Mỗi năm, TPHCM lún từ 5 - 10mm

(VOH) - “Công tác chống ngập tại TPHCM hiện đang đối diện với nhiều thách thức, trong đó có tình trạng lún mặt đất và nước biển dâng”.

Đó là cảnh báo của PGS.TS Lê Văn Trung - Chủ nhiệm bộ môn Hệ thống Thông tin Tài nguyên và Môi trường Trường Đại học Bách Khoa TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Trắc địa bản đồ tại hội nghị chuyên đề "Giải pháp quy hoạch cao độ nền và thoát nước TP.HCM" do Sở Quy hoạch - kiến trúc TPHCM tổ chức chiều 17/5.

Theo PGS.TS Lê Văn Trung, tình trạng này hiện đang diễn ra tại một số khu vực trên địa bàn TPHCM thuộc huyện Bình Chánh, Bình Tân, quận 8, quận 7, 12, quận Thủ Đức, Nhà Bè... với mức lún từ 5 - 10mm/năm.

Mỗi năm, TPHCM lún từ 5-10mm

Quang cảnh tại hội nghị chuyên đề "Giải pháp quy hoạch cao độ nền và thoát nước TPHCM".

“So với các nước phát triển thì tỉ lệ lún sụt này cũng không lớn lắm, đặc biệt so với Paris, Thái Lan, Thượng Hải của Trung Quốc. Nhưng nếu không có giải pháp căn cơ, quyết liệt thì vấn đề này sẽ tác động lâu dài, giống như Thượng Hải đường biến thành sông. Quy hoạch thành phố đừng để bề mặt không thấm, bê tông hóa mở rộng. Phải có hồ điều tiết để trữ nước mưa. Vùng nào cấp nước mặt thì tuyệt đối không cho phép sử dụng nước ngầm” - PGS.TS Lê Văn Trung đề xuất giải pháp.

Nêu một trong những nguyên nhân gây ngập hiện nay, theo ông Đỗ Tấn Long - Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa thuộc Trung tâm điều hành chống ngập nước TPHCM, do việc triển khai quy hoạch chống ngập quá chậm, hệ thống cống thoát nước đầu tư chưa đạt yêu cầu. Theo quy hoạch xác định xây dựng 140 hồ điều tiết hỗ trợ thoát nước nhưng đến nay chưa có hồ điều tiết nào hoàn thành. Việc nạo vét kênh rạch cũng chỉ đạt được 1% so với kế hoạch đặt ra. TPHCM cũng xác định triển khai 10 cống kiểm soát triều, đến nay chỉ mới đưa vào vận hành cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè, các cống còn lại đang triển khai dang dở.

“Theo quy hoạch tổng thể thoát nước mưa đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, thành phố cần đầu tư, nâng cấp mới khoảng 6.000km cống các loại, tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay mới chỉ đầu tư được trên 2.500 km, đạt khoản 43%, còn thiếu rất nhiều. Nhiều tuyến đường chưa có cống hoặc cống nhỏ chưa được nâng cấp”- ông Đỗ Tấn Long nêu thực trạng.

Thêm vào đó, công tác dự báo chưa lường hết được diễn biến biến đổi khí hậu, thông số quy hoạch không còn phù hợp thực tế nên một số cống đầu tư trong thời gian qua trở nên quá tải dẫn đến ngập nước. Từ đó, ông kiến nghị, thành phố cần triển khai hoàn thành các quy hoạch. Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư lên đến 97.000 tỷ đồng.