Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

(VOH) - Sáng 17/10, Ủy ban MTTQVN TPHCM và Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQVN tổ chức tọa đàm “Vai trò của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - Thực trạng và giải pháp".

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Tạ Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam cho biết, nhiệm vụ giám sát phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam có những bước tiến mới, hoạt động có chiều sâu. Các cuộc vận động, phong trào thi đua tiếp tục đổi mới về nội dung và phương thức thực hiện, thiết thực và hiệu quả hơn. Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước ngày càng rõ hơn về cơ chế và phương thức tổ chức thực hiện.

Song vẫn còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, cần tiếp tục quán triệt Luật MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị các cấp và phổ biến sâu trong các thành viên Mặt trận và rộng rãi ra các tầng lớp Nhân dân; Thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm cơ bản của MTTQ Việt Nam tại địa phương. Cần có giải pháp bảo vệ cán bộ Mặt trận khi dám phản ánh, tố cáo cán bộ có tiêu cực.

Quang cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: ĐĐK

Quang cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: ĐĐK

Về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học TPHCM – Phó Chủ tịch UBMTTQ VN TPHCM cho rằng, vai trò của Mặt trận rất lớn, bởi vì đại diện cho ý nguyện của toàn dân.

“Tôi cho rằng một trong những vấn đề mà Mặt trận cần phải chú ý là lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân để phản ánh lại tình hình với cấp lãnh đạo, với Đảng. Ở đây Mặt trận có tiếp dân thành ra nắm được tình hình nhiều. Hiện tại bản thân Mặt trận là một tổ chức liên hiệp nên bản thân cũng chủ động nhiều hơn trong những vấn đề mà người dân rất quan tâm”, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn nói.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, trong vấn đề giám sát còn nhiều vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, thực tế việc giám sát còn hình thức, hiệu quả pháp lý chưa cao, việc đóng góp ý kiến phản biện xã hội trong các phiên họp chưa được diễn ra liên tục. Nội dung và hình thức phản biện còn nhiều vướng mắc chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho hoạt động phản biện xã hội, nhiều nơi còn lúng túng chưa đưa ra được các tiêu chí chọn nội dung nào để giám sát cho hiệu quả. Một bộ phận cán bộ làm công tác phản biện còn ngại va chạm, không dám đưa ra chính kiến của mình.

Bên cạnh đó, Mặt trận cũng cần có sự tổng kết để đánh giá cơ chế phối hợp với các cơ quan như: Liên đoàn Luật sư, Hội Luật gia, thanh tra Chính phủ, Bộ tư pháp để đánh giá sâu hơn trong công tác giám sát và phối hợp.  Mặt trận cũng đưa ra các giải pháp và yêu cầu các cơ quan chủ quản trả lời một cách thiết thực, đầy đủ, thỏa đáng, không đùn đầy và né tránh.

“Nên chọn vấn đề để giám sát, phản biện, bởi vì đất nước chúng ta có rất nhiều việc phải giám sát và phản biện nhưng không phải làm một lúc và làm tất cả được. Vì vậy chúng ta phải có một kế hoạch dài hạn. Đội ngũ giám sát phải có bản lĩnh, có trình độ chuyên môn và có kỹ năng để đương đầu. Dám đảm nhận những trách nhiệm. Chúng ta nên chọn người có uy tín, trách nhiệm để giúp cho Mặt trận. Cần thiết là phải bồi dưỡng, tâp huấn cái công tác này. Tiếp thao là Đảng và nhà nước cần tạo một cơ chế để mặt trận hoạt động tương đối độc lập", Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết.

Còn theo ông Trần Trung Tính – Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân tộc tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc VN TPHCM - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, muốn đổi mới thì phải đổi mới từ nhận thức trong lãnh đạo Đảng, nhà nước. Làm sao tăng cường được khối đại đoàn kết, để khi họ tham gia vào phải hiểu được vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của Mặt trận. Và cũng chính trong hệ thống chính trị đòi hỏi cán bộ Mặt trận phải có năng lực, đặc biệt là cán bộ chuyên trách mặt trận phải có bản lĩnh chính trị.

Để thực hiện được ý Đảng lòng dân đòi hỏi đội ngũ cán bộ mặt trận phải được chuyên môn hóa, phải được đào tạo qua trường lớp chứ không chắp vá như nhiều thập niên vừa qua. Trong khi đó thì các tổ chức chính trị XH, các đoàn thể nhân dân thì có trường lớp đào tạo chuyên môn. Còn Mặt trận là một tổ chức liên minh chính trị để thực hiện một công việc lại mang tính phối hợp chung chung thì làm sao có thể đo lường được hiệu quả cần có một chủ trương, giải pháp làm chuyển biến nhận thức về vai trò của Mặt trận.

Kết quả của buổi tọa đàm sẽ được Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học (Ủy ban MTTQ Việt Nam) tổng hợp, làm căn cứ phục vụ cho công tác nghiên cứu, đánh giá về vai trò của mặt trận. Trên cơ sở đó, xây dựng báo cáo đánh giá thực chất, đề xuất giải pháp có tính khả thi, giúp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có thêm căn cứ khoa học chuẩn bị cho việc xây dựng nội dung, chương trình hành động của MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ mới.

TPHCM: 9 tháng năm 2018, GRDP ước đạt 903.652 tỉ đồng - Theo báo cáo của UBND TPHCM trong 9 tháng 2018 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 903.652 tỉ đồng, tăng 7,89% so với cùng kỳ năm 2017.
25 năm đồng hành cùng trẻ em khuyết tật, mồ côi - Sáng 17/10, Hội cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam tổ chức hội nghị Ban chấp hành thường kỳ khóa V, nhiệm kỳ 2015 -2020 mở rộng.