Người sử dụng lao động phải mua những loại bảo hiểm nào cho người lao động?

(VOH) - Doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm về các quy định liên quan đến Luật bảo hiểm xã hội, lao động, việc làm và an toàn lao động.

Hội nghị đối thoại giữa Doanh nghiệp và Chính quyền Thành phố với chuyên đề về chính sách lao động, việc làm, an toàn lao động và giáo dục nghề nghiệp diễn ra sáng 31/10 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức, đã thu hút hơn 250 doanh nghiệp tham gia.

Các doanh nghiệp đã đặt gần 50 câu hỏi trước bằng văn bản cũng như trao đổi tại chỗ với các ngành chức năng. Nội dung thắc mắc tập trung nhiều vào chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm thất nghiệp, dạy nghề, an toàn lao động, vệ sinh lao động, các quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại TPHCM.

Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp về an toàn lao động, về quy định mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động cùng những mức hỗ trợ khi tai nạn lao động xảy ra đối với người lao động nếu lỗi thuộc về người sử dụng lao động, ông Nguyễn Quốc Việt - Trưởng Phòng Việc làm và An toàn lao động - Sở Lao động Thương Binh và Xã hội TPHCM cho biết người sử dụng lao động phải mua những loại bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm tai nạn và bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Khi tai nạn lao động xảy ra, căn cứ vào kết luận điều tra, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm bồi thường cho người lao động khi tai nạn lao động đó lỗi do người sử dụng lao động.

Người sử dụng lao động sẽ hỗ trợ cho người lao động một khoản chi phí thứ nhất trích từ tiền của doanh nghiệp. Khoản thứ hai nếu đã tham gia quỹ bảo hiểm tai nạn bệnh nghề nghiệp thì sẽ được bảo hiểm xã hội chi trả theo tỷ lệ thương tật.

Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố

Đại diện ngành chức năng giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp.

Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng đặt câu hỏi trực tiếp tại buổi đối thoại xoay quanh chế độ thai sản cho lao động nữ mới sinh con, thực hiện trợ cấp thôi việc cho người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chế độ nghỉ hưu theo đúng độ tuổi quy định.

Đặc biệt, tại buổi đối thoại, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng hiện doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề thực hiện thủ tục liên quan đến cấp phép lao động là người nước ngoài và việc người lao động nước ngoài di chuyển nội bộ?

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh - Phó phòng Việc làm và An toàn lao động giải đáp như sau: “Lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc theo quy định thì phải có giấy phép lao động. Tuy nhiên hiện nay về vấn đề di chuyển nội bộ thì theo thông tư 35 của Bộ Công Thương việc di chuyển trong 11 ngành dịch vụ sẽ được miễn cấp giấy phép lao động, tức là không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Di chuyển nội bộ phải hiểu theo hai vấn đề: thứ nhất là di chuyển từ công ty mẹ sang công ty con tại Việt Nam, thứ hai là phải làm việc tại công ty mẹ ít nhất là 12 tháng thì mới đủ điều kiện di chuyển nội bộ và thủ tục này các doanh nghiệp phải chuyển cho Sở Lao động Thương binh Xã hội xác nhận là đối tượng này sẽ không thuộc cấp giấy phép lao động theo quy định”.          

Theo đại diện ITPC, Hội nghị đối thoại nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp cập nhật kịp thời nội dung các chính sách, quy định pháp luật hiện hành để thực hiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời đảm bảo chăm lo đời sống cho người lao động tại đơn vị mình.

Đây cũng là hoạt động đối thoại định kỳ nhằm tăng cường sự tương tác giữa doanh nghiệp và Chính quyền Thành phố, qua đó, trao đổi và tiếp thu những ý kiến đóng góp từ phía doanh nghiệp về các chính sách, thủ tục hoạt động của cơ quan nhà nước để sửa đổi và hoàn thiện, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực thi pháp luật của Nhà nước một cách kịp thời và hiệu quả.

Đây cũng là Hội nghị Đối thoại trực tiếp lần thứ 182 của Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền Thành phố kể từ ngày thành lập năm 2002 đến nay nhằm tăng cường hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.