào cho vấn đề này?