Người dân TPHCM phấn khởi trải nghiệm tuyến buýt đường sông đầu tiên

(VOH) - Tuyến buýt sông đầu tiên của TPHCM đã chính thức đưa vào khai thác, phục vụ người dân, được kỳ vọng góp phần giảm tải cho giao thông đường bộ và phát triển du lịch. 

Sáng nay (25/11), tuyến buýt sông đầu tiên của TPHCM có lộ trình bến Bạch Đằng, Quận 1 đi Linh Đông (Thủ Đức) đã chính thức đưa vào khai thác, phục vụ người dân, được kỳ vọng góp phần giảm tải cho giao thông đường bộ và phát triển du lịch. 

Lãnh đạo UBND TPHCM tặng hoa chúc mừng nhà đầu tư

Nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, các Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, Lê Văn Khoa cùng đại diện các sở ban ngành và đã cùng tham dự lễ công bố vận hành chính thức tuyến buýt sông số 1

Tàu được thiết kế hiện đại, an toàn, chạy khá êm

Tuyến số 1 có lộ trình bến Bạch Đằng, Quận 1 đi Linh Đông (Thủ Đức) dài gần 11km sau khi được hạ thủy từ tháng 8, đã hoàn tất những khâu cuối cùng trong việc kiểm tra kỹ thuật, mức độ an toàn và được Công ty Thường Nhật, chủ đầu tư dự án chính thức đưa vào khai khác sáng nay. 

Với giá vé 15 ngàn đồng/khách/lượt, tuyến buýt này có cả thảy 12 bến đón trả khách, nằm rải rác ở các quận 1, quận 2, Bình Thạnh, Thủ Đức. Tuyến buýt sông đầu tiên của Thành phố có 4 phương tiện tàu thủy có sức chứa 80 chỗ ngồi cùng 1 phương tiện dự phòng khi quá tải.

Khoang tàu buýt có sức chứa 80 chỗ ngồi

Tuyến này sử dụng 4 tàu buýt 80 chỗ, nếu tính cả đón trả khách, buýt đường sông chỉ cần 30 phút là hoàn thành lộ trình, bằng 2/3 so với buýt đường bộ trên cùng một tuyến. Giá vé dự kiến là 15.000 đồng/lượt, trong 10 ngày đầu tiên, người dân sẽ được miễn phí vé. Thời gian phục vụ là từ 6g30 đến 18g30 hằng ngày, thời gian chờ giữa các chuyến là 30 phút. 

Ngay từ sáng sớm, nhiều người dân đã đến chờ đợi tại ga tàu thủy Bạch Đằng để được trải nghiệm chuyến buýt sông đầu tiên. Ở các bến dọc tuyến sông, nhiều người dân cũng hào hứng chờ đợi để tận mắt chứng kiến tuyến buýt mới mẻ này. Nhiều người dân chia sẻ cảm giác thú vị và hào hứng: “Cảm giác hiện giờ rất hân hoan, muốn trải nghiệm. Mong rằng ngoài tuyến số 1 sẽ có thêm tuyến số 1, số 2, số 3… đi về các quận huyện để giới thiệu hết cảnh quan của TP. 

Bến tàu buýt tại Công viên Bạch Đằng được xây dựng khang trang, hiện đại

“Đây là sự đổi mới, ghi nhận sự phát triển của TP. Trên bến dưới thuyền là mong ước của mọi người dân. Ngoài việc phục vụ đi lại của người dân, còn giới thiệu cảnh quan, phục vụ du khách khắp nơi đến với TP của chúng ta”

Trong khi đó, chuyên gia giao thông Hà Ngọc Trường thì nhận định: “Buýt sông được thiết kế tương đối êm, chỗ ngồi rộng rãi. Và nếu trời quang mây tạnh có thể lên trước boong để ngắm cảnh và thưởng thức gió mát. Đây là ưu điểm mà các loại hình buýt khác không có”.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP cho rằng, với sự chăm chút của nhà đầu tư, tàu buýt hiện đại và mang đến cảm giác rất an toàn, được trang bị đầy đủ áo phao, rất hiện đại và chuyên nghiệp: ”Tôi thấy hết sức thoải mái, thuận tiện. Đặc biệt là đảm bảo an toàn trên sông nước. Đây là mô hình rất hay. Nếu chúng ta phát huy được sẽ rất hiệu quả trong việc giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông. Đặc biệt người dân sẽ ủng hộ chúng ta”.

Hiện nhà đầu tư chỉ mới đưa 5 bến vào hoạt động bao gồm Bạch Đằng, Bình An, Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh và Linh Đông. Những bến bãi còn lại, đơn vị sẽ tiếp tục hoàn thiện các hạng mục để sớm đưa vào khai thác. Để tăng hiệu quả của tuyến buýt sông này, chủ đầu tư cũng vừa đề xuất kết nối tuyến buýt sông này với 3 tuyến xe điện loại 4 bánh để đến một số địa điểm du lịch, khách sạn, trên địa bàn… Hiện những bến bãi chính của tuyến số 1 như Bạch Đằng, Linh Đông đã được kết nối với mạng lưới xe buýt của thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, thành phố có nhiều điều kiện để phát triển giao thông thủy với mạng thủy với hơn 110 tuyến sông, kênh rạch, 1000km đường sông bao quanh, vì thế việc đưa vào sử dụng tuyến buýt sông sẽ là tiền đề để phát triển các tuyến mới. Từ đó sẽ mở ra đa phương thức các loại hình, giảm phụ thuộc vào đường bộ. Ông Bùi Xuân Cường nói: “Đây là loại hình chắc chắn an toàn, văn minh, tiện lợi. Hiện nay tuy thực sự chưa hoàn thành tất cả các bến nhưng cơ bản 5 bến đã hoàn thiện để phục vụ tốt nhất người dân để khi người dân đã trải nghiệm sẽ có đánh giá tốt, có cảm tình để quay trở lại”

Ông Cường cũng cho rằng, thời gian đầu thực hiện mô hình giao thông công cộng mới này có thể phát sinh những bất cập, do vậy ngành giao thông TP rất cần những ý kiến đóng góp từ người dân để xây dựng tuyến phù hợp hơn.

Việc triển khai tuyến buýt sông nói trên với kỳ vọng sẽ góp phần giảm tải cho giao thông đường bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại bằng vận tải hành khách công cộng của người dân cũng như khai thác lợi thế cảnh quan sông nước gắn với phát triển văn hoá du lịch của TP Hồ Chí Minh. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, TP sẽ có chính sách để khuyến khích phát triển mạnh loại hình giao thông công cộng này: “Giao thông đường thủy là một chủ trương lớn của TP đã được quan tâm thực hiện nhiều năm qua. Đến nay ngoài hoạt động du lịch đường thủy đã phát triển, lần đầu tiên có hệ thống buýt thủy được đầu tư và đi vào hoạt động. Chúng tôi rất hoan nghênh và chắc chắn sẽ có những chính sách hỗ trợ phù hợp, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hệ thống giao thông công cộng đường thủy, không chỉ buýt thủy mà có thể cả taxi thủy. Qua đi thực tế thì thấy chủ đầu tư đã rất chăm chút, tuyến buýt thủy rất an toàn. Hy vọng sẽ ngày càng phát triển với sự tham gia ngày càng đông của người dân TP”.

Hiện Thành phố yêu cầu chủ đầu tư phải chủ động nghiên cứu các phương án xây dựng tuyến buýt đường sông số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm), để khi hoàn thành công trình cống kiểm soát triều Bến Nghé thì đầu tư xây dựng nhanh để đưa vào khai thác.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM.

ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông thủy Sở GTVT TP